Tây Yên Tử du ký: “Ngọc trong gỗ” ở chùa Vĩnh Nghiêm
Kỳ 1: “Ngọc trong gỗ” ở chùa Vĩnh Nghiêm
Chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm
Nhắc đến Tây Yên Tử, không thể không nhắc đến chùa Vĩnh Nghiêm, ngôi cổ tự ngàn năm tuổi vẫn vững chãi tôn nghiêm như chính tên gọi.
Chùa Vĩnh Nghiêm ngày nay thuộc địa phận thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Tương truyền, chùa được xây dựng vào thế kỷ XI, dưới triều vua Lý Thái Tổ (1010-1028) với tên gọi Chúc Thánh.
Nét cổ kính chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh P.Y.
Tới thế kỷ XIII, sau khi sáng lập ra dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã chọn chùa Chúc Thánh để sửa sang, tôn tạo, thành nơi khai tràng, thuyết pháp, đào luyện, định chức danh cho tăng ni trong cả nước, và đổi tên chùa thành Vĩnh Nghiêm.
Trên tấm bia lục lăng khắc bằng chữ Hán vào năm Hoằng Định thứ bảy (1606) tại sân chùa Vĩnh Nghiêm còn ghi: “Chùa Vĩnh Nghiêm là một danh lam được xây dựng giữa một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của vùng Kinh Bắc. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn dặm, trùng trùng điệp điệp vây quanh thành hình cái nong, chùa ở chỗ con sông sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc. Đây là một danh lam đứng đầu trong thiên hạ”.
Nơi lưu giữ những di sản vô giá
Tới chiêm bái chùa Vĩnh Nghiêm ngày nay, có thể tận mắt cảm nhận được nét đẹp mà người xưa đã ca ngợi. Cả ngôi chùa dựa lưng vào ngọn núi Cô Tiên, trước mặt là ngã ba Phượng Nhãn, nơi hội lưu của sông Thương và sông Lục Nam êm đềm.
Ở đây, rất dễ để bắt gặp những nét chạm khắc tinh xảo mang đậm hồn cốt dân tộc, tiêu biểu cho kiến trúc thời Lê, Nguyễn như mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc xây gạch phủ áo vữa gắn dải hoa chanh, ván dong chạm nổi hình vân mây cụm nhỏ, họa tiết lá lật, lá vân có đuôi dài uốn sóng, mặt bằng nền đất nện, v.v...
Bên cạnh những nét đặc sắc về kiến trúc, nói đến chùa Vĩnh Nghiêm, không thể không nhắc đến kho tàng “ngọc trong gỗ” được lưu giữ ở đây. Đó là hơn ba nghìn mộc bản (tài liệu khắc gỗ) từ thời Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là bộ sưu tập mộc bản duy nhất hiện còn lưu giữ được của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Không đơn thuần chỉ là một bản san khắc chữ khô khan theo cách thức thủ công, mỗi mộc bản là một tác phẩm điêu khắc gỗ hoàn chỉnh đầy tinh xảo.
Mộc bản Hoa Nghiêm Kinh lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh P.Y
Chữ khắc trên mộc bản chủ yếu là chữ Nôm, với nhiều sáng tạo độc đáo. Chữ khắc ngược để khi in lên giấy dó sẽ thành chữ xuôi. Phần lớn là thể chữ chân dễ đọc, được khắc sâu (khoảng 1,5 mm) nên bản in ra giấy dó rất sắc nét. Đặc biệt, chất liệu được sử dụng là gỗ thị, nên mộc bản làm ra có độ bền cao, ít cong vênh và nứt vỡ.
Trực tiếp chế tác mộc bản là những người thợ thủ công thuộc các phường thợ chuyên làm nghề khắc mộc bản ở tỉnh Hải Dương. Dưới sự hướng dẫn, sắp xếp của các vị sư trong chùa, họ đã lưu lại đây dài ngày để thực hiện tỉ mỉ từng công đoạn chế tác mộc bản (chọn gỗ, xử lý gỗ, khắc chữ, khắc trang trí), in sách, đóng sách.
Kỹ thuật khắc chữ và đồ án trang trí trên mỗi tấm ván đều đúng theo quy chuẩn in của Việt Nam. Mỗi trang sách in ra sẽ có biên lan (khung viền lề sách), bản tâm (vị trí khắc tiêu đề sách), ngư vĩ (gáy sách).
Đặc biệt, ở ván khắc tương ứng với trang đầu và trang cuối của mỗi cuốn sách, thường có lạc khoản cho biết thời gian san khắc, người san khắc, địa điểm tàng trữ.
Kích thước các mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm không đồng đều, tùy theo từng bộ kinh/sách mà có kích thước khác nhau. Bản khắc lớn nhất là loại sớ, điệp chiều dài hơn 100cm, rộng 40 - 50cm, bản nhỏ nhất khoảng 15 x 20cm, nhưng phần lớn mộc bản bộ Kinh hoa nghiêm (hơn 2800 mảnh) có kích cỡ 33cm x 23cm x 2,5cm.
Vì đã qua nhiều lần sử dụng, mực in bám khá dầy, nên các ván đều có mầu đen. Trong điều kiện bảo quản mang tính tự nhiên trước đây, lớp mực bám này có tác dụng chống thấm nước và mối mọt rất hiệu quả.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là kho tư liệu thể hiện tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm, qua các bộ kinh, sách, luật giới nhà Phật và trước tác của một số danh nhân, thiền sư như: Trần Nhân Tông, Pháp loa Đồng Kim Cương, Huyền quang Lý Đạo Tái, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Tuệ đăng – chân nguyên thiền sư.
Do đó, về tổng thể, nội dung của mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa lớn đối với xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện, như: triết lí nhân sinh và giáo dục nhân cách, tôn giáo tín ngưỡng, ngôn ngữ văn tự, khoa học kĩ thuật, văn học nghệ thuật.
“Ngọc trong gỗ” tỏa sáng trường tồn
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm, là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ Việt nói chung, của chữ Nôm nói riêng trong lịch sử.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán của Trung Quốc sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm (chữ do người Việt Nam tạo ra để ghi âm tiếng Việt).
Du khách tìm hiểu về di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh P.Y
Từ chỗ chỉ được dùng lẻ tẻ ở thời kì trước đó, chữ Nôm bắt đầu được sử dụng một cách có hệ thống trong trước tác của các cao tăng Thiền phái Trúc Lâm. Nhờ chữ Nôm, họ đã chuyển tải được Phật pháp dưới dạng văn vần, tổng kết ngắn gọn dưới dạng thơ, diễn giải tư tưởng Phật học dưới lăng kính của người Việt Nam.
Giá trị của “ngọc trong gỗ” đã không chỉ được biết tới tại nơi khai sinh ra mộc bản, mà còn tỏa sáng trên phạm vi thế giới, khi được tổ chức UNESCO công nhận là là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào ngày 16/5/2012.
Sự kiện đã đưa mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm trở thành di sản thứ ba của Việt Nam được vinh danh trong hạng mục này, cùng với mộc bản triều Nguyễn và văn bia đá Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Hiện nay, mẫu chữ Nôm từ sách Thiền tông bản hạnh - một phần của mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm đã được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm tại Mỹ (The Vietnamese Nom Preservation Foundation) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight,ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới.
Việc di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được số hóa chính là một minh chứng rằng những giá trị truyền thống hoàn toàn có thể tồn tại song hành, và được tôn vinh, bảo tồn bởi những giá trị hiện đại.
Phi Yến