Hướng dẫn bày mâm ngũ quả theo phong tục 3 miền cho ngày Tết thêm ấn tượng

14:02 | 30/01/2022

Mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trên ban thờ ngày Tết. Làm sao để vừa đẹp mắt vừa đúng là điều rất nhiều người quan tâm. Cùng tham khảo cách bài trí ngay dưới đây nhé.
Satyam Mishra (Ấn Độ):  Tôi yêu phong tục ngày Tết ở Việt Nam Satyam Mishra (Ấn Độ): Tôi yêu phong tục ngày Tết ở Việt Nam
Đặc sản 3 miền hội tụ chợ Tết phục vụ người dân Đặc sản 3 miền hội tụ chợ Tết phục vụ người dân

Ý nghĩa mâm ngũ quả trên ban thờ ngày Tết

Hướng dẫn bày mâm ngũ quả theo phong tục 3 miền cho ngày Tết thêm ấn tượng

Gọi là mâm ngũ quả vì nó gồm 5 loại trái cây rực rỡ khác nhau. Đây là những loại quả thể hiện được mong muốn đủ đầy, giàu có và sung túc của gia chủ. Tùy từng vùng miền mà có cách lựa chọn các loại quả khác nhau. Trước tiên, bạn cần tìm hiểu ý nghĩa của một vài loại trái cây để có thể lựa chọn đúng.

Mâm ngũ quả ngày Tết được xem là có nguồn gốc từ đạo Phật khi được nhắc nhiều trong Vu Lan bồn với hình ảnh "trái cây 5 màu". Theo quan niệm nhà Phật, 5 màu quả là tượng trưng cho ngũ thiện căn bao gồm: Huệ căn (sáng suốt), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), tấn căn (ý chí kiên trì) và tín căn (lòng tin).

Bên cạnh đó, theo quan niệm của người Việt và văn hóa phương Đông nói chung thì mâm ngũ quả còn thể hiện 5 yếu tố ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, là những yếu tố cấu thành nên vũ trụ. Ngoài ra, số 5 trong phong thủy còn tượng trưng cho sự đủ đầy và sự sống. Chính vì thế, mâm ngũ quả ngày Tết thường được bày 5 loại trái cây.

Hướng dẫn bày mâm ngũ quả theo phong tục 3 miền

Bày mâm ngũ quả theo phong tục của người miền Bắc

Hướng dẫn bày mâm ngũ quả theo phong tục 3 miền cho ngày Tết thêm ấn tượng

Ở miền Bắc, đa số mọi người đều bày biện mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là nhất nhất vạn vật phải dung hòa cùng trời đất.

Do đó, mâm ngũ quả cũng thường phải phối theo 5 màu: kim trắng, mộc xanh, thủy đen, hỏa đỏ, thổ vàng. Cũng bởi điều ấy mà mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Bắc thường có 5 loại quả: chuối, bưởi, đào, hồng và quýt.

Cách trình bày phổ biến và truyền thống nhất là: để nải chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Ở chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng, đào, hồng, quýt thì bày xung quanh còn những chỗ trống có thể cài xen kẽ quất, táo xanh hoặc quả ớt chín đỏ.

Với người miền Bắc, mâm ngũ quả gồm các loại như chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Bạn nên lựa chọn chuối xanh là đẹp nhất và đặt ở dưới cùng. Bên trên, bạn hãy bày: Hồng, quýt, đào đan xen vào nhau.

Nhiều người cho rằng, rửa hoa quả trước khi bày biện sẽ giúp mâm ngũ quả của mình trở nên đẹp hơn, tuy nhiên quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Thực tế, việc rửa trái cây sẽ làm quả sớm bị héo hoặc thối nếu có chỗ đọng nước. Vì vậy, trước khi bày hoa quả, bạn chỉ cần dùng khăn giấy ẩm lau sạch quả là được.

Bày mâm ngũ quả theo phong tục của người miền Trung

Hướng dẫn bày mâm ngũ quả theo phong tục 3 miền cho ngày Tết thêm ấn tượng

Mảnh đất miền Trung là nơi giao thoa văn hóa 2 miền Bắc Nam, lại có nhiều nắng và gió, khí hậu thời tiết khắc nghiệt hơn, nên họ cũng không quá câu nệ khi bài trí mâm ngũ quả và thường sử dụng các loại trái cây có sẵn tại địa phương, miễn sao đảm bảo tươi ngon và quan trọng là tấm lòng thành kính dâng lên ông bà tổ tiên mà thôi. Mâm ngũ quả miền Trung thì có điểm đơn giản hơn so với mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc và miền Nam khi mà họ hầu như không kiêng kỵ loại quả nào, kể cả về hương vị, màu sắc lẫn tên gọi.

Tại các tỉnh miền Trung, mâm ngũ quả thường bao gồm thanh long, dưa hấu, xoài, bưởi, nho, táo, cam, lê, mãng cầu, dứa, chuối xanh,… khéo léo điểm thêm những bông cúc vàng xung quanh và đặt thêm hai quả dưa hấu hai bên, tạo dáng cho mâm ngũ quả như hình tháp, thêm phần vững chắc. Với cách bài trí đơn giản, không quá cầu kỳ, qua đó cũng thể hiện phần nào tính cách chân chất của người dân nơi đây.

Bày mâm ngũ quả theo phong tục của người miền Nam

Hướng dẫn bày mâm ngũ quả theo phong tục 3 miền cho ngày Tết thêm ấn tượng

Miền Nam nổi tiếng với nhiều loại hoa quả phong phú vì ở gần vựa trái cây lớn nhất cả nước. Dù đa dạng là vậy nhưng người ta vẫn thường chọn các loại: mãng cầu, dừa, đủ, xoài, sung. Năm loại trái này thể hiện được ước muốn “Cầu vừa đủ xài sung”. Bên cạnh đó, họ còn sử dụng thêm dứa để làm đế mâm ngũ quả vững chắc hơn.

Cách bày trí mâm ngũ quả của người miền Nam cũng khá đơn giản nhưng đòi hỏi sự hài hòa, cân đối. Họ thường bày những loại quả to, nặng và xanh ở dưới, còn những loại quả nhỏ, chín thì bày lên trên. Đặc biệt, cần bày trí mâm ngũ quả sao cho giống với ngọn tháp là được. Với cặp dưa hấu, họ thường sẽ bày riêng và bày ở 2 bên của mâm ngũ quả.

Những kiêng kỵ khi bày mâm ngũ quả trưng ngày Tết

Người dân miền Nam thường kiêng cúng những loại quả như chuối, lê, táo, cam, quýt... bởi theo họ, những loại quả này thường mang ý nghĩa không tốt cho việc làm ăn.

Ngày Tết thường kéo dài, vì thế bạn không nên lựa chọn những loại quả quá chín để trưng trong mâm ngũ quả. Nếu chọn quả chín sẽ rất dễ bị thối, hư hỏng, mang tới điềm không may mắn trong năm mới.

Mâm ngũ quả ngày Tết cần chuẩn bị trước đêm 30 Tết (hoặc đêm 29 Tết nếu là tháng thiếu).

Trái cây bày trên mâm ngũ quả phải là trái cây thật, tuyệt đối không sử dụng trái cây giả bởi điều này là không thể hiện sự thành kính đối với các bậc bề trên.

Hướng dẫn gói bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt Tết Nhâm Dần 2022 Hướng dẫn gói bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt Tết Nhâm Dần 2022
Hướng dẫn làm gân bò ngâm dấm, món ăn Hướng dẫn làm gân bò ngâm dấm, món ăn "đắt khách" ngày Tết
Cách làm giò xào dai ngon sần sật cho ngày Tết thêm hương vị Cách làm giò xào dai ngon sần sật cho ngày Tết thêm hương vị

Thạch Thảo

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/huong-dan-bay-mam-ngu-qua-theo-phong-tuc-3-mien-cho-ngay-tet-them-an-tuong-162327.html

In bài viết