16:16 | 27/05/2025
Bước sang tuổi 80, cụ Cil K’Pop, người dân thôn 2, xã Đạ Long, vẫn miệt mài ngồi bên khung dệt. Dù tuổi cao, cụ vẫn kiên trì truyền nghề cho con cháu và phụ nữ trong làng với mong muốn “ngọn lửa nghề” sẽ không tắt.
![]() |
Cụ Cil K’Pop, người “giữ lửa” nghề dệt thổ cẩm làng K’Tung. (Ảnh: Phạm Hưng) |
Trong căn nhà đơn sơ của cụ vào một sáng cuối tháng 5, khoảng chục cuộn chỉ nhiều màu được xếp gọn bên hiên. Đôi bàn tay gầy guộc nhưng thuần thục của cụ cứ thế đan xen, móc nối từng sợi chỉ. Chỉ sau khoảng 20 phút, những sợi chỉ rời rạc đã trở thành một bảng màu sống động, óng ánh như cầu vồng. Cụ vừa dệt, vừa trò chuyện với con gái về kỹ thuật tạo hoa văn – thứ linh hồn làm nên vẻ đẹp riêng có của thổ cẩm K’Tung.
Ngồi bên mẹ, chị Cil K’Phang (44 tuổi), con gái cụ K’Pop, thao tác nhanh nhẹn, thuần thục bên khung dệt. Với khoảng 10 thanh gỗ được căng cố định, mỗi động tác dệt đòi hỏi sự mạnh mẽ, dứt khoát để tạo độ chắc cho vải, nhưng đồng thời phải khéo léo khi luồn chỉ, phối màu tạo hoa văn – những họa tiết mà người dân gọi là “tía”. Những đường tía zíc zắc, liên kết với nhau không chỉ phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày mà còn là biểu tượng của tinh thần gắn kết cộng đồng. Đặc biệt, nét đặc trưng trong hoa văn và cách phối màu của người Cơ Ho – Chil nơi đây vẫn giữ được sự thuần khiết, không bị lai tạp.
Nói về nghề dệt thổ cẩm, cụ K’Pop hào hứng kể: "Tôi học dệt từ khi mới 11-12 tuổi, vừa tự mày mò, vừa được mẹ và bà chỉ dạy tỉ mỉ. Gắn bó với khung dệt hơn 70 năm, ban đầu chỉ để dệt cho gia đình. Sau này, khi phụ nữ trong làng có nhu cầu, tôi bắt đầu truyền nghề cho bà con. Dù vất vả, nhưng tôi vẫn dạy con gái và luôn nhắc nhở: phải giữ lấy nghề".
Không chỉ có con gái, thế hệ cháu của cụ K’Pop cũng đang tiếp bước. Cô cháu gái – con gái thứ tư của chị K’Phang – hiện đã thành thạo những kỹ thuật dệt cơ bản, có thể tự tay dệt nên những tấm vải tuy chưa phức tạp về họa tiết nhưng đã đủ làm ấm lòng người thợ già gìn giữ nghề.
Nghề dệt thổ cẩm ở buôn K’Tung từng phát triển mạnh với nhiều sản phẩm đa dạng như áo, váy, khố, tấm treo tường, túi đeo, khăn choàng, khăn trải bàn… Tuy nhiên, hiện nay đây không còn là nghề chính. Phụ nữ trong làng chỉ tranh thủ dệt vào lúc nông nhàn, sau các mùa thu hoạch cà phê, điều, sầu riêng.
Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, sản phẩm chủ yếu chỉ phục vụ cho nhu cầu gia đình, khiến nghề đứng trước nguy cơ mai một.
![]() |
Chị Cil K’Phang luồn thoi dệt thổ cẩm. (Ảnh: Phạm Hưng) |
Nhằm thay đổi thực trạng này, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đạ Long đã triển khai mô hình hợp tác xã "Dệt thổ cẩm". Theo đại diện Hội, mô hình không chỉ góp phần khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ Ho – Chil, mà còn mở ra hướng tăng thu nhập cho phụ nữ, từng bước tạo sinh kế bền vững. Khi tuyến đường 722 từ Lạc Dương xuống Đam Rông hoàn thiện, mô hình này kỳ vọng sẽ kết nối với du lịch cộng đồng, đưa sản phẩm thổ cẩm đến với du khách trong và ngoài nước.
Trao đổi với Tạp chí Thời đại, ông Liêng Hót Ha Sép, Phó Chủ tịch xã Đạ Long cho biết: UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm buôn K’Tung, thôn 2, xã Đạ Long đạt tiêu chí Làng nghề truyền thống. Điều này không chỉ mang ý nghĩa tinh thần mà còn tạo cơ sở pháp lý để làng được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Cũng theo ông Liêng Hót Ha Sép, hiện Đạ Long chưa có lớp học tập trung, bài bản để truyền nghề dệt thổ cẩm. Sản xuất vẫn manh mún, thu nhập từ nghề chưa cao. Để hồi sinh làng nghề cần thời gian, nhưng điều đáng quý là người dân và chính quyền cùng chung lòng, chung sức. Nghề dệt không chỉ là sinh kế, mà còn là di sản văn hóa cần gìn giữ.
Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Đạ Long không chỉ mang lại thu nhập cho đồng bào dân tộc trong thời gian nông nhàn, mà còn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đang có nguy cơ bị lãng quên. Đó là trăn trở của các nghệ nhân như cụ K’Pop, là nỗ lực của chính quyền và cộng đồng, là mong mỏi của những người làm công tác bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số.
Giữ lấy nghề – cũng là giữ lấy hồn làng.
Phạm Hưng