Để trẻ em gái ngưng xấu hổ khi nói về kỳ kinh nguyệt
Mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 300 triệu trẻ em gái và phụ nữ trải qua kỳ kinh nguyệt. Chuyện kinh nguyệt - dù là một chu kỳ sinh lý rất đỗi bình thường - lại trở thành chuyện “khó nói” và “xấu hổ”, kể cả giữa các bạn gái (Ảnh: Plan International Việt Nam). |
“Đến kỳ có nên tắm gội/ đến những nơi thờ cúng/ đi đám cưới?", hay "Sáng ra đường gặp phụ nữ đến kỳ có xui xẻo không?". Thắc mắc với những "lời khuyên" được nhiều người chia sẻ về kỳ kinh nguyệt, các bạn học sinh trường THCS Dân Hóa đã phỏng vấn cộng đồng tại Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình để hiểu thêm góc nhìn của mọi người về vấn đề vốn được coi là "tế nhị" này.
Trải nghiệm kinh nguyệt không phải lúc nào cũng thoải mái đối với trẻ em gái và phụ nữ. Những lời khuyên, sự quan tâm từ người xung quanh nên nhằm việc giúp trẻ em gái cảm thấy dễ chịu hơn, thay vì mặc cảm, xấu hổ khi tới tháng.
Thông qua chiến dịch này trẻ em gái vị thành niên được nâng cao kiến thức, kỹ năng về sức khỏe sinh sản (SKSS) tuổi dậy thì, sức khỏe vị thành niên, giúp các em “tự tin là chính mình”.
"Đến kỳ ngưng kỳ thị" là chiến dịch truyền thông được xây dựng bởi câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi (LOC) hoạt động cùng tổ chức Plan International Việt Nam. Với sự tài trợ của nhãn hàng Kotex thuộc tập đoàn Kimberly Clark. Sáng kiến tập trung khai thác những góc nhìn và câu chuyện cá nhân về trải nghiệm kinh nguyệt qua một lăng kính lạc quan, tích cực.
Dự án tập trung khai thác những câu chuyện, quan niệm, suy nghĩ sai lệch, cổ hủ về kỳ kinh nguyệt mà trẻ em gái tại Việt Nam, cũng như trên toàn thế giới phải đối mặt hằng ngày. Bằng cách đưa câu chuyện gần hơn tới cộng đồng, nhóm dự án hy vọng mọi người có thể cùng bàn luận, chia sẻ quan điểm của bản thân, hướng tới xây dựng một cuộc sống an toàn và bình đẳng hơn cho trẻ em gái.
Chiến dịch truyền thông "Đến kỳ ngưng kỳ thị" nằm trong khuôn khổ dự án “Tự tin là chính mình”. Đây là dự án do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp thực hiện tại hai tỉnh Quảng Bình và Hà Nội trong thời gian từ năm 2020-2023. Dự án được tài trợ bởi Tập đoàn Kimberley Clark thông qua Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam.
Mục tiêu của Dự án là tạo điều kiện tối đa để các em gái vị thành niên sống ở vùng đô thị và cộng đồng dân tộc thiểu số ở các vùng nông thôn hẻo lánh có thể tự tin vượt qua “kỳ nguyệt san” của mình một cách an toàn và thoải mái, đồng thời tự đưa ra được những quyết định liên quan đến sức khỏe sinh sản (SKSS).
Dự án được triển khai thực hiện tại 2 tỉnh, thành phố: Tỉnh Quảng Bình (huyện Minh Hóa và TP Đồng Hới) và TP Hà Nội (huyện Ba Vì và một số trường THCS, THPT) trong thời gian 3 năm, từ năm 2020 đến năm 2023.
Dự án "Tự tin là chính mình" được triển khai từ tháng 8/2020 đến tháng 4/2023 với bốn can thiệp chính: Trang bị kiến thức và thông tin về sức khỏe sinh sản, quản lý vệ sinh kinh nguyệt cho thanh thiếu niên thông qua mô hình Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi trong trường học; huy động sự tham gia chủ động tích cực của trường học, thông qua các hoạt động tập huấn cho giáo viên, tọa đàm giữa giáo viên - học sinh, giáo viên - phụ huynh và câu lạc bộ mẹ và con gái trong cộng đồng; huy động nguồn lực và sự tham gia từ các trường học, gia đình, lãnh đạo chính quyền địa phương và cơ quan ban ngành liên quan; vận động môi trường chính sách giúp các em gái mạnh dạn tự tin tham gia các diễn đàn, sự kiện liên quan để nói lên nhu cầu chính đáng của mình liên quan đến sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì, quản lý vệ sinh kinh nguyệt.