53 nhà sư từ 5 quốc gia lưu vực sông Mekong giao lưu văn hoá tôn giáo
Một vị sư Thái Lan (trái) tặng quà lưu niệm cho Thượng tọa Thích Thiện Tâm, đại diện phái đoàn Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet |
Chương trình giao lưu văn hoá tôn giáo tại 5 nước lưu vực sông Mekong 2019 do Học viện Bodhigayavijijalaya, Hội Bodhigaya và Quỹ Wirapuchong phối hợp tổ chức. Đây là lần thứ hai sự kiện được tổ chức, sau mùa đầu tiên vào năm 2017.
Các hoạt động của sự kiện sẽ lần lượt được tổ chức tại 5 quốc gia kể trên từ ngày 14/10 tới 31/10. Đoàn đại biểu tham dự chương trình có tổng số 120 người, gồm 53 Lãnh đạo Tăng ni và 67 đại diện truyền thông đến từ các nước tham dự.
Tối ngày 15/10, lễ khai mạc chương trình đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, ấm áp tại chùa Wat Phra Thart Pha Ngao ở tỉnh Chiang Rai, phía Bắc Thái Lan, với các nghi lễ như rước tượng Phật, trồng cây bồ đề linh thiêng... và những tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện, đại diện phái đoàn Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định ý nghĩa của sự kiện trong việc nâng cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong Phật giáo 5 quốc gia đồng bằng sông Mekong và hướng đến mục tiêu cùng nhau xây dựng lợi ích, hòa bình của mỗi nước trong khu vực.
Đại tướng Pairoj Panichsamai phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện. Ảnh: Vietnamnet |
Theo đánh giá của Đại tướng Pairoj Panichsamai (Thái Lan) sự kiện là dịp để các Tăng Ni Phật Tử đồng sức đồng lòng, kiên định với công việc tuyên truyền và bảo vệ Đạo Phật, xây dựng tinh thần đoàn kết gắn bó văn minh giữa các Tăng Ni Phật Tử 5 quốc gia.
Tiến sĩ Supachai Verapuchong - Thư ký Học viện Bodhigayavijijalaya, Thư ký Hội Bodhigaya kỳ vọng đoàn Tăng Ni Phật Tử đồng lòng mang Phật pháp ứng dụng vào cuộc sống vì hòa bình của người dân Đồng bằng sông Mekong.
Các đại biểu trồng cây Bồ Đề linh thiêng. Ảnh: Vietnamnet |
Tại Thái Lan, quốc gia diễn ra lễ khai mạc, Chương trình giao lưu văn hoá tôn giáo tại 5 nước lưu vực sông Mekong được biết đến với tên gọi tiếng Phạn là Dhamma Yatra. Dhamma có nghĩa là "đức hạnh", "lẽ phải", "trách nhiệm xã hội", "điều lệ và trật tự của vũ trụ". Trong khi đó, Yatra nghĩa là "hành hương đến vùng đất thiêng".
Sau các sự kiện mở đầu tại Thái Lan, những điểm đến tiếp theo của chương trình giao lưu tôn giáo 5 quốc gia Mekong sẽ lần lượt là Ratthanchan (Myanmar), Điện Biên Phủ (Việt Nam), Luang Prabang, Vientiane (Lào), Udonthani, Sakonnakhon, Nakhonphanom, Srisaket (Thái Lan) và bế mạc tại Siemrat (Campuchia).
Xem thêm: Bốn công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo nhất thế giới