Rào cản kỹ thuật từ những con ốc nhỏ xíu trong tham vọng đưa iPhone về Mỹ

16:21 | 25/05/2025

Nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ đang vấp phải nhiều thách thức pháp lý và kinh tế. Một trong những khó khăn tưởng chừng nhỏ nhất lại là vấn đề tự động hóa trong việc lắp ráp những con ốc nhỏ xíu - chi tiết được giới chuyên gia nhận định là mang tính biểu tượng cho hàng loạt rào cản kỹ thuật hiện nay.
Thuế quan thời Trump: Châm ngòi xu hướng “phi Mỹ hóa”?
Thuế quan Mỹ - Trung hạ nhiệt: Thị trường phản ứng tích cực, giới chuyên gia vẫn thận trọng

Theo hãng tin Reuters (Anh), ngày 23/5, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% đối với bất kỳ chiếc iPhone nào được bán tại Mỹ nhưng không sản xuất trong nước. Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy việc làm nội địa - trọng tâm trong chính sách công nghiệp của ông. Ông Trump cho biết mức thuế tương tự cũng sẽ áp dụng với Samsung và các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác, với mục tiêu triển khai vào cuối tháng 6.

"Nếu không thì sẽ không công bằng", ông nói với báo giới. "Tôi đã có thỏa thuận với (Giám đốc điều hành Apple) Tim Cook rằng ông ấy sẽ không làm điều này. Ông ấy nói sẽ xây dựng nhà máy ở Ấn Độ. Tôi nói việc đến Ấn Độ là ổn, nhưng nếu muốn bán hàng vào đây thì phải chịu thuế".

Một cửa hàng của Apple tại Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Một cửa hàng của Apple tại Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, trong cuộc phỏng vấn với Đài CBS (Mỹ) tháng trước, cho rằng công việc của "hàng triệu con người đang vặn những con ốc nhỏ xíu để sản xuất iPhone" có thể được tự động hóa và chuyển về Mỹ, tạo cơ hội việc làm cho các lao động kỹ thuật như thợ cơ khí, thợ điện. Tuy nhiên, trả lời Đài CNBC (Mỹ), ông Lutnick dẫn lời CEO Tim Cook cho rằng hiện chưa có công nghệ đủ tiên tiến để tự động hóa khâu lắp ráp với độ chính xác cao như yêu cầu.

"Ông ấy nói cần có cánh tay robot có khả năng thao tác chính xác trên quy mô lớn. Và khi công nghệ đó khả thi, Apple sẽ đưa sản xuất về Mỹ", Lutnick cho biết.

Về mặt pháp lý, các chuyên gia nhận định chính quyền Trump có thể viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) - công cụ từng được dùng để áp thuế hàng loạt lên hàng nhập khẩu - nhằm tạo cơ sở áp thuế đối với các sản phẩm không sản xuất tại Mỹ.

Bà Sally Stewart Laing, luật sư tại hãng Akin Gump (Washington), nói với Reuters: "Không có cơ sở pháp lý rõ ràng để áp thuế riêng lẻ đối với từng công ty. Tuy nhiên, chính quyền có thể cố gắng đưa điều đó vào phạm vi thẩm quyền khẩn cấp của IEEPA".

Tuy vậy, bà Laing cũng lưu ý rằng việc nhắm mục tiêu thuế quan cụ thể vào một doanh nghiệp sẽ đòi hỏi quá trình điều tra kéo dài và phức tạp.

Ông Tim Meyer, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Duke, phân tích: "Theo quan điểm của chính quyền, chỉ cần Tổng thống thực hiện nghi thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp thì tòa án có thể không có thẩm quyền can thiệp". Hiện Tòa án Thương mại Quốc tế tại Manhattan đang xem xét một vụ kiện liên quan đến các mức thuế trước đây của ông Trump, qua đó có thể tạo tiền lệ cho việc áp thuế iPhone.

Nếu thắng kiện, "Tổng thống sẽ không gặp khó khăn trong việc đưa ra lý do khẩn cấp - như thâm hụt thương mại - để áp thuế đối với iPhone", giáo sư Meyer nhận định.

Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Dan Ives (Wedbush), việc chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ có thể mất tới một thập kỷ và khiến giá thành mỗi chiếc iPhone tăng lên tới 3.500 USD, trong khi hiện tại phiên bản cao cấp nhất có giá khoảng 1.200 USD.

"Chúng tôi tin rằng ý tưởng Apple sản xuất iPhone tại Mỹ là một câu chuyện cổ tích không khả thi", Ives nhận xét trong một báo cáo nghiên cứu.

Brett House, giáo sư kinh tế tại Đại học Columbia, cũng cảnh báo rằng ngay cả khi không đi xa đến mức đó, việc áp thuế cũng sẽ gây rối loạn chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí sản xuất, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ.

"Tất cả những điều này đều không có lợi cho người tiêu dùng Mỹ", ông nhấn mạnh.

Chính sách thuế quan của Mỹ: đòn bẩy khiến EU và Trung Quốc xích lại gần nhau? Chính sách thuế quan của Mỹ: đòn bẩy khiến EU và Trung Quốc xích lại gần nhau?
Trung Quốc trước áp lực thuế quan: Thách thức hay cú hích tự cường? Trung Quốc trước áp lực thuế quan: Thách thức hay cú hích tự cường?

Phan Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/rao-can-ky-thuat-tu-nhung-con-oc-nho-xiu-trong-tham-vong-dua-iphone-ve-my-213767.html

In bài viết