10 điểm nhấn Thể thao Việt Nam năm 2014
Đội tuyển U19 Việt Nam đã nhận được sự mến mộ và tin yêu của đông đảo người hâm mộ cả nước nhờ lối chơi đẹp mắt và kỹ thuật. Ảnh: VSI
1. Thể thao Việt Nam ghi dấu ấn ở đấu trường châu lục. Tại ASIAD 17 dù chỉ giành 1 HCV, nhưng những thành tích ở các môn cơ bản như: Điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ... được đánh giá cao về chuyên môn, mang tới sức phát triển toàn diện hơn cho thể thao Việt Nam.
Đoàn thể thao Việt Nam xếp ở vị trí thứ 5 tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á với 40 huy chương, trong đó có 8 HCV, 12 HCB và 20 HCĐ. Cũng tại Đại hội này, Việt Nam đã chính thức nhận cờ đăng cai Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016.
2. Thể thao người khuyết tật Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á. Ở ASIAN Para Games lần II - 2014 được tổ chức tại Incheon (Hàn Quốc), thể thao người khuyết tật Việt Nam giành 9 HCV, 7 HCB và 13 HCĐ, xếp hạng 10/43 quốc gia tham dự. Đặc biệt, VĐV bơi Võ Thành Tùng giành được tới 5 HCV.
3. Đội tuyển U19 Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công. Đó là các thành tích: Vô địch giải U21 quốc tế - Cúp báo Thanh Niên; giành ngôi Á quân giải vô địch U22 Đông Nam Á - Cúp Hassanal Bolkiah, ngôi Á quân giải bóng đá U19 Đông Nam Á mở rộng; tham dự vòng bảng giải vô địch U19 châu Á. Với lối chơi đẹp mắt, đầy tinh thần cống hiến, đội tuyển U19 Việt Nam đã tạo dựng được niềm tin và sự kỳ vọng lớn với người hâm mộ cả nước.
4. Việt Nam quyết định dừng đăng cai ASIAD 18. Đây là kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về việc đăng cai và chuẩn bị tổ chức Đại hội thể thao châu Á - ASIAD lần thứ 18 năm 2019 diễn ra vào ngày 17/4. Một quyết định kịp thời đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng, thể hiện sự thẳng thắn, lắng nghe ý kiến người dân của Chính phủ.
Quyết định này đồng thời cũng giúp thể thao Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị cả về cơ sở vật chất và nguồn lực VĐV để trong tương lai có thể đăng cai tổ chức một kỳ ASIAD thành công như mong đợi.
5. Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014 khép lại với 57 kỷ lục quốc gia. Đây là cuộc tổng rà soát lực lượng thể thao lớn nhất trong 5 năm qua, nhằm tổng kết, thúc đẩy từng bộ môn, phân môn cũng như phong trào thể thao cả nước; để từ đó đề ra phương hướng phát triển trong giai đoạn tới. Đại hội thực sự là ngày hội thể thao lớn cấp quốc gia. Tuy nhiên, sức cạnh tranh về chuyên môn chưa cao, quy mô tổ chức còn dàn trải và chưa thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ là những vấn đề đặt ra với ngành TDTT.
6. Tiêu cực nhức nhối trong bóng đá Việt Nam. Tâm điểm là 2 vụ dàn xếp tỉ số bị phanh phui tại CLB V.Ninh Bình và CLB Đồng Nai. Vấn nạn bán độ làm khủng hoảng niềm tin của người hâm mộ nước và và là nguyên nhân chính dẫn tới những nghi ngờ gây tranh cãi gay gắt về trận thua bất thường của đội tuyển Việt Nam tại bán kết lượt về AFF Cup 2014.
7. Bóng đá nữ Việt Nam tan giấc mơ dự World Cup. Mặc dù thi đấu rất ấn tượng, nhận được nhiều kỳ vọng của dư luận, nhưng bóng đá nữ Việt Nam đã thua Thái Lan trong trận đấu play-off quyết định tấm vé dự World Cup nữ năm 2015. Đây là trận thua rất đáng tiếc bởi chỉ sau ít tháng, đội tuyển nữ Việt Nam đã vượt qua nữ Thái Lan tại ASIAD 17.
8. V-League vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Nhiều đội bóng gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc tiêu cực, thậm chí phải giải thể như HV.An Giang, V.Ninh Bình.
9. Thể thao Việt Nam có tín hiệu vui từ một số VĐV trẻ. Nhiều VĐV trẻ đã đạt thành tích xuất sắc trên đấu trường châu lục, thế giới như: Ánh Viên (bơi lội), Nguyễn Anh Khôi (cờ vua); Quách Thị Lan (điền kinh); Thạch Kim Tuấn (cử tạ)...
10. HLV trưởng các đội tuyển quốc gia Toshiya Miura gây ấn tượng mạnh. HLV người Nhật Bản để lại dấu ấn cả về trình độ chuyên môn lẫn phong cách huấn luyện. Mặc dù đội tuyển Việt Nam phải chịu thất bại ở trận bán kết lượt về trước Malaysia, nhưng lối chơi mạnh mẽ, hiện đại cùng chuỗi thành tích trước đó của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014 và đội tuyển Olympic Việt Nam tại ASIAD 17 đã tạo dựng được niềm tin nơi người hâm mộ.