11:00 | 17/03/2025
Các thể chế thương mại đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được xây dựng trên cơ sở các quy tắc nhằm thúc đẩy thương mại tự do và cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, việc Mỹ đơn phương áp thuế không chỉ vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế mà còn làm suy yếu tính hiệu lực và uy tín của hệ thống này, gây xáo trộn thương mại toàn cầu.
Steve Nolan, giảng viên kinh tế tại Đại học Liverpool John Moores (Anh), nhận định: “Các nhà kinh tế có thể bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề, nhưng gần như đồng thuận về lợi ích của thương mại tự do. Những gì ông Trump đang làm đang phá vỡ quy tắc vận hành của nền kinh tế toàn cầu trong hàng chục năm qua.”
Trong thời gian gần đây, chính quyền Mỹ đã triển khai một loạt biện pháp thuế quan cứng rắn: áp thuế 25% đối với tất cả mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, tăng thuế 25% đối với hàng hóa từ Canada và Mexico… Những động thái đơn phương này đi ngược lại mục tiêu của WTO là giảm rào cản thương mại và giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.
![]() |
Ông Trump ký sắc lệnh tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hôm 10/2 Ảnh: REUTERS |
Ông Steve Nolan cho rằng việc Mỹ liên tục áp thuế phản ánh quan điểm thiếu niềm tin vào lợi ích chung của thương mại. Ông nhận xét: “Với Tổng thống Trump, thương mại chỉ đơn thuần là một trò chơi có tổng bằng không.”
Các chính sách thuế quan của Mỹ đã kéo theo làn sóng đáp trả từ các đối tác thương mại, làm gia tăng căng thẳng toàn cầu. Giáo sư Ian Begg từ Trường Kinh tế và Chính trị London (LSE) cảnh báo rằng việc áp thuế cao và khơi mào chiến tranh thương mại có thể làm tổn hại đến kinh tế toàn cầu, thậm chí dẫn đến suy thoái.
Việc chính quyền Mỹ sử dụng thuế quan như một công cụ đàm phán và liên tục thay đổi chính sách đã gây ra những tác động tiêu cực đối với nhiều lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu.
Trước đó, Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, có hiệu lực từ ngày 4/3. Tuy nhiên, đến ngày 6/3, ông lại thông báo điều chỉnh chính sách, miễn thuế cho các mặt hàng nhập khẩu từ hai nước này nếu đáp ứng các điều kiện ưu đãi trong Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), áp dụng đến ngày 2/4.
Ngày 11/3, Trump tiếp tục tuyên bố áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, nâng tổng mức thuế lên 50% để đáp trả việc chính quyền bang Ontario của Canada áp thuế bổ sung 25% đối với xuất khẩu điện. Nhưng chỉ vài giờ sau, ông lại hủy bỏ kế hoạch áp thêm thuế.
Martin Wolf, nhà bình luận kinh tế chính của tờ Financial Times, nhận định rằng những chính sách thất thường này đã tạo ra một môi trường đầy bất ổn và hỗn loạn, cản trở các doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch kinh doanh và gây rối loạn thương mại quốc tế.
Những điều chỉnh thuế quan này cũng gây ra biến động trên thị trường tài chính quốc tế. Gần đây, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã giảm mạnh và tỷ giá ngoại hối biến động đáng kể, phản ánh mối lo ngại của các nhà đầu tư toàn cầu về sự leo thang của các cuộc tranh chấp thương mại và nguy cơ suy giảm kinh tế.
Mặc dù chính quyền Mỹ tuyên bố rằng thuế quan nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước và “đưa tài sản quay trở lại Mỹ”, nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng các chính sách thuế quan này sẽ gây tác động tiêu cực đến chính nước Mỹ. Một trong những lo ngại lớn nhất là giá cả hàng hóa tiêu dùng trong nước sẽ tăng mạnh.
Wolf nhận định rằng, trong ngắn hạn và trung hạn, ảnh hưởng rõ ràng nhất sẽ là hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, trong khi ngành sản xuất trong nước không thể ngay lập tức thay thế hàng nhập khẩu. Điều này sẽ gây tổn hại đến người tiêu dùng Mỹ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Mỹ và công ty nước ngoài hoạt động tại Mỹ có thể đối mặt với tình trạng chi phí sản xuất gia tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiệm kỳ của Trump chỉ kéo dài bốn năm, nhưng chu kỳ đầu tư của một nhà máy lớn có thể kéo dài lâu hơn nhiều.
Tờ The Economist cũng nhấn mạnh rằng, chính sách thất thường của chính quyền Trump đang làm tổn hại đến uy tín của Mỹ, khiến niềm tin suy giảm và gây ra sự hoang mang trên thị trường.
Nolan cảnh báo: “Trước đây, Mỹ từng được coi là một điểm đến đầu tư an toàn, nhưng niềm tin này có thể đang mất đi nhanh chóng. Và một khi đã mất, rất khó để khôi phục lại.”
![]() Từ ngày 12/3, Mỹ áp thuế 25% đối với tất cả sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu, dẫn đến làn sóng chỉ trích và bất mãn từ nhiều quốc gia. Những ngày gần đây, nhiều nước đã đưa ra biện pháp đáp trả, phong trào tẩy chay hàng hóa Mỹ đang gia tăng mạnh mẽ ở một số quốc gia. Chính sách "gậy thuế quan" không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các đối tác mà còn gây hại cho chính nền kinh tế Mỹ, đe dọa uy tín và triển vọng tăng trưởng. |
![]() Việc chính quyền Mỹ gần đây đóng băng viện trợ nước ngoài, tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc và áp thuế với Canada, Mexico đã gửi đi thông điệp rõ ràng về chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump. Sự thay đổi này tạo cơ hội để Trung Quốc mở rộng quan hệ kinh tế và chính trị trên toàn cầu. |
Quảng An (Theo Tân Hoa Xã)