Thư tịch cổ Trung Hoa khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam

10:04 | 21/10/2019

Các thư tịch cổ của Trung Hoa chưa từng thừa nhận quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của nước này, đồng thời trực tiếp và gián tiếp khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.    
CNN lên án Trung Quốc, dẫn nhiều bằng chứng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam Tổ chức Triển lãm bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” Tình yêu Hoàng Sa, Trường Sa của cụ ông 84 tuổi ở Khánh Hòa

Theo PGS.TS Trương Minh Dục cho biết trong cuốn “Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", các sách lịch sử và địa lý của Trung Quốc từ thời nhà Tần tới khi nước CHDCND Trung Hoa ra đời (1949) không đề cập đến hai quần đảo này.

Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Hoa do chính người Trung Hoa ghi lại trong lịch sử đã trực tiếp và gián tiếp khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cụ thể, sau khi thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng tiến hành xâm lược Văn Lang – Âu Lạc năm 214 TCN và thất bại. Tuy nhiên quân Tần chỉ gây chiến ở khu vực phía Bắc Sông Hồng do đó chúng không thể vượt Biển Đông để đến Hoàng Sa, Trường Sa.

Sau khi xâm lược thành công nước Âu Lạc, bên cạnh quận Giao Chỉ và Cửu Chân được nhà Triệu lập năm 179, nhà Hán lập ra quận Nhật Nam (bắt đầu từ Hoành Sơn – Quảng Bình đến Quảng Nam, Bình Định ngày nay). Tuy năm giữ chủ quyền trên đất liền nhưng nhà Hán không có thế lực gì trên khu vực biển dưới 20 độ vĩ Bắc.

thu tich co trung hoa khang dinh hoang sa truong sa thuoc chu quyen cua viet nam

Bản đồ Đại Minh hỗn nhất đồ thể hiện rõ lãnh thổ phía nam Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam. Ảnh chụp màn hình SCMP.

Từ năm 40 SCN, nhân dân Giao Chỉ dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và giành độc lập vào năm 43 SCN.

Nước Chiêm Thành (do nhân dân Nhật Nam khởi nghĩa và giành thắng lợi) là quốc gia phát triển hùng mạnh trên khu vực Biển Đông. Hoàng Sa và Trường Sa là địa bàn sinh sống của người Chăm, đồng thời cũng là chủ sở hữu của hai quần đảo này.

Do đó, khi lãnh thổ của đất nước Chămpa sáp nhập vào nước Việt thì đồng nghĩa là người Việt đã thừa kế lại quyền chiếm hữu của người Chăm đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Sách “Tư di lộ trình” của Giã Đam (nhà Đường, từ 785-805) ghi lại đường biển từ Quảng Châu đến Một Lai, tuy nhiên không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ở triều nhà Minh, trong cuốn “Vũ bị chí” - Mao Nguyên Nghi, Biển Đông được gọi là Giao Chỉ Dương. Trên các bản đồ Trịnh Hòa hạ Tây Dương, Trịnh Hòa hàng hải đồ cũng không thấy ghi chép các danh xưng Hoàng Sa, Trường Sa trong các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa sau 7 lần đi qua Biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương.

Thời Nam Tống, cuốn “Lĩnh ngoại đại đáp” – Châu Khứ Phi xác nhận: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc lại Giao Chỉ Dương” (- biển của nước Giao Chỉ).

“Chư Phiên Đồ” thời Tống cũng xác định giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc với các nước khác ở Giao Dương (tức Giao Chỉ Dương).

Giao Chỉ Dương chính là khu vực Vịnh Bắc Bộ ngày nay, trong khi đó Hoàng Sa và Trường Sa còn cách xa hàng trăm dặm về phía Nam.

Thế kỷ XII, sử gia Triệu Nhữ Quát đời Tống trong cuốn “Chư phiên chí” xác nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán. Theo đó, năm 111 TCN, Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và đặt ra hai quân Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam).

Sách này cũng cho biết vùng quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lý Trường Sa) là nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Quốc không nên đến gần. Nhan đề sách là Chư phiên chí, nghĩa là chép chuyện các phiên quốc, nước ngoài. Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, nghĩa là không thuộc về Trung Hoa mà thuộc về phiên quốc Nam Việt. Như vậy, biên giới trên Biển Đông của Trung Hoa vào đời nhà Hán chỉ tới đảo Hải Nam.

Đời nhà Thanh, trong cuốn “Hải ngoại ký sự” viết năm 1696, Thích Đại Sán - một nhà sư thời Khang Hy đến đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn năm Ất Hợi (1695) mô tả vị trí Vạn Lý Trường Sa là “cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Thời Quốc vương trước, hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tấp vào bờ”.

thu tich co trung hoa khang dinh hoang sa truong sa thuoc chu quyen cua viet nam
Một trang trong cuốn Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán thuật lại chuyến du hành tới Đàng Trong, thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Đại Việt.

Đây là sự ghi nhận chủ quyền của Đại Việt trong kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông, nơi tọa lạc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bởi lẽ, Hải ngoại ký sự là do người Trung Quốc viết về những điều được biết đến ở nước ngoài, chứ không phải viết về Trung Quốc.

Thế kỷ XVIII, trong cuốn “Hải quốc văn kiến lục” – Trần Luân Quýnh, vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông dược ghi bằng các danh xưng Việt Hải và Việt Dương.

Đến thế kỷ XIX, trong bộ Hải quốc đồ ký, cuốn Hải lục của Vương Bỉnh Nam chép: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Như vậy, tư liệu này của Trung Quốc đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam.

Trong bộ sách địa lý “Đại Thanh nhất thống chí” do Quốc sử quán nhà Thanh biên soạn năm 1892, lời tựa của Hoàng đế Thanh Tuyên Tôn không có chỗ nào ghi Thiên Lý Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa).

Như vậy, qua các tài liệu lịch sử cổ của Trung Quốc đã trực tiếp và gián tiếp cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) đã được người Việt Nam phát hiện, sử dụng trong nhiều thế kỷ một cách hòa bình và liên tục, không có sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào kể cả Trung Quốc.

Trung Quốc có truyền thống lâu đời về sử học và địa đồ, tuy nhiên các bản đồ hành chính cổ của nước này không hề xuất hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bức địa đồ “Cửu vực thú lệnh đồ” (đời Tống), các cuốn địa đồ như “Thiên hạ thống nhất chi đồ” (Đại Minh Nhất thống chí – 1461), “Quảng Dư đồ” (La Hồng Tiên 1541)… được thực hiện theo chủ trương của chính quyền trung ương các đời đều khẳng định cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.

Trong “Dư địa đồ” đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quảng dư đồ của La Hồng Tiên thực hiện năm 1561, phần cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam.

Bản đồ “Hoàng Thanh Nhất thống chí” của triều nhà Thanh ấn hành 1894 cho thấy đến cuối thế kỉ XIX, “lãnh thổ Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Bản đồ “Đại Thanh Đế quốc” do triều đình nhà Thanh ban hành cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (kể cả theo các cách gọi của Trung Quốc như: Tây Sa, Nam Sa, Vĩnh Lạc, Tuyên Đức…)

Bộ “Đại Thanh nhất thống toàn đồ” đang được lưu trữ tại Thư viện quốc gia Oxtralia là tập bản đồ gồm 21 phần thể hiện đầy đủ nhất toàn cảnh và các địa phương của Trung Quốc thời cận đại.

Trong đó, phần Quảng Đông toàn đồ và Thanh sử cảo không hề thể hiện trên bản đồ hay dòng chữ nào mô tả về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hai bức “Duyên hải thất tỉnh khẩu ngạn hiểm yếu đồ” (các nơi hiểm yếu ở 7 tỉnh ven biển) niên đại năm 1887 và “Thất tỉnh duyên hải toàn dương đồ” (toàn bộ vùng biển của 7 tỉnh duyên hải) xuất bản đời vua Quang Tự cho thấy, vùng biển Nam Trung Quốc không vượt quá 18 độ vĩ Bắc.

Địa đồ quân sự “Quảng Đông thủy sư doanh quan binh trú phòng đồ” (các đồn biên phòng của thủy quân Quảng Đông) niên đại sau năm 1866 thể hiện chi tiết về núi sông, đảo dư… ghi rõ các nơi giáp với vùng biển Giao Chỉ.

Các chi tiết này cho thấy không có nhóm đảo hay hòn đảo nào tương ứng với Tây Sa và Nam Sa.

Như vậy, trong các thư tịch cổ Trung Hoa, bao gồm cả các sách địa lý, lịch sử và địa đồ hành chính cổ đều khẳng định trực tiếp và gián tiếp chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đông Phong

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/thu-tich-co-trung-hoa-khang-dinh-hoang-sa-truong-sa-thuoc-chu-quyen-cua-viet-nam-89286.html

In bài viết