Như một hiện tượng về cải cách môi trường đầu tư, Hải Dương giờ đây được nhắc đến như là một hình mẫu của sự cầu thị, lắng nghe doanh nghiệp và đi cùng đó là sự chuyển mình thành công. Tạp chí Thời Đại đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương về nguyên nhân cũng như thành quả thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh đồng bằng Bắc Bộ này. |
Thưa ông, chỉ còn ít tháng nữa là tròn 2 năm ông đảm nhiệm vị trí Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương. Trong thời gian này, dù “cơn bão” Covid-19 đi qua nhưng Hải Dương vẫn để lại nhiều dấu ấn tích cực về kinh tế, đặc biệt là trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Vậy đâu là nguyên nhân làm nên kết quả đáng ghi nhận này? - Đầu năm 2021, Hải Dương là tâm dịch của cả nước, trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh đã nỗ lực vượt qua và bắt tay ngay vào khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 8,6%, đứng thứ 8 trong cả nước; Môi trường đầu tư, kinh doanh cũng không ngừng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có bước tăng đột phá từ thứ 47 lên thứ 13; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tăng 11 bậc từ 30 lên 19; chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) vẫn giữ vững vị trí thứ 4 trên 63 tỉnh thành phố. Bước sang năm 2022, với chủ trương "thích ứng linh hoạt - tăng trưởng bứt phá"; kinh tế Hải Dương đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ: 6 tháng đầu năm 2022, (GRDP) ước tăng 11,8% thuộc top đầu cả nước. |
Đạt được những kết quả tốt đẹp đó, là do tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; nêu cao trách nhiệm, vai trò của của cấp ủy, nhất là của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ chống dịch. Đặc biệt là sự chung sức, đồng thuận cao của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã hạn chế được mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”; trong đó, có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp FDI. Ngay khi đợt dịch thứ 3 bùng phát tại khu công nghiệp với trên 2.000 công nhân, tỉnh đã xác định và áp dụng tất cả các biện pháp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cũng như thiếu hụt nguồn nhân lực cho các nhà máy, các doanh nghiệp. Mấu chốt nữa là không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chúng tôi phân công lãnh đạo địa phương trực tiếp đến các doanh nghiệp, công khai số điện thoại, email của bí thư, chủ tịch cho các doanh nghiệp, sẵn sàng tiếp nhận, giải đáp, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, điển hình có thể kể đến việc tháo gỡ khó khăn cho Công ty TNHH Ford Việt Nam về đề nghị Bộ Công thương cấp giấy phép dây chuyền sản xuất ô tô Ford Ranger. Việc này đã được đối tác ghi nhận sâu sắc. - Khi nói về thành tựu thu hút vốn đầu tư, công luận vẫn luôn nói về dấu ấn của Bí thư Phạm Xuân Thăng, ông nghĩ sao về điều này? - Tính từ năm 1987 là năm Việt Nam bắt đầu thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, khi đó Hải Dương chỉ tiếp nhận được 2 dự án quy mô nhỏ với tổng số vốn là 6,9 triệu USD. Qua hơn 25 năm thu hút đầu tư FDI, với tiềm năng sẵn có cùng chủ trương đúng đắn, sáng tạo, những năm gần đây, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh Hải Dương không ngừng được cải thiện dẫn đến nguồn vốn từ khu vực FDI vào tỉnh liên tục tăng; tới nay đã có 490 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 9 tỷ USD, đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ; giải quyết việc làm cho hơn 200.000 lao động; đóng góp 34,4% vào tổng sản phẩm trong tỉnh và 33% ngân sách. Nhiều năm qua việc thu hút nguồn vốn FDI luôn là một trong những điểm sáng của tỉnh Hải Dương; từng bước tạo lên một diện mạo mới cho Hải Dương. Nhiệm kỳ 2020-2025, với quyết tâm tạo sự phát triển đột phá, Hải Dương xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo theo hướng đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Chính vì vậy, thành tựu thu hút vốn đầu tư thời gian qua là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không phải dấu ấn của riêng tôi. Tôi, với trách nhiệm người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, phải khơi dậy khát vọng phát triển mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ, trước hết là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu; phát huy sức mạnh đoàn kết trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và từ đó lan tỏa trong toàn Đảng bộ. Nhờ vậy, nhiều việc lớn, việc bé tưởng chừng bất khả thi nhưng đã làm được và khi làm được thì càng thêm niềm tin, thêm phấn khởi, thêm quyết tâm, thêm sáng tạo. Tỉnh đã vượt qua khó khăn trong đại dịch, tăng tốc về đích và đang dần hiện thực hóa mục tiêu đặt ra. - Cùng trên 1 địa bàn nhưng người đứng đầu có tính cách thế này thì sẽ ra kết quả thế này, có tính cách thế khác sẽ ra kết quả thế khác, với riêng khía cạnh thu hút đầu tư nước ngoài, thông điệp của ông gửi đến tập thể lãnh đạo Tỉnh uỷ để cùng nhận thức và chia sẻ là như thế nào? - Năm 2021, với chủ đề “vượt khó, tăng tốc”, chúng ta đã vững vàng vượt qua dịch bệnh, bứt tốc vươn lên và đạt được những gam màu sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế. Đó là nhờ tinh thần đoàn kết, một lòng, khát vọng đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ và toàn thể nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp. Từ nay đến hết năm 2022, với nhiều thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức đang chờ đón, tôi mong muốn và tin tưởng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; tập thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh tiếp tục “thích ứng linh hoạt – tăng trưởng bứt phá”; kiên định với triết lý phát triển “Phát huy tối đa tiềm năng, tạo nhiều giá trị khác biệt"; tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, cùng nhau chung sức, đồng lòng để đưa tỉnh Hải Dương phát triển lên tầm cao mới. |
Khác biệt trong tập thể lãnh đạo là chuyện bình thường, nhất là trong một lĩnh vực có nhiều hướng tiếp cận như thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ông thuyết phục những ý kiến, suy nghĩ chưa đồng nhất của cấp dưới như thế nào, hay áp đặt luôn vì ông có điều kiện chính trị để làm việc đó? - Theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền." Tôi cho rằng vai trò, trách nhiệm tiền phong, gương mẫu với nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đóng vai trò tiên quyết. Đối với Hải Dương, Chiến lược phát triển của tỉnh đã được Đại hội thảo luận đi đến thống nhất, tất cả những vấn đề còn băn khoăn, những ưu, nhược điểm đều được tập thể thảo luận phân tích kỹ càng để đi đến thống nhất về nhận thức. Chính vì vậy, khi đã đi đến chủ trương, không có sự khác biệt trong tập thể lãnh đạo. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân đều nắm được chủ trương, định hướng và khát vọng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới, thống nhất trong nhận thức và hành động. Trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng vậy, mỗi mục tiêu, chiến lược, nguyên tắc đề ra đều là kết quả của sự thảo luận kỹ càng, thống nhất chủ trương chung của cả tập thể; đối với tỉnh Hải Dương, luôn kiên trì nguyên tắc tạo sự đồng bộ trong thu hút đầu tư, chú trọng công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. Chủ động về nguồn nhân lực với trên 60% người dân trong là trong độ tuổi lao động (khoảng 1,4 triệu người), có trình độ tay nghề cao; tập trung đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tiếp nhận dòng vốn đầu tư FDI vào tỉnh... Đặc biệt, với nguyên tắc “không áp đặt”, chúng tôi coi mỗi lãnh đạo tỉnh là một đầu mối để tham gia xúc tiến đầu tư, tỉnh sẽ không chỉ tập trung thu hút FDI trong công nghiệp, nông nghiệp, mà mọi lĩnh vực đều được đẩy mạnh, từ y tế, giáo dục, đến thương mại, du lịch… |
- Ở đây sự đoàn kết và thống nhất trong lãnh đạo tỉnh có ý nghĩa thế nào với thành công chung của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài? - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Đoàn kết là vấn đề có tính chiến lược, quyết định mọi thành công" và mỗi khi nội bộ chưa thống nhất về tư tưởng, về chủ trương, về lợi ích thì không thể có sự đoàn kết nhất trí cao, đồng nghĩa với nó là sự bất ổn và tạo nên lực cản kìm hãm sự phát triển chung của tổ chức. Đây cũng chính là bài học sâu sắc mà thực tiễn đã chứng minh, với sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, sáng tạo, đoàn kết trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ, trong bối cảnh đầu tư toàn cầu và cả nước suy giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có thể khẳng định Hải Dương hiện vẫn là điểm đến hấp dẫn, an toàn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhiều năm nay, tỉnh luôn chú trọng và tập trung cải thiện môi trường đầu tư; đặc biệt khi dịch bệnh bùng phát, tỉnh đã nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn, tín dụng, tài chính, thuế, phí, thương mại, thanh toán điện tử, thủ tục hành chính... tạo những điểm tựa vững chắc để nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo các cấp, các ngành không chủ quan, chỉ nhìn vào những mặt tốt, mà luôn thẳng thắn nhìn nhận cả những mặt hạn chế trong thu hút đầu tư để từ đó đưa ra những giải pháp và định hướng thu hút đầu tư sao cho hiệu quả, phát triển bền vững, lâu dài và phát huy tối đa được những lợi thế của tỉnh. |
Trong cuộc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản mới đây, nhiều doanh nghiệp đánh giá rất cao tính cầu thị của Hải Dương. Còn 3 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ 2020-2025 của khoá XVII Đảng bộ tỉnh Hải Dương, tinh thần này sẽ được thể hiện thế nào, thưa ông? - Tỉnh Hải Dương xác định rõ chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021-2050 là "tăng trưởng xanh, chuyển đổi số", với mục tiêu phấn đấu tới năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại. Để đạt được khát vọng đó, thấm nhuần tinh thần phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; Hải Dương đã xác định ngoại lực là nguồn lực quan trọng, góp phần khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững; trong đó, thu hút đầu tư FDI được coi là đòn bẩy để Hải Dương đạt được mục tiêu đề ra. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh cùng các cấp chính quyền, địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như cung cấp những thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật nhằm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Từ đó phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, đáp ứng nhu cầu bức thiết của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, tạo động lực để phát triển kinh tế- xã hội. Sau thành công của cuộc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, tôi tin tưởng rằng sắp tới sẽ có nhiều nhà đầu tư với các dự án có mức đầu tư lớn được triển khai và đi vào hoạt động tại tỉnh. Phát huy hiệu quả đó, đầu tháng 7 tới, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị gặp gỡ các doanh nhân Hàn Quốc và tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư vào các thị trường tiềm năng như Mỹ, Italia… nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến các tập đoàn, doanh nghiệp để thu hút đầu tư vào tỉnh. |
- Câu cuối cùng xin hỏi ông, điều ông mong chờ nhất cũng như điều ông e ngại nhất khi nghe nhà đầu tư nước ngoài đến Hải Dương bộc bạch là gì? - Hiện nay và trong tương lai, Hải Dương hiện có nhiều dư địa về hạ tầng để sẵn sàng thu hút vốn FDI. Tính đến hết năm 2021, tỉnh Hải Dương có 11 khu công nghiệp (KCN), 33 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 84%, hiện đang khẩn trương hoàn thiện hạ tầng 5 KCN và mở rộng 1 KCN với hơn 1.200 ha sẵn sàng đón các nhà đầu tư FDI ngay trong năm 2022. Tỉnh đang tiếp tục quy hoạch phát triển 25 KCN, 52 cụm công nghiệp cho giai đoạn 2021 - 2030; Đặc biệt, tỉnh đã quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực kết nối thuận lợi với thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng, trong đó chỉ cách Hà Nội 25 phút đường ô tô cao tốc với tổng diện tích trên 10.000 ha và đề nghị Chính phủ cho phép thành lập 1 khu kinh tế chuyên biệt. Có thể nói, Hải Dương đã sẵn sàng dư địa về hạ tầng để thu hút vốn FDI. Bên cạnh đó, nguồn cung lao động, giá thuê mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính là yếu tố tích cực để mời gọi các nhà đầu tư. Với phương châm “chính quyền tỉnh Hải Dương luôn đồng hành với doanh nghiệp”, nhiều năm nay, Hải Dương là tỉnh đi đầu cả nước trong việc bảo đảm hạ tầng tốt nhất để cạnh tranh với các tỉnh, thành phố lân cận. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ về pháp lý, giải quyết nhanh gọn các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, quản trị lao động; hỗ trợ người nước ngoài nhằm tăng thêm các điều kiện hấp dẫn, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh, lãnh đạo tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, chỉ đạo tháo gỡ, kiến nghị với các bộ, ngành trung ương giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, tỉnh vẫn bảo đảm duy trì sản xuất cho doanh nghiệp. Tôi cho rằng, đó chính là những “nét riêng” để cho mỗi nhà đầu tư đến với Hải Dương không những yêu mến, mà còn là “sứ giả” lan tỏa, quảng bá hình ảnh của Hải Dương ra bên ngoài. Tỉnh luôn trân trọng sự tin cậy, đồng hành và gắn bó của các nhà đầu tư nước ngoài, luôn mong muốn “thu hút” các nhà đầu tư đến với tỉnh nhưng đồng thời cũng e ngại nhất là việc không “giữ chân” được doanh nghiệp gắn bó lâu dài với tỉnh. Tuy thời gian qua tỉnh đã có bước đột phá về cải thiện môi trường, thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh song trên thực tế, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế tỉnh đang có. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để thời gian tới, Hải Dương sẽ khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đầu tư nhất là các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường đối với các dự án; các hoạt động xúc tiến đầu tư để giữ chân các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư lớn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và đưa tỉnh Hải Dương ngày càng phát triển. Trân trọng cảm ơn ông! |
Bài: Lê Sơn Đồ họa: Tào Đạt
|