Âm vốn hơn 2.300 tỷ, Sông Đà Thăng Long (STL) vẫn phải cõng gần 7.000 tỷ đồng nợ phải trả
CTCP Sông Đà Thăng Long (mã chứng khoán STL) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2016.
Năm 2016, công ty tiếp tục ghi nhận số lỗ hơn 134 tỷ đồng, dù giảm mạnh so với con số lỗ nghìn tỷ năm 2015, nhưng đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Sông Đà Thăng Long báo lỗ lớn. Trước đó, sau khi lỗ kỷ lục 970 tỷ đồng trong năm 2014, Sông Đà Thăng Long tiếp tục lỗ hơn nghìn tỷ đồng năm 2015, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2015 lên đến 2.400 tỷ đồng.
Với số lỗ hơn 134 tỷ đồng năm 2016, Sông Đà Thăng Long nâng tổng lỗ lũy kế lên 2,518 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi âm 2.340 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ 150 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, tổng cộng tài sản công ty đạt 4.445 tỷ đồng, giảm gần 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; tổng nợ phải trả 6.785 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh, doanh thu thuần cả năm đạt hơn 96,46 tỷ đồng, tăng 228% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn bỏ ra cao hơn cả doanh thu. Đồng thời, công ty phải chịu khoản chi phí rất lớn, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến 325 tỷ đồng – đây chủ yếu là khoản chi phí dự phòng công ty trích lập.
Năm 2016 Sông Đà Thăng Long ghi nhận 254 tỷ đồng thu nhập khác, trong đó có 160 tỷ đồng từ gốc vay được xóa, 88 tỷ đồng lãi vay được xóa. Do vậy, kết quả cuối năm, Sông Đà Thăng Long vẫn lỗ 134,7 tỷ đồng. Con số này thấp hơn rất nhiều so với số lỗ hơn 1.000 tỷ đồng năm 2015.
Kiểm toán viên cũng đã từ chối đưa ra ý kiến trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của công ty. Nguyên nhân, do BCTC được lập trên giả định công ty hoạt động liên tục. Tại ngày 31/12/2016 tổng nợ ngắn hạn vượt tổng tài sản với số tiền hơn 3.775 tỷ đồng, đồng thời lỗ lũy kế của công ty trên 2.518 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của công ty bị âm với số tiền gần 2.340 tỷ đồng.
Ban Tổng Giám đốc công ty đã xây dựng phương án kinh doanh để đảm bảo khả năng thanh toán của công ty trong thời gian ít nhất 1 năm tới. BCTC tổng hợp này kèm theo chưa bao gồm các điều chỉnh có thể có do ảnh hưởng phát sinh từ sư kiện không chắc chắn này.
Do bản chất sự việc, nên kiểm toán viên không thu thập được bằng chứng kiểm toán hữu hiệu để đánh giá sự phù hợp của giả định hoạt động liên tục của công ty. Do đó kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến về vấn đề này.
Bên cạnh đó, tại ngày 31/12/2016, công ty chưa thực hiện đánh giá về trích lập dự phòng đầy đủ cho khoản đầu tư dài hạn vào các công ty liên kết (trừ 4 công ty đã được trích lập). Kiểm toán viên cũng chưa được ung cấp thông tin liên quan đến công ty liên kết này nên không đủ cơ sở dể đáng giá giá trị dự phòng đầu tư tài chính dài hạn cần trích lập. Do vậy cũng không thể đưa ra ý kiếm về vấn đề này.
Ngoài ra, công ty cũng chưa trích lập đầy đủ dự phòng cho các khoản đầu tư dài hạn vào các công ty con với khoản hơn 12,31 tỷ đồng; khoản dự phòng các khoản công nợ phải thu đã quá hạn thanh toán với số tiền trên 859 tỷ đồng; chưa thực hiện trích lấp dự phòng đầy đủ chi phí lãi vay với số tiền gàn 238 tỷ đồng. Nếu ghi nhận đầy đủ các khoản này, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng sẽ bị điều chỉnh giảm tương ứng. Đồng thời, kiểm toán viên cũng chưa nhận được đối chiếu xác nhận công nợ phải thu, phải trả và vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn.
Do tầm quan trọng của các vấn đề nêu trên, kiểm toán viên đã không thể đưa ra ý kiến kiểm toán về BCTC tổng hợp đính kèm.
Sông Đà Thăng Long được biết đến chủ yếu với dự án Usilk City thuộc khu đô thị mới Văn Khê mở rộng tại Hà Đông, Hà Nội. Dự án này có quy mô lên đến 13 tòa nhà cao tầng với 2.700 căn hộ có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên vốn vốn chủ của Sông Đà Thăng Long tại thời điểm triển khai lại khá nhỏ, chỉ 150 tỷ đồng, chưa kể đến việc công ty còn cùng lúc đầu tư vào khá nhiều dự án khác trên khắp cả nước. Dự án Usilk City đã chậm tiến độ bàn giao nhà và công ty đã nhiều lần cam kết, hứa hẹn với khách hàng về việc bàn giao nhà nhưng thực tế tiến độ triển khai vẫn rất “ì ạch”.
Trần Hân