15:35 | 08/05/2025
![]() Được thành lập năm 2013, sau 10 năm đi vào hoạt động với sự nỗ lực vượt khó của cấp ủy, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc huyện nghèo, biên giới Nậm Pồ (Điện Biên) đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. |
![]() Những năm qua, huyện nghèo biên giới Nậm Pồ đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từng bước thực hiện lộ trình xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. |
Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được triển khai đồng bộ tại tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Nậm Pồ. Các trường học đã cụ thể hóa phong trào thành năm nội dung thiết thực: xây dựng trường, lớp xanh – sạch – đẹp, an toàn; đổi mới phương pháp giảng dạy; rèn kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh; và giáo dục truyền thống thông qua việc tìm hiểu, chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng tại địa phương.
![]() |
Trường sạch đẹp đã tạo cảm hứng cho các em học sinh thêm yêu trường lớp |
Theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, năm học 2024 – 2025, toàn huyện có 45 đơn vị trường học với trên 820 lớp học, hơn 22.400 học sinh. Phong trào được gắn kết với xây dựng trường chuẩn quốc gia, công tác xã hội hóa giáo dục và các mục tiêu giáo dục toàn diện. Mỗi đơn vị trường học đều tích cực xây dựng khuôn viên xanh – sạch – đẹp, bố trí bàn ghế phù hợp với lứa tuổi và chú trọng công tác chăm sóc cây xanh tạo bóng mát trong sân trường.
Đội ngũ giáo viên chủ động đổi mới phương pháp dạy học, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh. Các thầy cô không chỉ chú trọng chuyên môn mà còn gần gũi, lắng nghe ý kiến học sinh và phụ huynh để điều chỉnh cách dạy, tăng cường tương tác và tạo dựng môi trường học tập thân thiện. Ngoài giờ lên lớp, giáo viên còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích giúp học sinh phát triển kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm và học tập tích cực.
![]() |
Thông qua phong trào là động lực để các trường trên địa bàn huyện xây dựng trường chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục |
Các trường học trên địa bàn cũng đẩy mạnh giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thói quen học tập, vui chơi khoa học. Học sinh được học về quyền trẻ em, bình đẳng giới, trách nhiệm công dân và các kỹ năng ứng phó với các tình huống bất ngờ, căng thẳng. Nội dung giáo dục an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục sức khỏe, thể chất, giới tính được lồng ghép phù hợp theo từng cấp học. Đồng thời, các trò chơi dân gian cũng được đưa vào sinh hoạt tập thể, góp phần tạo ra những giờ vui chơi bổ ích, giúp học sinh thêm gắn bó với trường lớp.
![]() |
Trường học thân thiện đã và đang mang lại những diện mạo mới cho giáo dục vùng khó biên giới Nậm Pồ |
Đặc biệt, công tác tổ chức đời sống và chăm sóc học sinh bán trú tại các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) được chú trọng. Các trường quản lý tốt việc ăn, ở, sinh hoạt của học sinh, đảm bảo vệ sinh cá nhân, khu nội trú và thực hiện nề nếp nội trú một cách nền nếp, khoa học. Học sinh được hướng dẫn sinh hoạt hợp lý và tham gia các hoạt động tập thể để rèn luyện tính tự lập, tinh thần tập thể.
![]() |
Mỗi tiết học là một trải nghiệm hay với cô và trò |
Nhờ việc triển khai hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Nậm Pồ từng bước được nâng cao. Số trường đạt chuẩn quốc gia tăng dần qua từng năm học. Phong trào không chỉ tạo dựng môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng mà còn góp phần duy trì sĩ số học sinh, giúp các em thêm yêu trường, yêu lớp và hứng thú học tập. “Học tập, rèn luyện trong môi trường thân thiện, học sinh được bồi đắp thêm tình cảm, đạo đức và kỹ năng sống – để mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, ông Ngô Xuân Chiến nhấn mạnh./.
![]() Mặc dù, còn nhiều khó khăn, vất vả và thiếu thốn nhưng với tinh thần yêu nghề, mến trẻ các thầy cô giáo nơi đây vẫn miệt mài, cần mẫn mang con chữ cho con em đồng bào dân tộc. |
![]() Bên cạnh việc nâng cao chất lượng từng bữa ăn trong hệ thống trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ (Điện Biên) còn triển khai bữa sáng có sữa cho các học sinh bậc tiểu học, với mong muốn các em phát triển toàn diện cả Trí – Thể - Mỹ. |
Duy Linh