Tây Yên Tử du ký: Chùa Bổ Đà, nơi thời gian lắng đọng
Kỳ 2: Chùa Bổ Đà, nơi thời gian lắng đọng
Cũng giống như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà được xây dựng dưới thời Lý, thời kỳ hưng thịnh của Phật Giáo nước nhà. Dưới triều vua Lê Dụ Tông, chùa được tu bổ, tôn tạo nhờ công lao của một vị quan quê ở làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) tên là Phạm Kim Hưng.
Chùa cổ Bổ Đà Sơn
Tích xưa kể rằng, sau khi từ quan về quê lập nghiệp, ông đến vùng đất Bổ Đà, nghe các cao tăng thuyết pháp. Khi đắc đạo ông đã đem tất cả bổng lộc có được trong thời kỳ làm quan đem ra để trùng tu, mở mang di tích và chọn đây là nơi đào tạo các tăng đồ của thiền phái Lâm Tế, một dòng thiền chính phái du nhập vào nước ta vào cuối thế kỷ 17, và đã có ảnh hưởng rộng rãi ở nhiều miền đất nước.
Ngày nay, khu di tích chùa Bổ Đà thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Quần thể chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm: Chùa cổ Bổ Đà Sơn, chùa chính Tứ Ân Tự, Am Tam Đức (xây dựng sau, vào thời Hậu Lê) và vườn tháp.
Chùa Bổ Đà là nơi thờ tự tam giáo, trong đó có Quán Thế Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Tam tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), và Thạch Linh Thần Tướng. Đây chính là nét đặc sắc của di tích này khi là nơi hội ngộ của Tam giáo đồng nguyên và tín ngưỡng dân gian bản địa.
Bản sắc Việt sau cánh cổng tam quan
Không gian cổ kính trước cổng tam quan
Tản bộ trên con đường đất rợp bóng cây để tới với chùa Bổ Đà, người ta dễ có cảm giác như đang viễn du ngược dòng thời gian, giữa một không gian cổ kính, trầm mặc vẫn vẹn nguyên từ hàng thế kỷ trước.
Quần thể chùa tọa lạc ở phía Bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc dãy núi Bổ Đà, nhìn ra dòng sông Cầu thơ mộng. Đây là một trong những nơi còn lưu giữ lại vẹn nguyên nét kiến trúc truyền thống đồng bằng Bắc Bộ, in đậm bóng dáng làng quê trong những câu chuyện cổ tích xa xưa.
Theo thời gian, chùa đã được tu bổ, mở rộng. Ngày nay, kiến trúc của chùa bao gồm gần một trăm gian liên hoàn được xây dựng bằng những vật liệu dân gian gần gũi như gạch nung, ngói, tiểu sành, đất nện.
Hồn Việt vẫn hiện diện rõ nét trên những dải tường đất rêu phong tịch mịch, điểm xuyết những mảnh gốm cổ đặc trưng của làng Thổ Hà.
Những dải tường màu nâu đỏ bao quanh chùa Bổ Đà được xây nên chính từ đất sỏi son trên núi Bổ Đà, được xây dựng bằng kỹ thuật trình tường, nên không chỉ vững chãi, mà còn có tính cân bằng Âm – Dương, khiến không khí trong khuôn viên chùa được điều hòa một cách tự nhiên, đông ấm, hè mát.
Về cấu trúc, chùa Bổ Đà được xây dựng theo lối “nội thông ngoại bế”, không cốt ở vẻ nguy nga, tráng lệ mà chú trọng tính liên hoàn, thoáng đạt hướng tới sự thanh tịnh của cảnh giới nhà Phật.
Khu nội tự của chùa gồm 18 tòa nhà ngang, dãy dọc kết nối liên hoàn với tổng số gần 100 gian.
Toàn bộ chùa chính được phân ra làm ba khu rõ rệt: Khu vườn, khu nội tự chùa và khu vườn tháp. Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau, xây theo kiến trúc thời Nguyễn, mang dáng dấp gác chuông.
Khu nội tự của chùa gồm 18 tòa nhà ngang, dãy dọc kết nối liên hoàn với tổng số gần 100 gian, với những gian nhà lợp ngói, khung dựng bằng tre ngâm đậm bản sắc Việt.
Vườn tháp, di sản vô gía
Vườn tháp chùa Bổ Đà, vườn tháp lớn nhất, đẹp nhất Việt Nam.
Dạo bước về bên trái khu nội tự và vườn chùa, ta sẽ bắt gặp vườn tháp chùa Bổ Đà. Vườn tháp nằm trên một sườn dốc thoai thoải, được bao quanh bằng đá núi, gạch chỉ và tường đất ngăn cách với xung quanh.
97 ngôi tháp trong vườn chính là nơi lưu giữ tro cốt của hơn 1.200 nhà sư của dòng thiền Lâm Tế từ ba trăm năm nay.
Xen kẽ giữa những tòa tháp trầm mặc rêu phong là những thảm cỏ xanh tươi, những khóm hoa nhiều màu sắc, tạo nên một quần thể hài hòa, vừa cổ kính vừa gần gũi.
Tất cả các tháp trong vườn đều có cửa dạng cuốn vòm nhìn về hướng Đông Bắc, đa số là những ngôi tháp ba, bốn tầng với độ cao từ ba đến năm mét, riêng những ngôi tháp sư tổ được xây dựng với quy mô lớn hơn.
Cỏ hoa xen giữa tháp cổ.
Kỹ thuật xây dựng các ngôi tháp chùa Bổ Đà cũng là một điểm hết sức đặc sắc. Các công trình được làm từ đá và gạch nung, kết dính với nhau bằng mật mía trộn bột đá, bột giấy bản, tạo thành một cấu trúc rất bền và mịn. Đây cũng chính là những chất liệu và quy trình được áp dụng để xây nên những tòa tháp Chăm ở Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Đó là lý do khiến hai quần thể kiến trúc ở hai miền đất nước phảng phất những nét tương đồng.
Đặc biệt, vườn tháp chùa Bổ Đà có cả tháp sư tăng và sư ni, đây là điều hiếm thấy ở các dòng phái khác. Để phân biệt, chỉ cần chú ý đến đặc điểm của đỉnh tháp: nếu gắn bình cam lộ là tháp tăng, nếu gắn búp sen là tháp ni.
Hai khu tháp được ngăn bằng một con đường mòn nhỏ, đa số các ngôi tháp đều có tên, trong lòng tháp thường đặt bia ghi bài vị, thời gian sinh, hóa của các nhà sư, có thể được coi như nguồn tư liệu chân thực giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu sắc hơn về Phật phái Lâm Tế cũng như lịch sử chùa Bổ Đà.
Với quy mô rộng lớn, vẻ đẹp kiến trúc độc đáo, ý nghĩa văn hóa sâu sắc, vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là vườn tháp lớn nhất, đẹp nhất trong cả nước.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, vườn tháp vẫn được bảo tồn vẹn nguyên, đã trở thành kho tàng di sản văn hóa, tôn giáo vô giá, không chỉ của tỉnh Bắc Giang, khu vực Tây Yên Tử nói riêng mà còn của Việt Nam nói chung./.
*Một số hình ảnh khác về chùa Bổ Đà:
Một góc sân sau chùa
Gian nhà khách đậm nét kiến trúc truyền thống đồng bằng Bắc Bộ
Dải tường đất rêu phong tịch mịch
Tam Đức Tự, một trong những khối kiến trúc chính của chùa Bổ Đà
Lối lên chùa cổ Bổ Đà Sơn trên núi Phượng Hoàng.
Bên cạnh chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà cũng là kho tư liệu mộc bản có giá trị.
Bài và ảnh: Phi Yến