06:00 | 19/03/2025
Đây là nhận định của Tiến sĩ Ankit Shah, nhà quan sát địa chính trị người Ấn Độ khi trao đổi với phóng viên hãng Sputnik (Nga). Ông cho rằng, việc phá giá đồng USD phù hợp với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump, nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu.
"Nếu không phá giá đồng USD, các nước BRICS và các nền kinh tế Nam Bán cầu khác sẽ khó mua hàng hóa của Mỹ, bất chấp các cuộc đàm phán thuế quan. Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản và Trung Quốc không nên duy trì đồng tiền của họ ở mức thấp hơn", Shah giải thích.
![]() |
Nhiều ý kiến cho rằng cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Trump thúc đẩy nhiều quốc gia giảm phụ thuộc vào đồng USD. (Ảnh minh họa: KT) |
Bình luận của Tiến sĩ Shah được đưa ra trong bối cảnh chỉ số USD Index (DXY) giảm xuống mức thấp nhất trong bốn tháng, giữa lúc thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh, căng thẳng thương mại gia tăng và lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.
Đầu tháng này, ông Trump tiết lộ rằng trong một cuộc điện đàm, ông đã yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba không "giảm giá và phá vỡ" đồng tiền của họ.
"Điều đó không công bằng với chúng tôi. Rất khó để sản xuất máy kéo, máy kéo Caterpillar khi Nhật Bản, Trung Quốc và các nước khác cố tình giảm giá đồng tiền của họ", ông nói.
Người được Tổng thống Trump chọn vào Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA), Stephen Miran, đã ủng hộ việc phá giá đồng USD trong một bài báo được công bố vào tháng 11 năm ngoái. Miran lập luận rằng nguyên nhân gốc rễ của sự mất cân bằng kinh tế mà Mỹ phải đối mặt nằm ở "sự định giá quá cao liên tục của đồng USD" đã ngăn cản sự cân bằng của thương mại quốc tế.
Cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump lưu ý rằng mặc dù sự bá quyền của đồng USD đã giúp Mỹ duy trì quyền lực tài chính và thực thi các lệnh trừng phạt, nhưng nó cũng làm giảm sức cạnh tranh xuất khẩu, gia tăng thâm hụt thương mại và giáng đòn vào ngành sản xuất của Mỹ.
Theo Tiến sĩ Shah, chính quyền Trump dường như sẵn sàng chấp nhận "giai đoạn chuyển đổi" trong nền kinh tế Mỹ.
"Trong ngắn hạn, Tổng thống Mỹ cũng muốn đánh thuế doanh thu từ tài sản bằng USD do nước ngoài nắm giữ, đồng thời khuyến khích họ sử dụng USD để mua hàng hóa Mỹ. Điều này cho thấy chính quyền Trump chấp nhận khả năng thị trường tài chính biến động”, Tiến sĩ Shah nhận định.
Ông cũng dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, người cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ trải qua một "giai đoạn thanh lọc" khi dần rời xa sự phụ thuộc vào chi tiêu công.
Bất chấp lập trường cứng rắn của Trump với BRICS, Tiến sĩ Shah tin rằng xu hướng phi đô la hóa sẽ tiếp tục diễn ra nhanh hơn.
“Việc Mỹ áp thuế với Ấn Độ và Trung Quốc từ ngày 2/4, chính sách giảm cam kết quốc phòng với các đồng minh châu Âu, cùng với việc BRICS+ tích trữ vàng - tất cả đều là dấu hiệu cho thấy quá trình phi đô la hóa đang diễn ra mạnh mẽ”, vị chuyên gia tuyên bố.
Tính đến ngày 13/3, giá vàng tương lai tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục 2.922,30 USD/ounce, khi cả nhà đầu tư tư nhân và chính phủ các nước đẩy mạnh mua vàng để phòng ngừa rủi ro địa chính trị và tài chính.
Trước đó, đài RT (Nga) đưa tin, phát biểu tại cuộc họp với các đại diện cấp cao của BRICS ngày 27/2, Tổng thống Brazil Lula da Silva khẳng định nhiệm kỳ chủ tịch BRICS của Brazil trong năm 2025 sẽ không ngừng nỗ lực phi USD hóa và thúc đẩy xây dựng một thế giới đa cực. Ông nhấn mạnh, BRICS quyết tâm cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng USD bất chấp các mối đe dọa về thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump và sẽ tiếp tục tìm kiếm các lựa chọn để chuyển hướng thương mại khỏi đồng USD.
“Những lời đe dọa áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không ngăn cản được quyết tâm của nhóm trong việc tìm kiếm các nền tảng thay thế cho các khoản thanh toán giữa các quốc gia thành viên”, Tổng thống Lula da Silva khẳng định.
Nhật báo Le Monde (Pháp) cũng dẫn lời chuyên gia kinh tế Pháp Gilles Dufrénot nhận định, các mức thuế quan do chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với nhiều đối tác thương mại quan trọng như Canada, Mexico và Trung Quốc có thể báo hiệu sự kết thúc của một hệ thống tiền tệ quốc tế với đồng USD là đồng tiền chủ chốt. Hiện tại, đồng USD chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, 60% dự trữ ngoại hối chính thức và ít nhất 30% các giao dịch ngân hàng quốc tế. Nhưng ngày càng có nhiều quốc gia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng tiền này và việc Mỹ tăng cường thuế quan đang tạo thêm động lực cho họ.
Phan Anh (tổng hợp)