10:29 | 22/04/2025
Ngày 22/4, hãng tin Reuters (Anh) đưa tin: Ngày 21/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp đại diện các tập đoàn bán lẻ lớn, gồm Walmart, Home Depot, Lowe's và Target để thảo luận về các mức thuế quan mới. Cuộc họp xoay quanh lo ngại về việc thuế quan cao - bao gồm mức 145% với Trung Quốc - sẽ làm tăng chi phí hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu. Walmart, Target là hai chuỗi bán lẻ phụ thuộc lớn vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm hơn 50% tổng lượng hàng.
![]() |
Một cửa hàng Target ở thành phố Edina (bang Minnesota, Mỹ). (Ảnh: Getty) |
Phát ngôn viên Walmart cho biết đây là “cuộc họp hiệu quả” nhưng không nêu chi tiết. Các đại diện Home Depot và Target cũng đánh giá cuộc họp “mang tính xây dựng”.
Trước đó, ngày 2/4, ông Trump công bố thuế quan toàn diện với hàng chục quốc gia, nhưng tạm hoãn 90 ngày - ngoại trừ Trung Quốc. Các chính sách thuế quan thất thường đã gây biến động thị trường Mỹ, khiến chứng khoán bán tháo, đồng USD và trái phiếu kỳ hạn 10 năm chịu áp lực. Nhà đầu tư lo ngại thuế quan sẽ làm giảm biên lợi nhuận của các nhà bán lẻ. Năm 2025, cổ phiếu Walmart chỉ tăng chưa đến 2%, trong khi Target giảm mạnh 32%.
Ngày 22/4, hãng tin AP (Mỹ) đưa tin: Ngày 21/4, Đại học Harvard thông báo đã đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm phản đối việc đóng băng hơn 2,2 tỷ USD tiền tài trợ liên bang.
Động thái này diễn ra sau khi Harvard từ chối thực hiện yêu cầu của chính quyền về cải tổ lãnh đạo, thay đổi chính sách tuyển sinh, kiểm soát biểu tình và đa dạng hóa quan điểm trong giảng dạy. Hiệu trưởng Harvard Alan Garber tuyên bố nhà trường sẽ không nhượng bộ, viện dẫn quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất. Chính quyền sau đó đóng băng toàn bộ nguồn tài trợ dành cho các lĩnh vực y tế, khoa học, công nghệ - mà Harvard cho rằng “thiết yếu với lợi ích quốc gia”.
Trong đơn kiện gửi tòa án liên bang Boston, Harvard cáo buộc chính phủ vi phạm Tu chính án thứ nhất, Mục VI Đạo luật Dân quyền và Đạo luật Thủ tục Hành chính. Trường nhấn mạnh việc đóng băng là "tùy tiện", không có cơ sở liên quan đến các cáo buộc bài Do Thái.
Người phát ngôn Bộ Giáo dục Mỹ từ chối bình luận, còn ông Trump chỉ trích Harvard trên mạng xã hội Truth Social. Hội đồng Giáo dục Mỹ và nhiều cựu sinh viên đã lên tiếng ủng hộ Harvard, gọi đây là bước đi bảo vệ quyền tự chủ học thuật và pháp quyền tại Mỹ.
Ngày 22/4, CNN (Mỹ) dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt phủ nhận thông tin cho rằng chính quyền Tổng thống Trump đang tìm người thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth.
Trên mạng xã hội X ngày 21/4, bà Leavitt gọi bài viết của Đài NPR là "tin giả", khẳng định thông tin này dựa trên một "nguồn tin ẩn danh không hiểu rõ vấn đề".
"Như tổng thống đã nói sáng nay, ông ấy hoàn toàn ủng hộ bộ trưởng quốc phòng", bà viết.
![]() |
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt. (Ảnh: Reuters) |
Theo NPR, Nhà Trắng được cho là đang cân nhắc thay thế Hegseth sau khi có thông tin ông chia sẻ kế hoạch chi tiết một chiến dịch quân sự chống Houthis ở Yemen qua nhóm trò chuyện Signal có vợ, anh trai và luật sư của mình.
CNN xác nhận Hegseth và Tổng thống Donald Trump đã điện đàm vào tối Chủ Nhật (21/4) để trao đổi trực tiếp về vụ việc. Nguồn tin thân cận tiết lộ ông Hegseth đã giải thích sự việc với Tổng thống trong cuộc gọi.
Sáng 22/4, trong lần xuất hiện công khai đầu tiên sau vụ việc, Hegseth chỉ trích người tiết lộ thông tin và giới truyền thông. Tổng thống Trump ngay sau đó đã công khai bảo vệ Hegseth, cho rằng các báo cáo liên quan đến ứng dụng Signal xuất phát từ "những nhân viên bất mãn".
Ngày 22/4, Reuters (Anh) đưa tin: Ngày 21/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên đề xuất đàm phán song phương với Ukraine nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn ba năm. Phát biểu với truyền thông nhà nước Nga, ông Putin nhấn mạnh rằng Moscow sẵn sàng tiếp cận tích cực đối với bất kỳ sáng kiến hòa bình nào và kỳ vọng Kyiv có động thái tương tự.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov làm rõ rằng: “Khi Tổng thống nói rằng có thể thảo luận về vấn đề không tấn công các mục tiêu dân sự, kể cả song phương, Tổng thống đã nghĩ đến những cuộc đàm phán và thảo luận với phía Ukraine”.
Phản hồi đề xuất này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Kyiv sẵn sàng đối thoại, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc chấm dứt các cuộc tấn công vào mục tiêu dân sự. Ông Zelensky nêu rõ rằng Ukraine duy trì quan điểm không tấn công mục tiêu dân sự và đang chờ đợi phản ứng rõ ràng từ phía Nga.
Tổng thống Zelensky cũng cho biết các cuộc đàm phán tại London trong tuần này được xem là bước đi đầu tiên nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn vô điều kiện, hướng tới một nền hòa bình bền vững.
Trước đó, ngày 20/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng Nga và Ukraine sẽ đạt được thỏa thuận trong tuần này.
Trong khi đó, dù bày tỏ thiện chí đối thoại, Ukraine vẫn bác bỏ mọi yêu cầu nhượng bộ lãnh thổ, khẳng định điều này đồng nghĩa với đầu hàng và không thể đảm bảo an ninh nếu xung đột tái diễn trong tương lai.
Phan Anh (tổng hợp)