Hiện thực hóa tích cực hơn nữa quan điểm: người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung làm tốt 5 giải pháp cơ bản. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã trả lời phỏng vấn Thời Đại xung quanh nội dung này. |
- Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/08/2021 của Bộ Chính trị “về công tác NVNONN trong tình hình mới” chuyển tải thông điệp gì tới đồng bào ta ở nước ngoài? |
Ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW (sau đây gọi tắt là Kết luận 12) về công tác NVNONN trong tình hình mới. Có thể nói, đây là một trong những dấu ấn quan trọng đối với công tác về NVNONN; những thông điệp mà Kết luận 12 truyền tải nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo đồng bào ta ở trong và ngoài nước. Thứ nhất, Kết luận 12 thể hiện sự trân trọng và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước ta đối với những chuyển biến tích cực và vai trò của đồng bào ta ở nước ngoài đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cộng đồng NVNONN ngày càng tăng về số lượng, mở rộng hơn về địa bàn. Đến nay cộng đồng NVNONN có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao. Đại bộ phận bà con đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại. Một thế hệ trí thức mới người gốc Việt trẻ và tài năng đang hình thành và phát triển, tập trung ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, sinh học…
Các hội đoàn NVNONN tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Nhiều cơ sở tôn giáo của NVNONN được thành lập trong những năm qua và duy trì đều đặn các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tâm linh. Phong trào dạy và học tiếng Việt của NVNONN ngày càng phát triển, một số chính quyền sở tại đã cho phép đưa tiếng Việt vào giảng dạy như một ngoại ngữ tại nhiều bậc học. Cộng đồng NVNONN ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp vào quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước và duy trì, củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước. Ngày càng có nhiều nhà khoa học, doanh nhân, các văn nghệ sĩ kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hoạt động văn hóa - nghệ thuật; tích cực tham gia kiến nghị về nhiều chủ trương chính sách của Nhà nước. Bên cạnh những thuận lợi, cộng đồng hiện nay đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Cuộc sống của một bộ phận NVNONN tại một số địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, địa vị pháp lý chưa vững chắc. Các hội đoàn truyền thống gặp khó khăn trong việc duy trì và mở rộng hoạt động, xây dựng và phát triển lớp trẻ kế cận. Việc duy trì, gìn giữ các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, trong đó có tiếng Việt gặp nhiều thách thức. Điều này đặt ra những yêu cầu mới trong công tác hỗ trợ cộng đồng NVNONN giai đoạn tiếp theo. Thứ hai, Kết luận 12 khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về công tác đối với NVNONN, luôn coi “cộng đồng NVNONN là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; công tác đối với NVNONN “là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”, “thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đây là quan điểm xuyên suốt, mang tính nguyên tắc đã được thể hiện trong Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo khác, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra cả cơ hội và thách thức, công tác về NVNONN cần được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn để đồng bào ta ở nước ngoài thực sự gắn bó với quê hương, phát huy vai trò là một nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Thứ ba, Kết luận 12 thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, toàn bộ hệ thống chính trị, kể cả đồng bào ta ở trong và ngoài nước trong việc đẩy mạnh, triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất hơn nữa công tác NVNONN trong tình hình mới. Kết luận 12 đã cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo “triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài” nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm triển khai công tác trong thời gian vừa qua, Kết luận 12 đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, trong đó có đẩy mạnh công tác đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực của đồng bào ta ở nước ngoài; chăm lo, hỗ trợ để đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở nước sở tại, đồng thời nâng cao hiệu quả việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt; thông tin, tuyên truyền hướng tới kiều bào và tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp làm công tác đối với NVNONN. Những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên thể hiện quyết tâm tạo ra những bước tiến lớn trong công tác NVNONN. |
- Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về nguồn lực, ý nghĩa và triển vọng của đồng bào ta ở nước ngoài trong việc đồng hành cùng đất nước xây dựng sự phồn vinh và hạnh phúc đó? |
Trong lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân luôn là nguồn sức mạnh to lớn giúp Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên có vị thế, cơ đồ như ngày nay. Kết luận 12 -KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới đã khẳng định “dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”. Trong giai đoạn kháng chiến, nhiều trí thức Việt kiều như Trần Đại Nghĩa, Phạm Huy Thông, Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước, Võ Đình Quỳnh, Đặng Văn Ngữ... tình nguyện về nước đóng góp công sức, trí tuệ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Tinh thần hướng về quê hương, đất nước đó của người Việt Nam dù ở bất kỳ nơi đâu vẫn luôn được tiếp nối và phát huy đến ngày nay, thể hiện rõ nét trong những giai đoạn đất nước gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Dù bà con còn gặp nhiều khó khăn, nhưng luôn tích cực quyên góp, ủng hộ sức người, sức của để chung tay cùng nhân dân trong nước chống dịch. Trong quá trình phát triển đất nước, khoa học - công nghệ được coi là động lực quan trọng hàng đầu; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược. Trong khi đó, 80% đồng bào ta ở nước ngoài đang sinh sống tại các nước phát triển. Khoảng trên dưới 500.000 người là trí thức, chuyên gia, có trình độ đại học trở lên. Trong những năm qua, số chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia hoạt động khoa học - công nghệ ở Việt Nam duy trì ở mức khoảng 300-500 lượt người/năm và tiếp tục có nhiều hoạt động đóng góp hiệu quả cho nền khoa học - công nghệ cũng như sự phát triển của Việt Nam nói chung, trong đó có những vấn đề mới như khởi nghiệp sáng tạo, cách mạng công nghiệp 4.0... Nhiều chuyên gia NVNONN đang cộng tác với các bộ, ngành, địa phương. Nhiều trí thức kiều bào đã chuyển giao công nghệ mới, chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách phòng chống dịch COVID-19 như TS. Hồ Nhân - kiều bào Mỹ, ông Trần Ngọc Phúc - kiều bào Nhật Bản, TS. Peter Nguyễn - kiều bào Mỹ, GS. TSKH Nguyễn Quốc Sỹ - kiều bào Nga... Nhiều chuyên gia, bác sỹ kiều bào mong muốn về nước trực tiếp tham gia vào tuyến đầu chống dịch hoặc đăng ký tham gia tư vấn từ xa cho người dân trong nước thông qua các nền tảng trực tuyến như “Giúp tôi”, nhiều kiều bào là thành viên của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19. Một điều rất đáng quý nữa là lực lượng trí thức trẻ trong độ tuổi 25-40, là thế hệ kiều bào thứ 2, thứ 3, hoặc du học sinh dù vẫn phải tập trung lo toan cuộc sống, phát triển bản thân nhưng vẫn dành nhiều tâm huyết với sự phát triển của đất nước, thúc đẩy hình thành các mạng lưới liên kết của chuyên gia, trí thức như AVSE Global, Sáng kiến Việt Nam, VietChallenge, Hành trình Việt, Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam... Ngoài ra, người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, tiếp cận quy trình làm việc tiên tiến, công nghệ hiện đại khi trở về nước cũng sẽ trở thành nguồn nhân lực có chất lượng. Đồng bào ta ở nước ngoài cũng đóng góp nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 10/2020, các doanh nghiệp kiều bào đã đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại 360 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,6 tỷ USD, chưa kể đến số vốn đầu tư không hề nhỏ của các doanh nghiệp kiều bào theo hình thức đầu tư trong nước (kể từ sau khi Luật Đầu tư 2014 được ban hành). Bên cạnh đó, lượng kiều hối hàng năm đồng bào ta gửi về trong nước là nguồn lực rất lớn, đóng góp vào việc ổn định cán cân thanh toán và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Tính từ năm 1993 đến năm 2020, lượng kiều hối gửi về nước luôn tăng trưởng, đã đạt 175 tỷ USD, gần bằng tổng lượng vốn FDI giải ngân từ 1991 đến nay. Nhiều doanh nhân người Việt ở nước ngoài với các hệ thống cửa hàng, siêu thị và mạng lưới kinh doanh của mình cũng đang tích cực góp sức vào việc thúc đẩy tiêu thụ, phân phối, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam ở nước ngoài. |
Tóm lại, trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức; với tinh thần yêu nước, luôn hướng về quê hương và tiềm lực to lớn về trí lực, tài lực, kiều bào ta tại nước ngoài sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc, là nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước. |
Đoàn kiều bào ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa năm 2016. |
- Để đạt được chiều sâu và hiệu quả như kỳ vọng, công tác NVNONN sẽ được triển khai theo những hướng lớn nào trong thời gian tới? Có những điểm gì chúng ta cần phải thay đổi, từ đó tạo bước đột phá thực sự nhằm đạt được mục tiêu đề ra? |
Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước cũng như của đồng bào ta ở nước ngoài, công tác đối với NVNONN cần triển khai theo những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được Kết luận đề ra. Tới đây, Chính phủ sẽ có Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026 nhằm triển khai thực hiện Kết luận 12, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai một số giải pháp mang tính đột phá sau: Thứ nhất, cần tích cực triển khai các biện pháp nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có tăng cường vận động các cá nhân NVNONN còn có định kiến, thiếu thông tin về tình hình trong nước. Đây là giải pháp mang lại hiệu quả lâu dài, góp phần củng cố niềm tin, thay đổi nhận thức của cộng đồng, từ đó huy động nguồn lực phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Thứ hai, cần tăng cường các giải pháp phát huy nguồn lực của NVNONN đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước, trọng tâm là nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào có chuyên môn cao; đa dạng hoá các hoạt động hội đoàn NVNONN như thành lập các câu lạc bộ kiều bào, hiệp hội doanh nhân kiều bào, hiệp hội chuyên gia theo chuyên ngành, lĩnh vực... Đây sẽ là cơ chế, khuôn khổ tạo thuận lợi để NVNONN đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thứ ba, cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cộng đồng NVNONN giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong đó việc tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả phương thức dạy và học tiếng Việt đóng vai trò quan trọng, giúp bà con có thể tiếp thu, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc. Cụ thể, cần tăng cường các hoạt động dạy và học tiếng Việt trực tuyến, nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên kiều bào; nghiên cứu, biên soạn những giáo trình dạy và học tiếng Việt phù hợp với đặc thù của địa bàn cũng như đặc điểm của từng cộng đồng, có thể số hóa, tiện cho bà con sử dụng. Việc nghiên cứu, lựa chọn Ngày tôn vinh tiếng Việt cùng những hoạt động ý nghĩa cả ở trong nước và tại các địa bàn có đông bà con kiều bào sinh sống cũng sẽ tạo chuyển biến tích cực thúc đẩy phong trào tiếng Việt trong cộng đồng. Thứ tư, công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại hướng tới cộng đồng NVNONN cần tăng cường đổi mới về nội dung, tư duy và phương thức để kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, đồng thời phục vụ nhu cầu thông tin văn hóa của cộng đồng. Bên cạnh đó, cần phát huy các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng, tăng cường hợp tác với báo chí kiều bào để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của NVNONN… Các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước cần tiếp tục đồng hành, thể hiện trân trọng đối với những đóng góp ý nghĩa của bà con NVNONN trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, giúp lan tỏa hơn nữa tinh thần yêu nước, sự sẻ chia của cộng đồng NVNONN với nhân dân trong nước. Thứ năm, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong công tác NVNONN; xây dựng tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác NVNONN, đặc biệt là các bộ phận làm việc trực tiếp tại các nước sở tại nhằm đáp ứng kịp thời, thực chất, hiệu quả nguyện vọng chính đáng của bà con. |
- Trân trọng cảm ơn ông! |
Nội dung: Trâm Anh- Lê Sơn thực hiện. Đồ họa: Tào Đạt |
|