e magazine
30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

15:10 | 11/07/2025

Ngày 11/7/1995 không chỉ là cột mốc lịch sử của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ mà còn là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập và phát triển của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia từng là đối thủ trong chiến tranh thể hiện tinh thần vượt lên trên quá khứ, lựa chọn đối thoại và hợp tác vì lợi ích quốc gia và hòa bình khu vực. Ba thập kỷ qua, mối quan hệ này đã trải qua nhiều giai đoạn thử thách và phát triển, từ những bước đi thận trọng đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

Ngày 11/7/1995 không chỉ là cột mốc lịch sử của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ mà còn là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập và phát triển của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia từng là đối thủ trong chiến tranh thể hiện tinh thần vượt lên trên quá khứ, lựa chọn đối thoại và hợp tác vì lợi ích quốc gia và hòa bình khu vực. Ba thập kỷ qua, mối quan hệ này đã trải qua nhiều giai đoạn thử thách và phát triển, từ những bước đi thận trọng đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

_________________________

30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

Sau một quá trình đàm phán và nỗ lực kéo dài từ cả hai phía, ngày 11/7/1995, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngay sau đó, vào rạng sáng 12/7 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng chính thức thông báo quyết định tương tự từ phía Việt Nam.

Sự kiện mang tính bước ngoặt này đã khép lại một chương lịch sử đối đầu, mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa hai cựu thù. Từ những khác biệt trong quá khứ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã xây dựng lòng tin, từng bước thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng hợp tác toàn diện.

30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

Trải qua 30 năm, quan hệ hai nước không ngừng được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước; hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai; phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Nhìn lại lịch sử quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, không thể không nhắc đến bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman ngày 18/1/1946. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn thiết lập mối quan hệ “hợp tác đầy đủ” giữa hai quốc gia, thể hiện rõ ý nguyện hợp tác ngay từ những bước đầu tiên.

Bức thư cũng khẳng định các nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho quan hệ song phương, gồm bình đẳng và quyền tự quyết – những nguyên tắc đã được xác lập trong Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương San Francisco, thể hiện cam kết tôn trọng chủ quyền và quyền lợi chính đáng của mỗi quốc gia trong cộng đồng quốc tế.

Những nguyên tắc này luôn được Việt Nam và Hoa Kỳ tôn trọng kể từ khi bình thường hóa quan hệ. Nhiều nhà lãnh đạo, chuyên gia về quan hệ quốc tế sử dụng cụm từ "vượt bậc" và "hết sức ấn tượng" để nói về những bước tiến trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Nhận định về 30 năm quan hệ song phương giữa hai nước, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhấn mạnh tầm quan trọng của 10 năm Đối tác toàn diện, khẳng định: "Đây là thời kỳ mà có lẽ quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có những phát triển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc nhất".

30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

Trong 30 năm qua, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước tiến dài, phát triển sâu rộng, thực chất và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, ở cả ba cấp độ song phương, khu vực và quốc tế. Để có được những bước tiến dài đó, rất cần đến một nền tảng chính trị vững chắc với sự hiểu biết, xây dựng lòng tin và tôn trọng lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo và người dân hai nước. Kể từ khi bình thường hóa, quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển từng bước vững chắc với các chuyến thăm lẫn nhau thường xuyên hơn giữa các nhà lãnh đạo cấp cao.

Về phía Hoa Kỳ, kể từ năm 1995, lần lượt 5 Tổng thống Hoa Kỳ đều thăm Việt Nam: Tổng thống Bill Clinton (năm 2000), Tổng thống George W.Bush (năm 2006), Tổng thống Barack Obama (năm 2016), Tổng thống Donald Trump (năm 2017) và Tổng thống Joe Biden (2023).

Về phía Việt Nam, các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng có các chuyến thăm Hoa Kỳ như Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức năm 2005; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức năm 2007; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức năm 2008; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức năm 2013 và xác lập quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức năm 2015 và trong chuyến thăm này, hai nước ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức năm 2017. Gần đây là chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 9/2024 trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79. Trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden.

30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

Không chỉ gặp mặt trực tiếp, lãnh đạo hai nước thường xuyên duy trì các cuộc điện đàm. Đáng chú ý, tháng 4 và đầu tháng 7 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Những chuyến thăm, những cuộc điện đàm cấp cao với tinh thần thảo luận thẳng thắn, chân thành, tôn trọng lẫn nhau, cùng hướng đến những điểm chung, đã giúp hai bên tăng thêm hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa lãnh đạo, người dân hai nước, tạo nền tảng cho mối quan hệ ngày càng phát triển mạnh mẽ và tích cực hơn.

30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng tháng 7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Hữu nghị và hợp tác là hướng đi duy nhất đúng của quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, có lợi cho hai nước, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, của khu vực và thế giới. Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng hiện nay, lợi ích tương đồng giữa hai nước càng được mở rộng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả".
30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

Từ thời điểm năm 1994 khi Hoa Kỳ chính thức gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, một trang mới về hợp tác kinh tế, thương mại trong tổng thể quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được bắt đầu.

Năm 2013, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện và đến tháng 9/2023 nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện, mở ra chương mới trong hợp tác song phương, hướng tới lợi ích hài hòa, cùng phát triển bền vững, đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới.

30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

Hiện nay, Hoa Kỳ đã trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc kim ngạch 100 tỷ USD. Từ năm 1995 đến năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng trưởng ấn tượng, gấp hơn 140 lần – từ 451 triệu USD lên gần 140 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ có tốc độ tăng trưởng tích cực, bao gồm: máy móc, thiết bị điện tử; thiết bị thu âm, thu hình; giày dép; sản phẩm da; túi xách, ví, ô dù; nhựa và sản phẩm nhựa; đồ chơi, trò chơi và dụng cụ thể thao.

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, đặc biệt là máy bay, thiết bị và phụ tùng; hóa chất; nhựa và sản phẩm nhựa.

Theo ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Hoa Kỳ là thị trường cung cấp nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho hoạt động sản xuất của Việt Nam. Các mặt hàng chủ yếu gồm bông, thức ăn chăn nuôi, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc và công nghệ. Việc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nguồn từ Hoa Kỳ giúp "sạch hóa" chuỗi cung ứng nhờ vào tiêu chuẩn chứng nhận và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của nguyên liệu.

Ngoài ra, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, sản phẩm nông nghiệp phục vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình gần 7%/ năm, dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho công ty của Hoa Kỳ hoạt động trên tất cả các lĩnh vực.

30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

Về đầu tư, Hoa Kỳ luôn là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến năm 2024, đã có hơn 11 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Trong khi đó, điểm mới so với trước đây là một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Hoa Kỳ với số vốn lên đến hàng tỷ USD.

Theo số liệu do Cục Đầu tư nước ngoài cung cấp, lũy kế đến ngày 30/4/2025, Việt Nam có 252 dự án đầu tư tại Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư đạt 1,36 tỷ USD. Các dự án đầu tư của Việt Nam tập trung nhiều ở các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo.

Hợp tác song phương không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại mà còn mở rộng đến nhiều lĩnh vực khác, từ an ninh, quốc phòng đến khắc phục hậu quả chiến tranh, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân, trong xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...

30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

Hợp tác an ninh-quốc phòng được duy trì tích cực với nội dung hợp tác đa dạng, nổi bật là việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và nâng cao năng lực hàng hải. Hai bên cũng phối hợp ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tiểu vùng sông Mekong, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, như phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Hai nước đã hợp tác tích cực trong việc, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper nhận định, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là hình mẫu điển hình trong việc hợp tác giải quyết hậu quả sau chiến tranh. Trong khi Việt Nam tích cực hỗ trợ phía Hoa Kỳ trong công tác tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích, thì Hoa Kỳ cũng chủ động triển khai nhiều chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh, như xử lý ô nhiễm dioxin, hỗ trợ người khuyết tật và rà phá bom mìn.

30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

Trong lĩnh vực giáo dục, mỗi năm có từ 23.000 đến 25.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ. Trước đại dịch COVID-19, con số này từng vượt mốc 31.000 sinh viên. Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á và đứng thứ 5 toàn cầu về số lượng sinh viên du học tại Mỹ.

Về du lịch, trước đại dịch COVID-19, khách du lịch Hoa Kỳ luôn nằm trong nhóm 5 thị trường quốc tế lớn nhất đến Việt Nam, với trung bình khoảng 800.000 lượt khách mỗi năm. Trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu phục hồi, Việt Nam đang đặt mục tiêu đón 1 triệu lượt khách Mỹ trong thời gian tới.

30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

Lịch sử đã chứng kiến sự chuyển hóa kỳ diệu. Nhưng tương lai là do cả hai dân tộc cùng lựa chọn. Sau 30 năm bình thường hóa, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước tiến mạnh mẽ vượt ngoài khả năng tưởng tượng của cả những người lạc quan nhất.

"Cách đây 30 năm, có lẽ người lạc quan nhất cũng không thể hình dung được bằng cách nào đó mà Việt Nam và Hoa Kỳ có thể vượt qua nỗi đau của chiến tranh để xây dựng và phát triển một mối quan hệ mạnh mẽ và tích cực như hiện nay", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu ngày 23/9/2024.

30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 1 năm Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và hướng tới kỷ niệm 30 năm Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tháng 9/2024. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Cũng trong bài phát biểu cuối cùng trước Đại hội đồng Liên hợp quốc với tư cách người đứng đầu nước Mỹ, ngày 24/9/2024, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nhấn mạnh đến sức mạnh tinh thần con người và khả năng hoà giải đã giúp Việt Nam và Hoa Kỳ tiến về phía trước.

30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

“Năm ngoái, tại Hà Nội, tôi đã gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam, và chúng tôi đã nâng quan hệ đối tác lên mức cao nhất. Đây là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần con người và khả năng hòa giải, rằng hôm nay Hoa Kỳ và Việt Nam là đối tác và bạn bè. Điều đó chứng tỏ rằng ngay cả sau những kinh hoàng của chiến tranh, vẫn luôn có con đường tiến về phía trước. Mọi việc có thể trở nên tốt đẹp hơn,” ông nói.

Theo Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Đại sứ Ted Osius, triển vọng và tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ đang trên quỹ đạo đi lên rất mạnh mẽ và ngày càng được tăng cường, nhất là sau khi hai nước chính thức nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Việt Nam và Hoa Kỳ có rất nhiều cam kết về tăng cường quan hệ kinh tế song phương, đặc biệt là trong 3 lĩnh bao gồm công nghệ, năng lượng và chăm sóc sức khỏe.

Trong buổi Toạ đàm: “30 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ: Vai trò của hợp tác công – tư” được tổ chức tại thủ đô Washington, D.C. vào hồi tháng 6, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Andrew Herrup ghi nhận Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ đồng thời hoan nghênh các sáng kiến hợp tác về AI, chuyển đổi số và giáo dục của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, ông Herrup kỳ vọng doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong các lĩnh vực như AI, chuyển đổi số, năng lượng và hạ tầng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng chung.

30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

Theo Giáo sư Thomas Patterson, chuyên gia Chính sách công tại Đại học Harvard, việc tăng cường quan hệ kinh tế và hợp tác công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia. Ông nhấn mạnh, Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ và đổi mới sáng tạo, do đó, khả năng tiếp cận các trung tâm công nghệ và đổi mới của Hoa Kỳ sẽ mang lại lợi thế lớn cho Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam có nguồn nhân lực cần cù, chịu khó và đặc biệt giàu tinh thần kinh doanh – yếu tố hấp dẫn các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Chia sẻ về tiềm năng phát triển quan hệ song phương, Giáo sư David Dapice – chuyên gia kinh tế hàng đầu về Đông Nam Á – cho rằng các bước tiến của Việt Nam trong đào tạo lực lượng lao động, phát triển năng lượng xanh và nâng cao năng lực của các nhà cung cấp chuyên môn cao sẽ mở ra cơ hội thu hút thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Giáo sư Carlyle Thayer – chuyên gia người Australia về Đông Nam Á – nhận định Hoa Kỳ đang tìm kiếm chuỗi cung ứng chất bán dẫn an toàn và linh hoạt từ Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn thu hút thêm nguồn đầu tư lớn từ Hoa Kỳ và tăng khả năng tiếp cận thị trường trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động.

30 năm ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ: Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bền vững

Bộ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên làm việc với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Howard Lutnick về tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại đối ứng giữa hai nước (Hoa Kỳ, 22/5/2025). (Ảnh: TTXVN phát)

Trong bài phát biểu chính sách tại Đại học Columbia nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại New York, Hoa Kỳ hồi tháng 9/2024, Tổng Bí Thư Tô Lâm đã bày tỏ sự tin tưởng sâu sắc quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ dựa trên khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện sẽ còn vươn tới những tầm cao mới, với tinh thần “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” và đối thoại thẳng thắn, xây dựng, chia sẻ lợi ích chung.

Tầm cao mới của quan hệ hai nước sẽ xác lập khuôn khổ bền vững, ổn định, lâu dài và mở ra không gian cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong nhiều thập niên tới; cũng như, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững tại khu vực và trên thế giới. Một thời kỳ hợp tác mới mở ra đối với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó nội dung cốt lõi là đưa mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng đi vào chiều sâu, bền vững hơn, hiệu quả hơn và tạo ra nhiều bước phát triển đột phá mang tính chiến lược hơn.

Trước những biến động nhanh chóng của tình hình quốc tế và khu vực, mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ không chỉ giữ vai trò then chốt trong chính sách đối ngoại của hai nước mà còn là trụ cột trong cấu trúc an ninh và phát triển khu vực. Với cam kết tăng cường đối thoại, mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, hai bên đang hướng tới một quan hệ đối tác chiến lược bền vững, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.

Hành trình 30 năm qua là minh chứng cho sức mạnh của sự kiên trì, tôn trọng và hợp tác. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ không chỉ là bài học về hòa giải sau chiến tranh mà còn là biểu tượng của sự phát triển đối ngoại chủ động, sáng tạo, vì lợi ích của nhân dân hai nước và của cộng đồng quốc tế.

Theo Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/long-form/emagazine/30-nam-ngoai-giao-viet-nam-hoa-ky-vuot-qua-qua-khu-huong-toi-tuong-lai-ben-vung-20250708153543161.htm

Theo Báo Tin tức

Tin bài liên quan

Đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Chiều 9/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp xã giao Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper và đoàn công tác của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Ba thập kỷ quan hệ Việt - Mỹ: Nhìn lại quá khứ, kết nối hiện tại, hướng tới tương lai

Ba thập kỷ quan hệ Việt - Mỹ: Nhìn lại quá khứ, kết nối hiện tại, hướng tới tương lai

Ngày 07/7 tại Hà Nội, Trung tâm Thư viện khối quốc tế - Viện Thông tin Khoa học xã hội tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “30 năm quan hệ Việt - Mỹ: Nhìn lại chặng đường qua những ấn phẩm, tư liệu và nhân vật” và khai mạc triển lãm trưng bày các ấn phẩm tiêu biểu về quan hệ Việt - Mỹ, nhân kỷ niệm 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2025).
Thủ tướng: Tiếp tục xem xét, giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ

Thủ tướng: Tiếp tục xem xét, giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ

Thủ tướng chỉ rõ phải lắng nghe ý kiến của nhau, bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, cùng có lợi, cùng tháo gỡ vướng mắc, phục vụ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ.

Tin khác

Việt Nam mời 5 nước bạn tham gia diễu binh dịp Quốc khánh 02/9

Việt Nam mời 5 nước bạn tham gia diễu binh dịp Quốc khánh 02/9

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã gửi thư mời Bộ Quốc phòng 8 nước: Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cuba, Belarus, Kazakhstan, Azerbaijan tham dự Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9, đồng thời mời 5 nước: Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Belarus cử lực lượng tham gia diễu binh tại Lễ kỷ niệm.
Thu ngân sách 6 tháng bứt phá, ngành Thuế nhận nhiệm vụ tăng thu trên 20%

Thu ngân sách 6 tháng bứt phá, ngành Thuế nhận nhiệm vụ tăng thu trên 20%

Ngày 10/7, Cục Thuế công bố kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 1.180.967 tỷ đồng. Con số này bằng 68,7% dự toán pháp lệnh và tăng 38,1% so với cùng kỳ.
Định vị Việt Nam: Cần một chiến lược truyền thông hiện đại, bài bản

Định vị Việt Nam: Cần một chiến lược truyền thông hiện đại, bài bản

Ngày 10/7, tại Hà Nội diễn ra tọa đàm “Định vị Việt Nam - Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài. Sự kiện đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng một chiến lược bài bản nhằm nâng tầm hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, cơ quan báo chí, tổ chức quốc tế, chuyên gia truyền thông và doanh nghiệp.
Hỗ trợ kinh tế tư nhân, hướng mở cho doanh nghiệp miền Tây

Hỗ trợ kinh tế tư nhân, hướng mở cho doanh nghiệp miền Tây

Nghị quyết số 68-NQ/TW (ngày 4/5/2025) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã được cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi đón nhận. Nhiều doanh nghiệp ngành hàng nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang chủ động bứt phá và tăng tốc, hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.
Phiên bản di động