Ả Rập Saudi mở cửa trở lại biên giới với Qatar
Quốc vương Salman của Ả Rập Saudi
Hôm 5/6, Ả Rập Saudi, Ai Cập, Bahrain và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này hỗ trợ các nhóm Hồi giáo cực đoan. Cùng ngày, tuyến biên giới chung Salwa của Qatar và Ả Rập Saudi bị đóng cửa.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa Thái tử Mohammed bin Salman và một phái viên của Qatar tại Ả Rập Saudi kể từ khi cuộc khủng hoảng ngoại giao bùng phát, truyền thông Ả Rập Saudi ngày 17/8 cho biết nước này sẽ mở cửa biên giới chung cho khách hành hương từ Qatar.
Cụ thể, Quốc vương Salman của "cho phép người hành hương Qatar nhập cảnh vào Ả Rập Saudi qua tuyến biên giới Salwa để thực hiện lễ hành hương Hajj và cho phép tất cả những người dân Qatar khác muốn hành hương vào nước mà không cần giấy phép điện tử".
Khu vực biên giới chung Abu Samrah của Qatar và Ả Rập Saudi
Bên cạnh đó, Quốc vương Salman cũng thể hiện sự hào phóng của ông khi ra lệnh cho tất cả các máy bay cá nhân thuộc hãng hàng không Ả Rập Saudi tới sân bay Doha (Qatar) để chở tất cả người hành hương Qatar "bằng chi phí của chính mình" - truyền thông Ả Rập Saudi cho hay.
Tháng trước, Ả Rập Saudi từng tuyên bố cho phép những người Qatar muốn thực hiện lễ Hajj năm nay nhập cảnh nhưng sẽ áp đặt một số biện pháp hạn chế nhất định. Trong đó, có yêu cầu những người đến bằng máy bay phải sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không được Riyadh chấp thuận.
Khi đó, chính quyền Doha đã cáo buộc Riyadh "chính trị hóa Hajj" và gây nguy hiểm cho cuộc hành hương hàng năm của các tín đồ tới Thánh địa Mecca (Ả Rập Saudi) khi từ chối đảm bảo an toàn cho những người hành hương Qatar.
Theo một số nhà quan sát, động thái mở cửa biên giới của Ả Rập Saudi cho thấy cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất khu vực trong nhiều năm qua đang dần "hạ nhiệt", nhưng sẽ chưa thể sớm kết thúc.
Qatar là quốc gia giàu có bậc nhất thế giới nếu tính theo bình quân đầu người
"Đây là một cử chỉ đầy thiện chí đối với người dân Qatar nhưng không phải là bước đột phá đối với chính quyền nước này" - chuyên gia Ali Shinabi thuộc tổ chức nghiên cứu Arabia Foundation chia sẻ trên mạng xã hội Twitter.
Trước đó, Qatar từng khẳng định nước này đủ tiềm lực kinh tế để đối phó với các thiệt hại kinh tế khi bị các nước trong khu vực bao vây, cô lập. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Doha nắm giữ 330 tỷ USD trong các quỹ đầu tư và là nước giàu nhất thế giới nếu tính bình quân đầu người.
Lễ hành hương Hajj là một trong những "trụ cột" mà tín đồ Hồi giáo bắt buộc phải thực hiện ít nhất một lần trong đời. Nó sẽ diễn ra vào đầu tháng 9 năm nay. Hồi năm ngoái, hơn 1,8 triệu người Hồi giáo đã hành hương về Thánh địa Mecca để thực hiện lễ Hajj.
Hồng Anh