Đã và đang đảm nhiệm trọng trách đứng đầu cả 2 Tập đoàn năng lượng lớn của quốc gia là Điện lực và Dầu khí, có thể nói ông Hoàng Quốc Vượng là người rất có kinh nghiệm cả về vĩ mô lẫn thực tiễn của doanh nghiệp. Trước những nan đề về an ninh và nhu cầu năng lượng hiện nay, Thời Đại đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về những định hướng lớn của ngành dầu khí cũng như những việc phải chuẩn bị cho tương lai ngay từ bây giờ. |
-Thưa ông, đã 2 năm kể từ khi được giao trọng trách Chủ tịch PVN, (24/11/2020-24/11/2022), dù thời gian chưa quá dài, từ góc nhìn của người đứng đầu Tập đoàn, xin ông cho biết đâu là những ưu điểm nổi bật của ngành? Ưu điểm của ngành thì có nhiều, nhưng nói về sự nổi bật thì dầu khí Việt Nam là một ngành đặc thù, có bề dày về hợp tác quốc tế, chính vì vậy điều nổi trội nhất của dầu khí theo tôi là tính năng động và sự chủ động tiếp cận và cập nhật tri thức, sự linh hoạt và sáng tạo trong công việc. Sở dĩ tôi có nhắc đến yếu tố hợp tác quốc tế vì đây là một trong những yếu tố đặc biệt của ngành vì PVN làm việc với các đối tác quốc tế rất sớm, do đó chính yếu tố này vừa cho phép và lại vừa đòi hỏi con người dầu khí phải luôn chủ động thích ứng với cái mới, cả về kỹ thuật lẫn thông lệ quốc tế. Do đó khía cạnh này đã thúc đẩy và làm nên sự đặc thù nổi trội của ngành. -Cũng chừng ấy thời gian, điều luôn khiến ông trăn trở khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch PVN là gì? Như mọi người đều biết, thời gian vừa qua có một số sự việc PVN trải qua và những sự kiện này cũng có tác động nhất định đến Tập đoàn. Vì vậy điều tôi luôn suy nghĩ là khôi phục, bồi đắp các giá trị cốt lõi, lấy đó làm nền tảng cho văn hoá dầu khí, và qua đó tiếp thêm sức mạnh cho niềm tin xây dựng và phát triển PVN. -Ông có thể cho biết khái quát về tình hình hoạt động của PVN hiện nay? PVN vẫn đang phát triển đồng đều 5 lĩnh vực chính, trong đó hoạt động thiết yếu, sống còn vẫn là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Kết quả hoạt động năm 2021 sản lượng khai thác đạt 10,97 triệu tấn, lãi trước thuế là 45.000 tỷ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2022 đạt 5,48 triệu tấn, nộp ngân sách toàn Tập đoàn đạt 66,1 ngàn tỷ đồng….Hiện tại giá dầu đang đi lên cũng là 1 thuận lợi với chúng tôi, vì vậy điều cần thiết là duy trì sản lượng khai thác bên cạnh việc kết hợp thực hiện các mục tiêu chiến lược của Tập đoàn. Đây là điều rất quan trọng bởi nếu không các hoạt động khác của Tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng. Cùng với đó Tập đoàn đang nâng cao hiệu quả với các nhà máy lọc hoá dầu, các nhà máy đạm như Phú Mỹ, Cà Mau, và giải quyết vấn đề còn tồn tại ở Nghi Sơn. |
-Trước những biến động phức tạp của thế giới hiện nay, an ninh năng lượng trở thành vấn đề đặc biệt thu hút sự quan tâm của công luận, thưa ông, PVN thích ứng và định vị các mục tiêu phát triển như thế nào? Từ nay đến năm 2030 thì hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác của PVN vẫn là chính yếu, tuy nhiên ngay từ bây giờ Tập đoàn cũng cần có các điều chỉnh trong chiến lược phát triển của mình. Điều này vừa là thực hiện theo Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 11/2/2020 Về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, vừa để đáp ứng yêu cầu trung hòa khí thải cacbon vào 2050. Trên thực tế thì việc giảm sản lượng khai thác cũng là thực tiễn tất yếu khi trữ lượng nhiên liệu hoá thạch dần giảm xuống. -Giảm dần khai thác, vậy PVN sẽ chuyển trọng tâm sang lĩnh vực nào, thưa ông? PVN định hướng tham gia phát triển điện gió ngoài khơi, đây sẽ là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong chiến lược của ngành. -Vì sao lại là điện gió ngoài khơi, thưa ông? Có mấy ý chính ở đây, thứ nhất năng lượng gió, đặc biệt là gió ngoài khơi Việt Nam chúng ta có tiềm năng rất lớn, cần được khai thác để đảm bảo an ninh năng lượng. Thứ 2, phát triển điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mà chúng tôi có thế mạnh, những thế mạnh của PVN ở đây là con người, hạ tầng kỹ thuật, kiến thức và kinh nghiệm triển khai các dự án ngoài biển. -Cụ thể là gì, thưa ông? Nhiều doanh nghiệp của PVN hiện đang tham gia cung cấp dịch vụ ngoài khơi, các dịch vụ rất phù hợp với điện gió ngoài khơi như Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PTSC), Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro…Với hệ thống cơ sở vật chất sẵn có ở Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị của PVN ở đây có thể đóng giàn khoan lớn với tải trọng lên đến 35.000 -70.000 tấn, phức tạp hơn nhiều so với các chân đế của các trụ điện gió…Thực tế, hiện nay PTSC sẽ ký hợp đồng với một nhà đầu tư đang đầu tư điện gió tại Đài Loan để làm chân đế cho 33 trụ gió, mỗi trụ 14MW…tất cả những công việc này đã được các đơn vị của PVN chủ động tham gia để tích luỹ thêm kinh nghiệm cho các dự án điện gió của Việt Nam sau này. Nhìn chung thì PVN có nhiều thế mạnh trong việc tham gia chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi, vì chúng tôi có thể làm từ khảo sát - thiết kế - thi công, lắp đặt, bên cạnh đó PVN có thể tự sản xuất được nhiều cấu kiện, thiết bị của một trụ điện gió. -Thưa ông, kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này thế nào? Nhìn ra quốc tế thì đã có nhiều doanh nghiệp dầu khí chuyển sang lĩnh vực điện gió ngoài khơi rất thành công, 2 quốc gia Đan Mạch và Na Uy là những ví dụ điển hình. Hơn nữa như tôi đã nói ở trên, nhìn chung các nguồn năng lượng hoá thạch sẽ dần cạn kiệt sau 1 thời gian dài khai thác nên các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi sẽ là nguồn thay thế phù hợp. Đặc biệt đối với Việt Nam khi chúng ta có bờ biển dài dọc theo đất nước với tiềm năng kỹ thuật rất lớn, tới khoảng 600GW. -Mức độ cạnh tranh về giá bán thì sao, thưa ông? Với sự phát triển của công nghệ, điện gió sẽ dần trở nên cạnh tranh hơn, thậm chí đến thời điểm nào đó giá điện gió ngoài khơi có thể cạnh tranh hiệu quả với giá các loại năng lượng truyền thống như điện than, khí…. -Để PVN triển khai phát triển điện gió ngoài khơi, thưa ông, về cơ chế chính sách có những nội dung nào cần điều chỉnh? Hiện nay PVN đã báo cáo với cơ quan chức năng về những nội dung cần điều chỉnh trong Nghị quyết 41-NQ/TW ban hành năm 2015 Về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Bên cạnh đó, có những việc để chuẩn bị cho sau này mà PVN có thể làm được ngay như khảo sát và xây dựng bản đồ phân vùng tiềm năng gió của Việt Nam. Công việc này nếu giao cho PVN làm sẽ rất phù hợp vì trước đây PVN đã thực hiện bản đồ phân vùng lô dầu khí trên biển, vì vậy làm tiếp về phân vùng gió sẽ rất thuận lợi. Phân vùng này sau đó sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng xác định các dự án điện gió để mời gọi nhà đầu tư khai thác điện gió ngoài khơi. -Thưa ông, có 1 khoảng cách giữa hiện tại và thời điểm khai thác tối ưu các nguồn năng lượng thay thế hoá thạch, để đảm bảo an ninh năng lượng trong quãng thời gian bước đệm này, PVN sẽ làm gì? Chúng tôi đã và vẫn sẽ làm tốt các công việc hiện nay trong chuỗi giá trị dầu khí của mình. |
-Trân trọng cảm ơn ông! |
Bài: Lê Sơn Đồ họa: Tào Đạt |