11:39 | 08/07/2025
Theo hãng tin Reuters (Anh), các thư nêu rõ nếu bất kỳ quốc gia nào tăng thuế quan để đáp trả, Mỹ sẽ áp thêm thuế tương ứng.
“Nếu vì bất kỳ lý do gì, các ông quyết định tăng thuế quan, thì bất kể mức tăng bao nhiêu, chúng tôi sẽ cộng thêm vào mức 25% mà chúng tôi áp dụng”, Tổng thống Trump viết trong thư gửi Nhật Bản và Hàn Quốc.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: EPA) |
Các mức thuế quan mới được ông Trump được công bố như sau: 25%: Nhật Bản, Hàn Quốc, Tunisia, Malaysia, Kazakhstan 30%: Nam Phi, Bosnia & Herzegovina 32%: Indonesia 35%: Serbia, Bangladesh 36%: Thái Lan, Campuchia 40%: Lào, Myanmar |
Mức thuế mới không cộng dồn với các thuế ngành đã công bố trước đây. Ví dụ: thuế 25% đối với ô tô Nhật Bản sẽ giữ nguyên, thay vì bị nâng lên 50%.
Cùng ngày, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp gia hạn thời hạn đàm phán thêm 3 tuần, từ ngày 10/7 đến hết ngày 31/7, trước khi chính thức áp dụng mức thuế cao vào 01/8.
Động thái của Tổng thống Trump lập tức tạo ra biến động mạnh trên thị trường tài chính. Chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm 0,8% - mức giảm lớn nhất trong ba tuần. Cổ phiếu của Toyota giảm 4%, Honda giảm 3,9%. Đồng USD tăng giá so với yen Nhật và won Hàn Quốc.
“Cuộc nói chuyện về thuế quan đã hút hết sinh khí của thị trường”, Reuters dẫn lời ông Brian Jacobsen, Kinh tế trưởng tại Annex Wealth Management, nhận định. Ông cho biết các lá thư của Trump là một thông điệp rõ ràng: “Chấp nhận hoặc rút lui”.
Bà Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á, bình luận: “Thật không may khi Tổng thống Trump tăng thuế với hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trò chơi đã kết thúc - vẫn còn thời gian để đạt được đột phá trong đàm phán”.
![]() |
Người tiêu dùng lựa chọn nồi cơm điện nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc tại siêu thị H Mart ở Niles, bang Illinois, Mỹ, ngày 03/4/2025. (Ảnh: AP) |
Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), Hàn Quốc tuyên bố sẽ tăng tốc đàm phán với Mỹ nhằm giảm thiểu tác động. Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa trong thời gian còn lại để đạt kết quả có lợi cho cả hai bên và nhanh chóng giải quyết những bất ổn do thuế quan gây ra”.
Chính phủ Hàn Quốc cũng cam kết giải quyết lo ngại của Mỹ về thâm hụt thương mại, đồng thời thúc đẩy các quan hệ đối tác sản xuất chiến lược. Bộ trưởng Thương mại Yeo Han-koo đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và Cố vấn An ninh Quốc gia Wi Sung-lac dự kiến sẽ đến Washington trong tuần. Theo Yonhap, tiến độ đàm phán giữa hai nước bị ảnh hưởng phần lớn là do quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống ở Seoul, sau khi cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol bị phế truất vào tháng 4 vì lệnh thiết quân luật.
Trong khi đó, theo Đài NHK (Nhật Bản), Nhật Bản đã triệu tập cuộc họp đặc biệt của Lực lượng đặc nhiệm kinh tế, do Thủ tướng Ishiba Shigeru chủ trì. Một quan chức cấp cao chính phủ cho biết, Tokyo xem động thái của Mỹ là cơ hội đàm phán, đồng thời hy vọng đạt thỏa thuận trọn gói, bao gồm thuế ô tô.
Nam Phi phản đối quyết liệt mức thuế 30%, cho rằng 77% hàng hóa Mỹ vào Nam Phi hiện được miễn thuế. Người phát ngôn của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết chính phủ của ông sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ.
Theo Reuters, Liên minh châu Âu (EU) không nằm trong danh sách nhận thư áp thuế lần này. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu xác nhận Chủ tịch Ursula von der Leyen đã có cuộc trao đổi tích cực với ông Trump và EU vẫn hy vọng đạt được thỏa thuận thương mại trước ngày 10/7.
Tổng thống Trump cũng cảnh báo nhóm BRICS rằng nếu theo đuổi chính sách "chống Mỹ", họ sẽ phải đối mặt với thuế bổ sung 10%.
Phan Anh