Tây Yên Tử du ký: Nẻo về mạch đất thiêng
Kỳ cuối: Nẻo về mạch đất thiêng
Theo dấu người xưa
Sườn phía tây của dãy núi Yên Tử trải dài qua địa phận các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động của tỉnh Bắc Giang. Đây là nơi lưu lại nhiều dấu tích của Phật hoàng Trần Nhân Tông, người đã rũ bỏ vinh hoa phú quý, chuyên tâm tu hành và tạo dựng một dòng Thiền mang bản sắc dân tộc Việt.
Sườn Tây Yên Tử ngày nay. Ảnh PY .
Theo truyền thuyết, sau khi đắc đạo, Phật hoàng tiếp tục phổ độ chúng sinh bằng hai con đường: giáo dục, đào tạo tăng tài để tạo nguồn nhân lực phát triển Phật giáo ở Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) và hành đạo tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang), nơi được coi là trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm lúc bấy giờ.
Sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, các Tổ Đệ nhị, Đệ tam cũng đi theo con đường này để tiếp nối sứ mệnh của Phật hoàng. Các ngài đã cho xây dựng nhiều ngôi chùa lớn nhỏ nằm rải rác ở vùng núi cao Tây Yên Tử.
Đó chính là lý do cho tới ngày nay, nhiều dấu tích văn hóa đồ sộ thời Trần, chứng minh quy mô, sự hưng thịnh của Phật giáo thế kỷ XI đến XIV vẫn được tìm thấy ở khu vực Tây Yên Tử.
Bên cạnh những di tích đã được trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị như: Am Vãi (Lục Ngạn), chùa Cao (Lục Nam), thì ẩn sấu trong những vạt rừng Tây Yên Tử, còn có rất nhiều những ngôi chùa có mối gắn kết, chịu ảnh hưởng từ Thiền phái Trúc Lâm trong sơn hệ Yên Tử.
Ngày nay khu vực núi Huyền Đinh (xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam) còn lưu lại phế tích chùa Sơn Tháp, từng được nhắc đến trong Sách "Đạo giáo nguyên lưu": “Vua Trần đi về phía Đông, đến chùa Sơn Tháp và lưu ở đó trước khi lên Yên Tử tu hành.”
Di tích chùa Sơn Tháp vẫn lưu lại được 3 cấp nền chùa cổ, trong đó có tòa tam bảo, nhà ni, nền chùa chính dài 18 m, rộng 10 m, nổi bật lên nét kiến trúc tiêu biểu thời Trần với những viên ngói mũi sen, ngói lá đề.
Cách chùa Sơn Tháp khoảng 3 giờ đi bộ là di tích chùa Yên Mã vẫn còn lại những hiện vật như những bệ đá hoa sen thời Trần, bậc thềm bằng phiến đá tự nhiên, mảnh gạch, ngói, đá tảng, chân cột, cối đá. Thậm chí, trên nền móng cũ, các nhà khảo cổ còn có thể phác thảo, định hình và phác thảo mặt bằng tổng thể, vị trí các hạng mục xưa như: Tòa tam bảo, nhà bếp, nhà khách, sân, giếng nước cổ,...
Hiện vật ngói mũi sen trang trí hoa văn tìm thấy tại di tích chùa Yên Mã. Ảnh: Báo Văn hóa
Chùa Sơn Tháp, chùa Yên Mã là hai trong số 26 điểm di tích đã được xếp hạng của khu vực Tây Yên Tử, theo thống kê sơ bộ của tỉnh Bắc Giang.
Đó là chưa kể đến rất nhiều chùa, tháp nằm rải rác trong các khu rừng chưa được công nhận.
Sự tàn phá của chiến tranh, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nạn khai quật cổ vật bừa bãi, những hành vi canh tác, sản xuất thiếu ý thức, cũng đã làm mai một nghiêm trọng thậm chí xóa dấu vết của nhiều di sản trong khối chùa Tây Yên Tử...
Nối lại nẻo hành hương
Trong khi Đông Yên Tử (vẫn được biết đến với tên gọi Yên Tử) thuộc tỉnh Quảng Ninh, đã được Phật tử và du khách xa gần biết tới từ nhiều năm nay, thì Tây Yên Tử, vẫn là cái tên khá xa lạ, do những hạn chế về giao thông, cơ sở hạ tầng.
Nhằm từng bước khôi phục, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh khu vực Tây Yên Tử, tháng 3 năm 2014, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang phê duyệt dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử.
Khu du lịch sinh thái - tâm linh Tây Yên Tử trong quá trình hoàn thiện. Ảnh PY .
Dự án tập trung vào các điểm chùa khu vực Đồng Thông xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động với diện tích 13,8 ha, gồm chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy). Các điểm chùa có cao độ từ 145m đến điểm cao nhất gần 1.000m.
Theo quy hoạch, những công trình ở đây sẽ làm sống lại không gian văn hóa, hệ thống đền chùa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tạo thành một hệ thống liên hoàn nhằm giới thiệu vùng đất Bắc Giang văn hiến với nhân dân cả nước một cách trọn vẹn.
Với thế mạnh tự nhiên là cảnh quan đẹp, hùng vĩ, tập trung hệ động, thực vật quý hiếm, có tính đa dạng sinh học cao, bên cạnh phát triển các hoạt động văn hóa tâm linh, Tây Yên Tử còn chứa đựng tiềm năng dồi dào về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học.
Bởi vậy, song song với việc xây dựng các điểm chùa, dự án còn triển khai nhiều hạng mục như quảng trường trung tâm, trung tâm hội nghị, công viên sinh thái, khu tái hiện hoàng thành Thăng Long, hệ thống cáp treo, nhà ga,...
Dự kiến, khi dự án hoàn thành sẽ nối liền Tây Yên Tử với Đông Yên Tử, tạo thành một vùng cảnh quan du lịch hài hòa, gắn kết các di tích, danh thắng của hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang.
Sau bốn năm triển khai, đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục của giai đoạn 1, với Chùa Hạ được khánh thành vào tháng 2/2018 nhân dịp Lễ hội Khai xuân Tây Yên Tử.
Bên cạnh việc xây mới, dự án cũng sẽ phục dựng các di tích, công trình tín ngưỡng, góp phần xây dựng một quần thể hoàn chỉnh, thống nhất, là tổng hòa của thiên nhiên - lịch sử - tâm linh, tạo động lực phát triển chung cho vòng cung du lịch Yên Tử.
Phi Yến