50 năm và hành trình về Việt Nam của những hiện vật hòa bình
Điều 'kỳ diệu' này chính là nhờ tấm lòng của hai người phụ nữ Mỹ yêu nước Việt: nữ luật sư Nancy Hollander - người trẻ nhất tham gia cuộc gặp ngoại giao nhân dân đầu tiên giữa hai nước năm xưa - và nữ nhà văn Mỹ Lady Borton - người đã có 50 gắn bó với Việt Nam và chắp nối nhiều mối lương duyên giữa hai đất nước.
Phút gặp gỡ xúc động giữa bà Nguyễn Thị Bình và bà Nancy Hollender tại Hà Nội chiều 7/3 - Ảnh: T.ĐIỂU |
Xúc động sau hơn nửa thế kỷ của quý vật gặp quý nhân
Hơn 450 tài liệu hiện vật bao gồm thư từ, báo cáo, sổ, sách, báo, tạp chí… ghi lại dấu mốc lịch sử trong mối quan hệ giữa Phụ nữ Hoa Kỳ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (miền Bắc) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại cuộc gặp mặt với phụ nữ hai miền Nam, Bắc Việt Nam tại Jakarta, Indonesia năm 1965 đã về tới Việt Nam, được làm lễ tiếp nhận vào chiều 7-3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội).
Những tài liệu phản ánh rõ nét quan điểm, tiếng nói chung của phụ nữ hai quốc gia về chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam, đồng thời nêu bật vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong nỗ lực ngoại giao, đàm phán vì hòa bình, độc lập tự do.
Đối với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đây là khối hiện vật vô cùng quý giá bởi theo chia sẻ của nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - trưởng phái đoàn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam tham gia cuộc gặp ngoại giao giữa phụ nữ hai nước năm 1965 - cuộc gặp mặt này là cuộc gặp gỡ ngoại giao nhân dân đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được thực hiện bởi những người phụ nữ.
Tiếc là phía Việt Nam, do điều kiện chiến tranh, đã không còn lưu trữ được những tài liệu minh chứng cho sự sáng tạo nhanh nhạy và hiệu quả trong công tác ngoại giao của phụ nữ Việt.
Đây là lần đầu tiên bà Nancy công bố và trao tặng những hiện vật này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với mong muốn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lưu giữ những tài liệu quý giá này và giới thiệu rộng rãi tới công chúng thông qua các triển lãm và hoạt động giáo dục, truyền thông.
Nữ luật sư Nancy Hollander đã bay sang Việt Nam đêm 5-3 cùng nhà văn Lady Borton và anh trai của bà - người đã từng quyên góp ủng hộ tiền để phái đoàn phụ nữ Mỹ thực hiện chuyến đi đến Jakarta năm 1965.
Họ sẽ trực tiếp trao tặng những hiện vật quý cho Việt Nam và có buổi gặp gỡ thân tình lần đầu tiên sau cuộc gặp gỡ ngoại giao hơn nửa thế kỷ trước với nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
Cuộc hạnh ngộ từ một bức ảnh
Sang Việt Nam lần đầu tiên năm 1969, nữ nhà văn Lady Borton dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, là một "người Mỹ thầm lặng" luôn thúc đẩy hòa bình trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.
Bà đã nhận được 3 tấm bằng danh dự vì những đóng góp trong suốt 50 năm qua cho cả hai phía. Hiện tại bà vẫn tiếp tục các hoạt động giúp hai bên xây dựng một mối quan hệ nồng ấm hơn.
Bà Lady đã tặng cho mỗi người trong phái đoàn Mỹ một cuốn tiếng Anh. Trong phái đoàn có ông James W. Russell, ông đã viết thư cảm ơn bà Lady. Trong bức thư, ông cho biết ông tìm thấy trong cuốn sách có tấm hình bạn của James chụp cùng với bà Bình ở Jakarta Indonesia năm 1965.Năm 2018, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tổ chức tại Hà Nội, có phái đoàn Mỹ sang Việt Nam gặp bà Nguyễn Thị Bình. Lúc này bà Lady đang xem lại cuốn sách "Nguyễn Thị Bình - gia đình, bạn bè và đất nước" mà bà đã dịch để tái bản.
Người bạn đó chính là bà Nancy khi đó đang là nữ sinh viên luật tham gia phải đoàn phụ nữ Mỹ tới cuộc gặp gỡ ngoại giao với phái đoàn phụ nữ Việt Nam.
Ông James đã viết email cho bà Nancy cho biết có 1 cuốn sách bằng tiếng Anh của bà Nguyễn Thị Bình có hình ảnh của Nancy. Bà Nancy đã tìm mua cuốn sách này và xin James địa chỉ email của nữ nhà văn Lady Borton. Hai người kết nối email với nhau để hỏi về người bạn chung là bà Nguyễn Thị Bình.
Giữa những thư từ trao đổi, bà Nancy đã cho bà Lady biết bà còn giữ một số tài liệu, hiện vật của phái đoàn Việt Nam mang đến hội nghị ở Jakarta năm 1965 và một số tài liệu gửi theo đường bưu điện sau đó.
Bà Nancy ngỏ ý muốn hiến tặng những hiện vật quý này cho Việt Nam nhưng không biết tặng cho ai. Lập tức, bà Lady đã cho bà Nancy một gợi ý: Hãy giao cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Từ đó, một mối lương duyên tốt đẹp của các hiện vật quý và của những người phụ nữ hai nước đã được khai mở từ tấm lòng của hai người phụ nữ Mỹ yêu Việt Nam.
Đặc biệt, theo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nếu như không có bà Lady, không có những sự gắn kết với lịch sử và phụ nữ Việt Nam, thì chúng ta không có được khối tài liệu hiện vật quý giá này.