GDP năm 2019 từ 6,6-6,8%: Cần đồng lòng để hoàn thành các chỉ tiêu được giao
Sáng 8/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Theo nghị quyết, mục tiêu tổng quát của năm sau vẫn đặt lên hàng đầu yêu cầu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, Quốc hội chốt tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP...
Quốc hội chốt tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của năm 2019, Quốc hội yêu cầu tập trung tăng cường năng lực, chủ động, phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để chủ động có đối sách phù hợp và kịp thời. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Nghị quyết cũng yêu cầu điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý; điều chỉnh giá dịch vụ công cần theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra những tác động bất lợi đến chỉ số giá tiêu dùng.
Kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa, thiết bị nhập khẩu bằng các hàng rào kỹ thuật phù hợp; phấn đấu cân bằng thương mại bền vững. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới.
Trao đổi với PV báo Thời Đại, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, năm 2018 Quốc hội đặt nhiệm vụ GDP tăng từ 6,5-6,7%, năm 2019 tăng từ 6,6-6,8%, biên độ giãn ra là rất đúng, nó có sự uyển chuyển mềm mại, không cứng nhắc.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.
Cũng theo chuyên gia Phú, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên 2500 USD/năm, tuy nhiên ông Vinh cũng thẳng thắn đánh giá về việc phát triển kinh tế tốt nhưng xã hội vẫn còn một số vấn đề cũng cần các nhà hoạch định chính sách phải quan tâm như chất lượng cuộc sống của người dân thế nào? Đời sống người nông dân làm ra của cải vật chất, người công nhân có được cải thiện? Vấn đề ô nhiễm môi trường ở các dòng sông.
Cũng liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng GDP 2019, TS.Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, GDP 2019 đề ra là khả thi. Chỉ số giá tiêu dùng khoảng 4% là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, về tăng trưởng GDP, TS. Nguyễn Đức Độ lưu ý, mức tăng trưởng này còn phụ thuộc vào tình hình biến động của kinh tế thế giới. Nếu kinh tế thế giới tương đối ổn định như năm 2018 thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% có thể đạt được, nhưng nếu kinh tế thế giới kém đi thì việc đạt được kết quả này là khó khăn.
Còn theo TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương thì, các chỉ tiêu kinh tế Quốc hội đặt ra khá cao, đòi hỏi sự phấn đấu rất toàn diện mới có thể đạt được, bởi so với môi trường kinh doanh trên thế giới và trong nước, tình hình đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có tiềm năng và dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm 2019.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến thời điểm hiện tại các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều đạt và vượt so với kế hoạch. Vì thế, GDP năm 2018 có thể vượt mức 6,7%. Đây là một tín hiệu đáng mừng và sẽ là tiền đề tốt để Việt Nam thực hiện các chỉ tiêu kinh tế năm 2019. Tuy nhiên theo dự báo, tình hình kinh tế thế giới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, vì thế để đạt được những con số theo Nghị quyết của Quốc hội, các bộ ngành cần phải nỗ lực ngay từ những quý đầu của năm 2019.
Xuân Hòa