Ai Cập: Cuộc sống tại “thành phố của người chết”
Giữa cuộc khủng hoảng về nhà ở tại Ai Cập, trong khi dân số Cairo ước đạt 20 triệu người, hàng nghìn cư dân ở Necropolis vẫn còn may mắn khi có nơi cư trú.
Đối với nhiều cư dân đang sống ngay cạnh các nghĩa trang – nơi an nghỉ cho hàng trăm nghìn người trong suốt nhiều thế kỷ qua, các ngôi mộ chính là nguồn sống của họ. Người dân có thể kiếm thêm thu nhập từ việc chăm sóc mộ, đào mộ mới, hoặc bán hoa cho những du khách tới viếng mộ vào thứ 6 hàng tuần.
Trong khi đó, những cư dân sống giữa các lăng mộ thường là các công nhân sản xuất đồ đồng, hoặc làm thảm. Những sản phẩm mà họ làm ra thường được bán ở Khan al-Khalili cho khách du lịch. Trên đường phố, nhiều người làm thợ cắt tóc, sẵn sàng phục vụ cư dân trước buổi cầu nguyện của ngày thứ 6.
Tránh xa nhịp sống hối hả và nhộn nhịp ở Thủ đô Cairo, cũng như đất nước Ai Cập đang bùng nổ với dân số 90 triệu người, nhiều gia đình đã gắn bó và sinh sống tại Necropolis từ 3 đời nay, hoặc lâu hơn.
“Sống chung với những người chết rất dễ dàng và thoải mái. Chỉ những người đang sống mới hại bạn thôi” – bà Nassra Muhamed Ali (bên phải trong ảnh) – một công dân 47 tuổi cho biết.
Sống cùng 2 người anh và một cô con gái 16 tuổi, Nassra cũng cho hay: sự yên bình và tĩnh lặng ở khu vực này cũng có nhược điểm. Một số kẻ đến từ bên ngoài lợi dụng các ngôi mộ để buôn bán ma túy, trong khi trộm cắp cũng là một tình trạng nhức nhối.
Bố mẹ của bà chuyển đến Necropolis sau khi họ kết hôn, và làm công việc chăm sóc nghĩa địa. Một số cư dân khác thì đến sống ở đây kể từ lúc họ bị buộc phải di dời khỏi trung tâm Cairo vào những năm 1950.
Khu vực Necropolis bao gồm các bãi chôn lấp lâu đời nhất của thành phố Cairo, có niên đại chừng 1.000 năm, gần nhà thờ Hồi giáo Al-Azhar. Một số diễn viên nổi tiếng cũng được chôn cất tại đây, trong đó có Farid al-Atrash và cô em gái Asmahan – những người đã xuất hiện trong nhiều bộ phim của Ai Cập cho đến những năm 1960.
Một người chăm sóc mộ thường được trả công 19 USD cho mỗi ngôi mộ mới đào của các gia đình nghèo, hoặc từ 50–63 USD cho các khách hàng giàu có hơn. Phu đào huyệt thì nhận được ít hơn, chỉ từ 6,3–8,7 USD.
Các nghĩa địa cũng đem lại thu nhập cho những cư dân làm nghề cung cấp dịch vụ. Người thì bán rau tươi trên một con ngựa, người lại đi loanh quanh bằng xe máy và bán sữa.
Hisham là một thợ làm thảm, đến Necropolis từ 45 năm trước cùng với mẹ mình. Ông đang làm việc để chu cấp cho 4 người con trai đi học. Ihab – một trong số các con của ông Hisham – hiện đã có bằng tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin.
Một người phụ nữ từng đến thăm 2 cô con gái sống trong các khu ổ chuột ở ngoại ô Cairo chia sẻ: bà trân trọng không gian và sự yên bình của ngôi nhà mình đang ở tại Necropolis.
Hồng Anh