10:23 | 24/04/2025
Ngày 24/4, Reuters (Anh) đưa tin: Ngày 23/4, Chính phủ Ấn Độ công bố hàng loạt biện pháp nhằm hạ cấp quan hệ với Pakistan, sau vụ tấn công khiến 26 người thiệt mạng tại Kashmir.
![]() |
Người thân đau buồn trong lễ tang nạn nhân vụ xả súng tại Kashmir, Ấn Độ. (Ảnh: AP) |
Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri tuyên bố nước này sẽ đình chỉ Hiệp ước sông Ấn năm 1960 cho đến khi Pakistan từ bỏ “một cách đáng tin cậy và không thể đảo ngược” việc hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới. Ấn Độ cũng đóng cửa cửa khẩu biên giới duy nhất, cấm toàn bộ công dân Pakistan nhập cảnh theo thị thực khu vực Nam Á. Đồng thời trục xuất các cố vấn quốc phòng của Pakistan tại New Delhi. Ấn Độ sẽ rút cố vấn quốc phòng và giảm một nửa số nhân viên tại phái bộ ngoại giao ở Islamabad.
Các biện pháp này được đưa ra sau cuộc họp an ninh cấp cao, trong đó Chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh sẽ “truy cứu đến cùng” các cá nhân và tổ chức chịu trách nhiệm vụ tấn công.
Một nhóm vũ trang ít được biết đến có tên "Kashmir Resistance" nhận trách nhiệm vụ xả súng, được cho là liên quan đến các tổ chức dân quân có trụ sở tại Pakistan như Lashkar-e-Taiba và Hizbul Mujahideen. Pakistan phủ nhận cáo buộc ủng hộ bạo lực quân sự ở Kashmir và cho biết họ chỉ hỗ trợ "về mặt đạo đức, chính trị và ngoại giao" cho cuộc nổi dậy tại đó. Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif sẽ triệu tập cuộc họp Ủy ban An ninh Quốc gia vào sáng 24/4 để thảo luận phản ứng chính thức.
Ngày 24/4, AP (Mỹ) đưa tin: Ngày 23/4, 12 bang của Mỹ đã đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump tại Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ ở New York, yêu cầu chấm dứt chính sách thuế quan mà họ cho là bất hợp pháp và gây hỗn loạn kinh tế.
Đơn kiện cho rằng Trump đã lạm dụng Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế để tùy ý áp thuế mà không có cơ sở hợp pháp. Các bang nguyên đơn gồm Oregon, Arizona, Colorado, Connecticut, Delaware, Illinois, Maine, Minnesota, Nevada, New Mexico, New York và Vermont.
Tổng chưởng lý Arizona Kris Mayes gọi chính sách thuế quan là “điên rồ”, còn Tổng chưởng lý Connecticut William Tong cho rằng nó “là một loại thuế lớn đối với các gia đình, thảm họa đối với doanh nghiệp và việc làm tại Connecticut”.
Đơn kiện nhấn mạnh chỉ Quốc hội mới có quyền áp thuế và đạo luật nêu trên chỉ được viện dẫn khi có “mối đe dọa bất thường và đặc biệt” từ nước ngoài. Đơn kiện cáo buộc ông Trump đã đảo lộn trật tự hiến pháp khi tự ý áp thuế đối với bất kỳ hàng hóa nào ông cho là cần thiết.
Tuần trước, Thống đốc California Gavin Newsom cũng kiện chính quyền Trump với lý do chính sách thuế quan có thể khiến tiểu bang mất hàng tỷ USD. Bộ Tư pháp Mỹ hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ kiện của 12 bang.
Ngày 24/4, Reuters (Anh) đưa tin: Ngày 23/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục bất đồng quan điểm về nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine, khi ông Trump chỉ trích Kyiv không công nhận Crimea thuộc Nga.
Tổng thống Zelensky khẳng định Ukraine không bao giờ từ bỏ Crimea - vùng lãnh thổ bị Nga sáp nhập năm 2014 - và viện dẫn Tuyên bố Crimea năm 2018 của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo để tái khẳng định lập trường. Đáp lại, ông Trump viết trên mạng xã hội rằng Crimea “không còn là chủ đề cần bàn cãi” và cáo buộc Zelensky gây khó khăn cho đàm phán hòa bình.
Đặc phái viên của ông Trump, ông Steve Witkoff, đã đưa ra đề xuất yêu cầu Ukraine nhượng bộ sâu rộng, bao gồm từ bỏ tư cách thành viên NATO và công nhận Nga kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ. Ông Witkoff dự kiến sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 25/4 trong vòng đàm phán mới tại Moscow.
Theo Phó Tổng thống JD Vance, đề xuất hòa bình của Mỹ kêu gọi đóng băng hiện trạng lãnh thổ và thúc đẩy giải pháp ngoại giao lâu dài, đồng thời cảnh báo nếu các bên không đồng thuận, Mỹ có thể rút khỏi tiến trình này.
Trong khi đó, các cuộc hội đàm tại London với sự tham gia của Ukraine, Anh, Pháp và Đức khẳng định cam kết tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài, bất chấp những khác biệt còn tồn tại giữa các bên liên quan.
Ngày 23/4, CNN (Mỹ) đưa tin: Ủy ban Châu Âu (EC) ngày 23/4 đã công bố phạt Apple 500 triệu euro (570 triệu USD) và Meta 200 triệu euro (228 triệu USD) vì vi phạm Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (Digital Markets Act - DMA) của khối.
Trong điều tra của EC, Meta từng buộc người dùng Facebook và Instagram tại châu Âu hoặc phải đồng ý chia sẻ dữ liệu cá nhân để được cá nhân hóa quảng cáo, hoặc trả phí cho phiên bản không quảng cáo. Mô hình “đồng ý hoặc trả tiền” bị đánh giá là không bảo đảm lựa chọn thực sự cho người dùng.
![]() |
Ủy ban Châu Âu, cơ quan điều hành của EU, cho biết đã phạt Apple và Meta. (Ảnh: AP) |
Với Apple, EC xác định công ty đã vi phạm quy tắc “điều hướng” trong DMA khi ngăn các nhà phát triển ứng dụng thông báo cho người dùng về các ưu đãi thay thế ngoài App Store. Ủy ban cho rằng điều này làm giảm quyền lợi của người tiêu dùng và cản trở cạnh tranh.
Cả Apple và Meta đều bác bỏ các cáo buộc. Đại diện Apple cho rằng EC đang “nhắm mục tiêu không công bằng” và tuyên bố sẽ kháng cáo. Trong khi đó, Giám đốc toàn cầu của Meta, Joel Kaplan, chỉ trích EC đang áp đặt mô hình kinh doanh có lợi cho châu Âu, gây tổn hại cho doanh nghiệp Mỹ.
EC nhấn mạnh mức phạt phản ánh mức độ nghiêm trọng và thời gian vi phạm, yêu cầu các công ty phải nộp phạt trong vòng 60 ngày. Nếu tái phạm, các công ty có thể đối mặt mức phạt lên tới 20% doanh thu toàn cầu hàng năm.
Theo CNN, động thái này có thể khiến căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương leo thang, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cũng cáo buộc châu Âu trừng phạt doanh nghiệp Mỹ một cách bất công.
Phan Anh (tổng hợp)