10:29 | 05/07/2025
Theo hãng tin CNN (Mỹ), ngày 04/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ gửi thư tới khoảng 10-12 quốc gia mỗi ngày trong vòng năm ngày tới để thông báo mức thuế quan mới, có hiệu lực từ ngày 01/8. Các mức thuế quan sẽ dao động từ 10% đến 70%, nhằm đáp trả việc không đạt được thỏa thuận thương mại trong thời hạn ba tháng mà chính quyền đã đặt ra từ tháng 4/2025.
"Tiền sẽ bắt đầu chảy vào Mỹ từ ngày 01/8", ông Trump nói.
![]() |
Container hàng hóa tại Cảng Los Angeles, San Pedro, bang California, ngày 15/5/2025. (Ảnh: Getty Images) |
Tổng thống Mỹ cho biết biện pháp này là nhằm thiết lập nguyên tắc "có đi có lại" và gây sức ép buộc các đối tác thương mại đàm phán lại các điều khoản theo hướng có lợi hơn cho Mỹ. Trước đó, vào tháng 4/2025, ông đã áp thuế quan "có đi có lại" lên tới 50% đối với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ. Dù chưa công bố danh sách cụ thể, ông Trump nhiều lần chỉ trích Liên minh châu Âu và Nhật Bản, đồng thời đe dọa áp mức thuế tới 35% đối với Tokyo - động thái được cho là có thể mang tính chiến thuật đàm phán.
Trong khi các quan chức châu Âu xác nhận các cuộc đàm phán đang diễn ra trong bầu không khí “rất nhạy cảm”, Nhà Trắng khẳng định sẽ không gia hạn thời hạn chót 09/7 cho các nước chưa đạt được thỏa thuận.
Tính đến nay, chính quyền Trump mới chỉ ký khuôn khổ đàm phán với Vương quốc Anh, Trung Quốc và tuyên bố đạt được thỏa thuận với Việt Nam, dù chưa công bố nội dung cụ thể. Tổng thống Trump từng tuyên bố đã “thực hiện 200 thỏa thuận”, nhưng sau đó thừa nhận không thể đàm phán đồng loạt với hơn 170 quốc gia.
“Tại một thời điểm nào đó, chúng tôi sẽ cho họ biết họ phải trả bao nhiêu để kinh doanh tại Mỹ - và nó sẽ diễn ra rất nhanh”, ông nói trong cuộc họp báo ngày 04/7.
Theo hãng tin Reuters (Anh), ngày 04/7, đúng dịp Quốc khánh Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành đạo luật thuế và chi tiêu toàn diện.
Đạo luật do đảng Cộng hòa khởi xướng đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ sít sao 218-214, qua đó hợp pháp hóa việc cắt giảm thuế từ năm 2017 và tăng đầu tư vào an ninh biên giới.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành đạo luật thuế và chi tiêu toàn diện mang tên "One Big Beautiful Bill" tại Nhà Trắng, Washington, D.C., ngày 04/7/2025. (Ảnh: Reuters) |
Ông Trump tuyên bố: “Chúng ta có mức cắt giảm thuế lớn nhất, mức cắt giảm chi tiêu lớn nhất, khoản đầu tư vào an ninh biên giới lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Dự luật dự kiến khiến hàng triệu người mất bảo hiểm y tế, nhưng được ông Trump ca ngợi là “mang lại lợi ích cho quân đội, dân thường và thị trường lao động”.
Trước đó, một số nghị sĩ Cộng hòa bày tỏ lo ngại về chi phí và tác động đến các chương trình an sinh, song chỉ 2 người trong số 220 nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện bỏ phiếu chống. Phía đảng Dân chủ phản đối mạnh mẽ. Lãnh đạo Hạ viện Hakeem Jeffries có bài phát biểu kéo dài 8 giờ 46 phút, gọi dự luật là "món quà cho giới giàu". Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Ken Martin cảnh báo: “Đảng Cộng hòa sẽ bị dự luật này đeo bám trong nhiều năm tới. Đây là sự phản bội hoàn toàn đối với người dân Mỹ”.
Theo hãng tin CNN, ngày 04/7, Hamas tuyên bố đã "gửi phản hồi tích cực" tới các bên trung gian về đề xuất ngừng bắn 60 ngày với Israel tại Dải Gaza, đánh dấu bước tiến quan trọng sau nhiều tháng đàm phán bế tắc. Đề xuất do Mỹ hậu thuẫn, với sự tham gia tích cực của Qatar và Ai Cập, nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn tạm thời, từng bước hướng đến chấm dứt xung đột. Israel đã đồng ý với khuôn khổ đề xuất này và các cuộc đàm phán chi tiết dự kiến diễn ra trong những ngày tới.
![]() |
Hiện trường vụ không kích của Israel tại trại tị nạn Shati, thành phố Gaza, ngày 04/7/2025. (Ảnh: Reuters) |
Trong số 50 con tin Israel còn lại ở Gaza, đề xuất kêu gọi Hamas trả tự do cho 10 người còn sống và bàn giao thi thể 18 người đã chết trong thời gian lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Ngay trong ngày đầu tiên, Hamas sẽ thả 8 con tin sống để đổi lấy một số lượng tù nhân và người bị giam giữ Palestine chưa được tiết lộ. Sau đợt trao đổi đầu tiên, Israel sẽ rút khỏi một số khu vực ở phía bắc Gaza, đồng thời hai bên bắt đầu tiến trình đàm phán hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn.
Đề xuất mới cũng bao gồm cam kết viện trợ nhân đạo mở rộng cho Gaza và bảo đảm vai trò của Mỹ trong việc duy trì đàm phán kéo dài sau thời gian ngừng bắn 60 ngày. Dù Israel chưa đồng ý với việc chấm dứt chiến tranh vĩnh viễn, Thủ tướng Netanyahu lần đầu tiên công khai ưu tiên việc giải cứu con tin hơn là tiêu diệt Hamas. Ông dự kiến sẽ đến Washington gặp Tổng thống Trump để thảo luận về đề xuất này, sau cuộc họp nội các toàn thể vào cuối tuần.
Tờ Kyiv Independent (Ukraine) đưa tin: Ngày 04/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump để thảo luận về việc tăng cường khả năng phòng không của Ukraine.
“Hôm nay chúng tôi đã thảo luận về tình hình: các cuộc không kích của Nga và rộng hơn là tình hình ở tiền tuyến. Tổng thống Trump có thông tin rất đầy đủ”, ông Zelensky viết trên Telegram.
“Chúng tôi đã thảo luận về các phương án phòng không và nhất trí tăng cường bảo vệ không phận. Chúng tôi nhất trí tổ chức một cuộc họp giữa các nhóm của chúng tôi”, ông cho biết. Zelensky cũng tiết lộ hai nhà lãnh đạo đã bàn về khả năng hợp tác quốc phòng, trong đó có sản xuất máy bay không người lái (UAV) và các công nghệ liên quan. “Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các dự án trực tiếp với Mỹ và tin rằng điều này cực kỳ cần thiết cho vấn đề an ninh”, ông nói thêm.
Cuộc điện đàm kéo dài khoảng 40 phút. Theo trang tin tức Axios (Mỹ), Tổng thống Trump khẳng định Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trong lĩnh vực phòng không.
Trước đó một ngày, ông Trump cũng đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tổng thống Trump sau đó nói rằng ông “không hài lòng” và “thất vọng” về cuộc điện đàm, đồng thời cho biết ông tin rằng ông Putin không có ý định chấm dứt cuộc chiến.
Về phía Liên bang Nga, theo kênh RT ngày 04/7, Trợ lý Điện Kremlin, ông Yuri Ushakov, cho biết trong khi điện đàm, ông Trump một lần nữa nêu vấn đề về việc chấm dứt các hành động thù địch càng sớm càng tốt. Đáp lại, ông Putin cho biết Liên bang Nga vẫn đang tiếp tục tìm kiếm một giải pháp chính trị, đàm phán cho cuộc xung đột này. Ông Putin đã thông báo cho người đồng cấp về tiến triển trong việc thực hiện các thỏa thuận nhân đạo đạt được trong vòng đàm phán trực tiếp thứ hai giữa Liên bang Nga và Ukraine được tổ chức tại Istanbul. Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng Liên bang Nga sẵn sàng tiếp tục đàm phán.
Ngoài ra, Tổng thống Liên bang Nga tuyên bố rằng Moskva sẽ kiên trì theo đuổi các mục tiêu của mình, cụ thể là xóa bỏ những nguyên nhân gốc rễ đã dẫn đến tình trạng hiện tại, cuộc đối đầu cay đắng mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay. Liên bang Nga sẽ không từ bỏ những mục tiêu này.
Phan Anh