Xóm trọ 3D: Chọc cười bằng cách bóp méo hình ảnh người đồng tính
Kịch bản ngô nghê, "làm quá"
Khởi chiếu từ ngày 30/6/2017, bộ phim Xóm trọ 3D đang là từ khóa được khá nhiều khán giả yêu mến phim điện ảnh Việt cân nhắc khi ra rạp.
Chuyển thể từ vở kịch cùng tên, phim Xóm trọ 3D đề cập tới cuộc sống của những con người mang số phận "thân sâu hồn bướm" cùng nhau sống trong 1 xóm trọ lao động bình dân.
Chủ xóm trọ là má Lâm (NSƯT Minh Nhí) và cô em gái tên Na (Maya). Má Lâm được giới thiệu là một người ngoa ngoắt nhưng lại rất bao dung, mang trong mình nỗi hận đàn ông vì từng bị người tình bỏ rơi.
Má Lâm cưu mang, đùm bọc 4 người thuộc "thế giới thứ 3". Đó đều là những con người có ước mơ, hoài bão nhưng không gặp may mắn trong cuộc sống và sự nghiệp, còn bị gia đình và xã hội rẻ rúng.
Minh Nhí trong vai Má Lâm.
Mâu thuẫn bắt đầu khi một chàng trai "thẳng" tên Phong (Huy Khánh) phải lòng Na và quyết tâm giả "bóng", trà trộn vào xóm trọ. Phong không chỉ phải cạnh tranh cùng "ông nội" – 1 tay giang hồ "xác cô hồn cậu" khét tiếng trong vùng để lấy lòng Na mà còn phải vượt qua "cửa ải" của má Lâm.
Được kỳ vọng sẽ là phần tiếp nối của bộ phim Lô tô, song khi vừa ra rạp, Xóm trọ 3D đã khiến nhiều khán giả không mấy hài lòng.
Trên thực tế, vở kịch cùng tên được công chiếu từ năm 2015 và nhận được rất nhiều thiện cảm của công chúng. Song khi chuyển thể thành phim, biên kịch đã hơi "quá tay" trong việc nhào nặn các nhân vật hòng lấy tiếng cười của khán giả, khiến các tình tiết của phim bị "làm quá" trở nên rất ngô nghê.
Biên kịch để nhân vật Na xuất hiện với lời giới thiệu "xác cô hồn cậu" và ngoại hình khá bặm trợn, lái xe ba gác bạt mạng gây kinh hoàng cho cả khu xóm. Song, Na lại dễ dàng bị chinh phục và chấp nhận trở lại vẻ nữ tính chỉ bằng vài lời tán tỉnh, vài lần đụng chạm với Phong.
Cặp đôi Na - Phong khá nhạt nhòa.
Cũng như vậy, tình tiết nhân vật Phong bỗng dưng biến mất cùng sổ đỏ khu đất xóm trọ rồi bất ngờ trở về với thân phận 1 đại thiếu gia vào đúng thời điểm tay giang hồ "Lão đại" (NSND Hồng Vân) gắt gao đòi chiếm khu đất cũng không thực sự thuyết phục khán giả.
Chuyện tình giữa Na và Phong được xem là mấu chốt chính cho câu chuyện ở xóm trọ 3D, song sự chênh lệch về khả năng diễn xuất của cặp đôi Huy Khánh – Maya cùng những tình tiết kịch bản non nớt đã khiến 2 nhân vật này khá mờ nhạt so với những nhân vật còn lại.
Vẫn chọc cười khán giả bằng cách bóp méo hình ảnh "bê đê, bóng gió"
Để khắc họa bi kịch của các nhân vật "3D" trong xom trọ, biên kịch đã hơi "quá tay" khi để Tú (Nam Cường) trở về quê và bị cha đánh đập tàn nhẫn đến mức phải bỏ đi.
Trong phim cũng có khá nhiều cảnh bạo lực như đám giang hồ bảo kê ra tay đánh đập, đập phá đồ đạc và buông lời chửi bới, mỉa mai giới tính của các nhân vật này.
Các nhân vật "3D" được xây dựng là những kẻ ưa diện đồ lòe loẹt, hám trai, vô dụng.
Song, hầu hết những cảnh quay này không thực sự chạm tới cảm xúc của khán giả mà chỉ gây cảm giác bạo lực và "làm quá".
Điều khiến nhiều người khó chịu nhất khi xem phim chính là việc biên kịch cố tình xây dựng các tình tiết hài hước bằng cách nhấn mạnh sự ẻo lả, đỏng đảnh, mê trai của các nhân vật mang "giới tính thứ 3".
Đó vẫn là những chàng trai với bộ dạng yếu ớt, nhõng nhẽo, mặc trên người những bộ đồ sặc sỡ, trang điểm lòe loẹt cùng giọng nói eo éo chói tai và đặc biệt, cứ thấy bóng dáng 1 chàng trai lạ là lập tức xô đẩy, lườm nguýt nhau để gây sự chú ý.
Đây là hình ảnh khá quen thuộc trong những bộ phim, tiểu phẩm về giới LGBT trước đây. Chính cộng đồng này cũng từng rất khó chịu khi hình ảnh của mình bị bóp méo như vậy.
Thêm nữa, dù mong muốn truyền tải thông điệp về sự vươn lên mạnh mẽ của những con người trong xóm trọ 3D nhưng biên kịch lại vô tình biến họ trở thành những kẻ yếu đuối, vô dụng, chỉ biết gào khóc khi bị đánh đập, chà đạp.
Xóm trọ 3D đã không thực sự chinh phục được khán giả.
Suốt thời lượng của bộ phim, cứ khi nào có cảnh mâu thuẫn, xung đột giữa các nhân vật trong xóm trọ và người ngoài xã hội, khán giả sẽ phải nghe tiếng gào khóc thảm thiết của các "mỹ nhân xóm trọ" này. Họ dường như không có sức phản kháng, chỉ biết duy nhất 1 việc: Chịu trận và gào khóc.
Ngay cả khi đã rơi vào tình huống "nước sôi lửa bỏng" nhất, dù có quyết tâm kiếm tiền trả nợ nhưng cả xóm trọ vẫn không thể làm được việc gì, kể cả việc "nằm im giả chết".
Những chi tiết này vô tình biến các nhân vật LGBT trở thành kẻ vô dụng, yếu đuối trong mắt khán giả xem phim.
Không phủ nhận rằng bộ phim đã đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc: Từ hài hước cho tới xót xa, thương cảm. Song, việc xử lý kịch bản một cách non tay đã khiên những cảm xúc này cũng trở nên rất lưng chừng...
Tùy Phong