Định hình thời trang Việt trên bản đồ thời trang quốc tế bằng dấu ấn văn hóa
Quảng bá, giao thoa văn hóa qua thời trang
Hình ảnh bản đồ Việt Nam được giới thiệu trên tà áo dài (Ảnh: Đăng Huỳnh). |
Tháng 4/2021, công chúng yêu thời trang đã được trải nghiệm một cuộc du lịch vòng quanh thế giới với đường băng là tà áo dài truyền thống Việt tại sự kiện "áo dài của chúng ta" diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Với chủ đề Thế giới trong áo dài Việt, bản sắc văn hóa của 15 quốc gia trở thành cảm hứng sáng tạo của các nhà thiết kế và được chuyển tải lên tà áo dài qua các bộ sưu tập. NTK Cao Minh Tiến chọn vẻ đẹp của ngôn ngữ Pháp, Phương Thanh chọn hoa tulip đại diện cho đất nước Hà Lan, bộ sưu tập với những câu chuyện thần thoại đất nước Hi Lạp của NTK Trịnh Bích Thủy, NTK Hà Duy chọn Nhật Bản với sự sâu lắng trong kiến trúc… Mỗi quốc gia có một nét đặc trưng văn hóa khác nhau và các nhà thiết kế đưa vào áo dài để làm sao không mất đi hình ảnh của chiếc áo truyền thống Việt nam nhưng vẫn phải thể hiện được tinh thần và dấu ấn của các nước trên thế giới.
Chia sẻ với báo chí, NTK Minh Hạnh, tổng đạo diễn chương trình, cho biết: Áo dài có thể coi là “đại sứ” của Việt Nam, thể hiện hình ảnh Việt Nam và khẳng định văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tôi cho rằng, văn hóa Việt Nam rất dễ thích nghi với văn hóa của các nước khác cả những nền văn hóa rất khác biệt thông qua tà áo dài. Đó là điểm đặc biệt mà không phải trang phục truyền thống của nước nào cũng có được. Do đó áo dài Việt Nam không chỉ được yêu thích trong nước mà có thể lan tỏa, mạnh hơn, rộng hơn, vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, được tất cả mọi người trên thế giới đón nhận.
Thực tế cho thấy, dấu ấn văn hóa luôn có trong các bộ sưu tập thời trang của các NTK bởi không gian văn hóa nơi các NTK tìm cảm hứng sáng tác sẽ là đề tài bất tận của họ.
NTK Minh Hạnh từng mê mẩn thổ cẩm và các họa tiết từ thổ cẩm, vì thế, chị đã khiến giới mộ điệu thời trang trong và ngoài nước hết lời khen ngợi dấu ấn văn hóa trên thiết kế Áo dài của mình.
Còn nói về bộ sưu tập mang tên “lúa”, NTK Công Trí chia sẻ: Cảm hứng của bộ sưu tập chính là những nét văn hóa rất Việt Nam như áo bà bà, làng quê Việt, các chất liệu vải truyền thống của đất nước, con người Việt.
“Thông điệp của tôi trong bộ sưu tập này đơn giản là những gì thuộc về đất nước - con người Việt Nam. Đó là cảm hứng gợi cho tôi nhiều cảm xúc sáng tạo. Đặc biệt, tôi cũng muốn mọi người hãy sử dụng hàng Việt Nam vì đất nước chúng ta có rất nhiều chất liệu tốt, đẹp và những câu chuyện rất thú vị phía sau. Với sự kết hợp giữa Lãnh Mỹ A với trang sức sơn mài, tôi muốn đưa đến cho mọi người một khái niệm mới “lụa sơn mài”. Cả hai đều là “hồn vía” của Việt Nam”, NTK Công Trí nói.
Không chỉ mang những bộ sưu tập đến các sàn diễn quốc tế, giờ đây, các NTK, các đơn vị tổ chức thời trang trong nước cũng luôn chú trọng quảng bá văn hóa xen trong các tuần lễ và các sự kiện thời trang.
Tổ chức trình diễn thời trang tại những địa danh nổi tiếng đang ngày càng được các nhà tổ chức biểu diễn quan tâm.
Tháng 6/2022, Vietnam International Fashion Tour (VIFT) diễn ra tại Hà Nội đã khéo léo lồng ghép nội dung quảng bá văn hóa, di sản thông qua những thiết kế ấn tượng.
Vietnam International Fashion Tour ngoài mục đích tôn vinh những ý tưởng nghệ thuật thời trang độc đáo của các NTK trong nước và quốc tế, tìm ra những nguồn cảm hứng mới trong từng nét vẽ, đường cắt may của thời trang truyền thống, còn thông qua đó quảng bá du lịch, dùng cái đẹp của thời trang tôn vinh du lịch và tôn vinh văn hóa bản địa.
Mỗi show diễn đều kể câu chuyện thú vị, chi tiết về văn hóa lịch sử từng vùng đất mà VIFT đặt chân tới. Những nét đặc trưng văn hóa thấm vào thời trang, len lỏi lên sân khấu và cùng thời trang giới thiệu, quảng bá du lịch. Nét đẹp bản địa tạo cảm hứng cho thời trang, đưa thời trang về điểm gốc, truyền tải thông điệp về bảo tồn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bà Phạm Vũ Thương Nhung - Cố vấn cấp cao của Vietnam International Fashion Tour nhận xét: “không chỉ cập nhật xu hướng thời trang mới mà VIFT còn chú trọng vào việc quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam thông qua những chương trình biểu diễn thời trang được tổ chức tại nhiều địa danh nổi tiếng trong nước, góp phần kích cầu du lịch nội địa và quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người Việt Nam đến gần hơn với công chúng quốc tế”.
Định hình thời trang Việt bằng văn hóa
So với những nền công nghiệp thời trang lớn trên thế giới, thời trang Việt Nam còn non trẻ và khó cạnh tranh về thương hiệu. Vì thế để tạo dấu ấn trên bản đồ thời trang rộng lớn ấy, cách rõ ràng và hiệu quả nhất chính là dựa vào văn hóa.
Ví như Áo dài Việt Nam chính là một thương hiệu thời trang văn hóa. Nhưng các NTK hiện nay không bị “bó hẹp” về quảng bá văn hóa chỉ có Áo dài nữa. Họ sáng tạo hơn với chất liệu, hoa văn, với cảm hứng màu sắc, với thời trang ứng dụng nhưng pha trộn nhiều đặc trưng chỉ riêng Việt Nam có: Như họa tiết chim hạc, họa tiết sao la, hình ảnh ruộng bậc thang, các khu danh thắng vốn đã thành thương hiệu du lịch Việt.
Không giống với các MV ca nhạc hay phim ảnh, hiệu ứng lan truyền về văn hóa thông qua thời trang không … ngay tức thì, nhưng sức lan tỏa sâu lại hiệu quả. Văn hóa qua thời trang sẽ kích thích những người quan tâm về sự tìm hiểu, về sự khám phá, họ có thể qua thời trang mà coi Việt Nam như điểm đến thú vị để tìm hiểu về văn hóa, con người và ẩm thực.
Giờ đây, các NTK cũng chú trọng thực hiện show thời trang ở các địa điểm nổi tiếng trong nước. Điểm khác biệt của các show diễn thời trang tại các địa danh nổi tiếng là các bộ sưu tập thường được làm theo chủ đề, lấy cảm hứng từ chính địa danh đó, mang đến sự phù hợp với cảnh quan, không gian trình diễn, không gian văn hóa tại địa phương.
Để định hình thời trang Việt, cuộc chạy đua mang tên thương hiệu sẽ khiến chúng ta hụt hơi, nhưng nếu đem giá trị văn hóa lồng vào các sàn catwalk một cách khéo léo thì dấu ấn của thời trang Việt Nam trên bản đồ thời trang thế giới sẽ đậm nét hơn rất nhiều.