Doanh nghiệp Việt muốn "thâm nhập" thị trường Mỹ Latinh

19:40 | 25/04/2025

Mong muốn kết nối, xúc tiến thương mại và giải quyết các khó khăn khi tiếp cận thị trường Mỹ Latinh là những nguyện vọng nổi bật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam nêu lên bên lề hội thảo quốc tế "50 năm quan hệ Việt Nam - Mexico: Thực trạng và Triển vọng" vừa diễn ra tại Hà Nội.
Sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Mexico
Việt Nam - Mexico: Củng cố nền tảng hữu nghị, thúc đẩy hợp tác thực chất hơn

Bà Trần Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ OCOP Center:

Tiếp sức để sản phẩm OCOP vươn xa

OCOP Center phân phối hơn 500 mặt hàng OCOP từ hơn 100 nhà sản xuất trong nước, với tiêu chí chọn lọc chặt chẽ: sản phẩm đậm bản sắc văn hóa vùng miền, đạt chứng nhận uy tín, có tiềm năng xuất khẩu và được người tiêu dùng đón nhận. Mỗi sản phẩm là một câu chuyện, là linh hồn của người sản xuất.

Các mặt hàng nông sản OCOP Center giới thiệu tại Hội thảo. (Ảnh: Báo Công thương)
Các mặt hàng nông sản OCOP Center giới thiệu tại Hội thảo. (Ảnh: Báo Công thương)

Mặc dù đã thành công xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, và Trung Đông nhưng việc đưa nông sản Việt ra thế giới vẫn gặp không ít thách thức. Cụ thể, thiếu thông tin về nhu cầu và tiêu chuẩn của khách hàng quốc tế, doanh nghiệp thường sản xuất theo thói quen, dẫn đến việc không kịp điều chỉnh sản phẩm khi có đơn hàng. Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý và thời gian vận chuyển dài đến các thị trường như Mỹ Latinh làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nếu bao bì và kỹ thuật bảo quản không đạt chuẩn quốc tế.

Chúng tôi hy vọng các cơ quan quản lý có cơ chế hỗ trợ thiết thực, đặc biệt về bao bì và bảo quản, để sản phẩm có thể giữ nguyên chất lượng khi đến tay đối tác quốc tế. Các hội thảo như thế này là cơ hội quý báu để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu của thị trường, từ đó điều chỉnh sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, sự cam kết hỗ trợ từ nhà nước và các cơ quan liên quan sẽ là yếu tố quyết định giúp việc xuất khẩu diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Bà Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ (xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai):

Người Dao Đỏ muốn xuất khẩu sản phẩm bảo vệ sức khỏe

Bà Tẩn Tả Mẩy và các sản phẩm nước tắm Dao Đỏ. (Ảnh: NVCC)
Bà Tẩn Tả Mẩy và các sản phẩm làm từ dược liệu dân tộc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hợp tác xã cung cấp các dòng sản phẩm chính như nước tắm người Dao Đỏ, muối ngâm chân, nước tắm cho phụ nữ sau sinh, nước tắm Dao Đỏ trẻ em... với công dụng hỗ trợ sức khỏe, đặc biệt về xương khớp, gân cốt. Quy trình chế biến vẫn giữ nguyên phương pháp truyền thống: lá được hái từ rừng, rửa sạch, cắt nhỏ và đun nấu cẩn thận. Sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước với hệ thống 12 đại lý chính thức.

Hợp tác xã đã tận dụng nền tảng số để giới thiệu quá trình thu hái và chế biến qua video, chuẩn bị cho hướng đi thương mại điện tử trong tương lai gần. Với xu hướng mua sắm online ngày càng phổ biến, chúng tôi mong muốn mở rộng thị trường để người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể tiếp cận sản phẩm truyền thống này dễ dàng hơn.

Chúng tôi hy vọng thông qua các hội thảo quốc tế, sản phẩm thuốc tắm Dao Đỏ sẽ được kết nối với các đối tác nước ngoài, mở ra cánh cửa xuất khẩu cho những giá trị y học cổ truyền của cộng đồng dân tộc thiểu số.

Gian hàng của Ecosoi tại Hội thảo
Gian hàng của Ecosoi bên lề Hội thảo. (Ảnh: Thành Luân)

Bà Bùi Thị Phương Anh, Giám đốc Marketing tại Ecosoi:

Ecosoi muốn tìm đối tác tại thị trường Mỹ Latinh

Ecosoi là công ty sản xuất sợi từ lá dứa - phụ phẩm nông nghiệp có thể tái chế. Các sản phẩm của công ty đã có mặt tại nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh...

Ecosoi mong muốn tìm đối tác tại thị trường Mỹ Latinh, nơi chúng tôi chưa có nhiều thông tin và kinh nghiệm. Chúng tôi hy vọng có thể hiểu rõ hơn nhu cầu của thị trường để điều chỉnh sản phẩm phù hợp và mở rộng xuất khẩu sang khu vực này.

Ông Phạm Văn Hà, Giám đốc Công ty Mundo Asia Tours:

Tăng cường quảng bá để thu hút du khách Mỹ Latinh

Mundo Asia Tours chuyên tổ chức các tour du lịch từ các quốc gia Mỹ Latinh như Mexico, Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile tới các điểm đến ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Các tour chủ yếu theo hình thức nhóm, có hướng dẫn viên nói tiếng Tây Ban Nha và thường kết hợp hành trình giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á để tăng sức hấp dẫn.

Dù tiềm năng thị trường Mỹ Latinh rất lớn song chúng tôi gặp phải một số khó khăn: rào cản ngôn ngữ, văn hóa, thiếu chuyến bay kết nối và chính sách visa chưa thuận lợi. Để khắc phục, Mundo Asia đã tuyển dụng nhân sự bản địa, hợp tác với chuyên gia Nam Mỹ để đào tạo về ngôn ngữ và văn hóa, đồng thời mở rộng hợp tác với các văn phòng đại diện trong khu vực.

Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội kết nối thị trường và tăng cường quảng bá để du khách Mỹ Latinh có thể biết đến Việt Nam nhiều hơn. Chúng tôi hy vọng các cơ quan xúc tiến du lịch sẽ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá tại khu vực này để thúc đẩy giao lưu du lịch giữa hai bên.

Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Đình Thanh:

Đưa ẩm thực Việt đến với thực khách Mexico và quốc tế

Tôi hy vọng có thể giới thiệu ẩm thực Việt Nam như một nhịp cầu văn hóa, kết nối Việt Nam và Mexico thông qua trải nghiệm vị giác. Tôi muốn thực khách Mexico không chỉ nếm thử món Việt, mà còn cảm nhận được sự tinh tế, tâm huyết và triết lý sống của người Việt gửi gắm trong từng món ăn.

Nghệ nhân văn hóa nghệ thuật ẩm thực Nguyễn Đình Thanh
Nghệ nhân Nguyễn Đình Thanh bên những món ăn Việt do ông chuẩn bị tại sự kiện. (Ảnh: Thành Luân)

Ẩm thực Việt và Mexico có những khác biệt, nhưng cũng có điểm tương đồng như sự phong phú trong cách dùng gia vị và rau thơm. Đây là cơ sở để hai nền ẩm thực dễ dàng tìm thấy tiếng nói chung. Tuy nhiên, việc đưa món Việt ra quốc tế cũng đặt ra nhiều thách thức: giữ được "cốt hồn" ẩm thực Việt trong khi vẫn phải điều chỉnh cho phù hợp khẩu vị người nước ngoài. Tôi thường giảm độ cay, mặn, hoặc thay thế nguyên liệu khó tìm bằng nguyên liệu địa phương có hương vị tương đồng. Cách trình bày món ăn cũng được cải tiến cho hiện đại hơn nhưng vẫn giữ nét văn hóa truyền thống. Khó khăn lớn nhất là duy trì chất lượng nguyên liệu và kỹ thuật chế biến khi ở nước ngoài, đồng thời cần đào tạo đội ngũ đầu bếp có tay nghề, hiểu sâu bản sắc ẩm thực Việt.

Tôi mong muốn có thêm cơ hội giao lưu, quảng bá và hỗ trợ từ các cơ quan văn hóa - du lịch, giúp ẩm thực Việt vươn xa hơn. Ẩm thực Việt có đầy đủ lợi thế - tươi ngon, lành mạnh, giàu bản sắc - chỉ cần thêm cầu nối, thêm cơ hội là có thể chinh phục thực khách toàn cầu.

Đề xuất, hiến kế nhằm phát triển quan hệ Việt Nam - Brazil trong thời gian tới Đề xuất, hiến kế nhằm phát triển quan hệ Việt Nam - Brazil trong thời gian tới
Giải pháp kết nối Việt Nam - Brazil: khuyến nghị từ doanh nghiệp Giải pháp kết nối Việt Nam - Brazil: khuyến nghị từ doanh nghiệp

Thành Luân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/doanh-nghiep-viet-muon-tham-nhap-thi-truong-my-latinh-212971.html

In bài viết