Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024:

Đưa Bình Định đến gần hơn với nhà đầu tư, doanh nghiệp

22:36 | 29/03/2024

Ngày 29/3, tại thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Đưa du lịch Bình Định thành ngành kinh tế mũi nhọn: lãnh đạo quan tâm từ bếp, bar, buồng, bàn...
Cơ hội kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bình Định và Canada

Cùng tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các địa phương, cùng hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước; các tỷ phú đến từ Thái Lan, Hàn Quốc…

Nhà đầu tư được tạo điều kiện thuận lợi

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm từng bước hiện thực hóa quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời góp phần đưa Bình Định đến gần hơn với nhà đầu tư, doanh nghiệp để cùng nhau biến tiềm năng, thế mạnh, ý tưởng thành hiện thực và cùng nhau chia sẻ, hợp tác phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong tương lai.

Đưa Bình Định đến gần hơn với nhà đầu tư, doanh nghiệp
Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024. (Ảnh: Hà Nội mới)

Bình Định xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên 5 trụ cột: công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ du lịch; cảng biển - logistics; đô thị hóa.

Bên cạnh đó tỉnh tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm cao của cả nước.

Ngoài ra, trong quá trình phát triển, tỉnh Bình Định luôn xác định muốn phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tỉnh phải gắn kết, hợp tác với các địa phương trong vùng để phát huy những điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hoá, xã hội và hỗ trợ, bổ sung cho nhau những gì địa phương mình còn thiếu. Bình Định cũng như các tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ còn có rất nhiều dư địa cho phát triển so với các vùng khác, nhất là du lịch, dịch vụ, công nghiệp, logistics - cảng biển, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản... cùng với tài nguyên biển phong phú và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên đa dạng nhất cả nước. Đây là lợi thế rất lớn của các địa phương trong vùng, là mảnh đất vàng cho các nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội phát triển trong tương lai.

“Đầu tư tại Bình Định, nhà đầu tư được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững. Nhà đầu tư sẽ được giải quyết vướng mắc nhanh nhất”, ông Phạm Anh Tuấn nói.

Kỳ vọng đón "sếu đầu đàn"

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá Bình Định phát triển đồng bộ cả đô thị và nông thôn, đặc biệt là kinh tế biển. Thuận lợi có, tiềm năng và thế mạnh ở Bình Định cũng rất rõ. Song, Bình Định lại thiếu “sếu đầu đàn” trong những lĩnh vực trụ cột, do vậy chưa có sự bứt phá để phát triển.

“Bình Định đi sau nhưng có thể “đi tắt, đón đầu” để phát triển. Đặc biệt trong phát triển và cung cấp chứng chỉ carbon cho các nhà sản xuất trong và ngoài nước”, TS Trần Du Lịch nói.

Đưa Bình Định đến gần hơn với nhà đầu tư, doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Báo Bình Định)

Ông Cyril Dissescou, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nexif Ratch Energy SE Asia Pte., Ltd (Singapore) đánh giá, tỉnh Bình Định có vị trí địa lý thuận lợi ở miền Trung Việt Nam, có thể dễ dàng tiếp cận từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng không và thông qua cảng biển. Cùng với đó, chính quyền địa phương có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp với cơ sở hạ tầng đầy đủ và lực lượng lao động có tay nghề cao.

Ông Cyril Dissescou cho rằng, việc mở rộng nhanh chóng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ làm tăng nhanh nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt là nhu cầu về điện sản xuất từ năng lượng tái tạo. Sẽ có khoảng 143 MW công suất điện gió trên bờ được phân bổ tại Bình Định đến năm 2030 sau khi Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt. Đây là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị phát triển năng lượng tái tạo như Nexif Ratch Energy mở rộng kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Từ đây, CEO của Tập đoàn Nexif Ratch kiến nghị lãnh đạo tỉnh Bình Định quan tâm, chỉ đạo các cơ quan ban ngành địa phương hướng dẫn, hỗ trợ tập đoàn thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án điện gió theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai chuyển đổi quan trọng nhất. Trong đó, lợi thế của chuyển đổi xanh là nắng và gió; lợi thế của chuyển đổi số là nghèo, vì chuyển đổi số thì không cần đầu tư nhiều nhưng hiệu quả mang lại sẽ rất lớn.

“Hai điểm thuận lợi này thì Bình Định đều đã có cả. Chỉ cần còn sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, nhất là người đứng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ông khuyến nghị tỉnh Bình Định nên đi đầu về chuyển đổi số, vừa là tạo ra động lực mới cho phát triển của tỉnh, vừa là thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Chính chuyển đổi số quốc gia sẽ lại là thị trường lớn, là cơ hội lớn cho sự phát triển của tỉnh Bình Định.

5 vấn đề Bình Định cần lưu ý

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý 5 vấn đề đối với Bình Định để phát triển.

Đưa Bình Định đến gần hơn với nhà đầu tư, doanh nghiệp
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý tỉnh Bình Định 5 vấn đề. (Ảnh: Báo Bình Định)

Thứ nhất, tỉnh phải chấp nhận và lưu ý đến khái niệm cạnh tranh giữa các địa phương trong khu vực. Bởi tính chất của hội nghị xúc tiến đầu tư lần này cũng là sự cạnh tranh với các tỉnh và các khu vực khác. Bình Định có biển, có hạ tầng, sân bay, ông kế bên cũng có y vậy. Cho nên, phải có ý thức sự cạnh tranh này, quyết liệt khai thác những thế mạnh riêng có của mình.

Thứ hai, là phải tính toán liên kết vùng. Theo ông, thời nay làm ăn không thể chỉ có riêng mình mà phải liên kết vùng trong khai thác cơ sở hạ tầng, phân chia để thu hút đầu tư. Một mặt phải cạnh tranh, một mặt phải khai thác; nếu các địa phương không giải quyết hài hòa hai bài toán này thì sẽ có sự cản trở nhất định trong sự phát triển.

Thứ ba, tỉnh phải đồng hành với nhà đầu tư. Hiện khung chính sách chỉ có như thế, địa phương trong thẩm quyền chừng mực cũng chỉ ban hành những chính sách nhất định, cái chính là làm sao để cho nhà đầu tư “cảm thấy yêu mảnh đất này”, “yêu cán bộ, yêu công nhân và yêu con người ở đây”. “Bởi trong chặng đường đi còn rất nhiều khó khăn, nếu không đồng hành, không chia sẻ cạn lòng với nhà đầu tư thì khó có những nhà đầu tư mới hơn, tốt hơn”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Thứ tư, tỉnh phải đầu tư vào nguồn lực, đó là nguồn nhân lực và kể cả chuyển đổi số. Nhà đầu tư khi đến địa phương sẽ đặt câu hỏi ở đây có lao động không, đặc biệt lao động chất lượng cao? Có người còn mạnh hỏi rằng có cán bộ giỏi không? giỏi tiếng Anh không? giỏi kinh nghiệm kinh doanh quốc tế không? giỏi quản trị hiện đại không? Nếu tỉnh không chăm chút cái này thì việc tìm kiếm nhà đầu tư cực lớn hoặc có đóng góp đáng kể cho địa phương là rất khó!

Thứ năm, đó là câu chuyện Trung ương đã phân cấp mạnh cho địa phương. “Trái bóng đã về chân”, trong chính sách gần đây và tới đây sẽ phân cấp rất mạnh nữa cho nên vấn đề sẽ tùy thuộc cơ bản vào địa phương”

Đối với nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết một nguyên tắc xuyên suốt là nếu nhà đầu tư không có lợi nhuận thì không làm; nếu Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng không có sự phát triển thì cũng sẽ không đồng ý, không ủng hộ. Do vậy, không chỉ chia sẻ từ chính quyền, người dân, nhà đầu tư cũng chia sẻ với các khác khó khăn những vấn đề mà chính quyền, địa phương đang gặp phải và phải hết sức kiên nhẫn.

Đưa Bình Định đến gần hơn với nhà đầu tư, doanh nghiệp
Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao bản ghi nhớ nhớ hợp tác hàng không năm 2024 cho đại diện các hãng hàng không. (Ảnh: Báo Bình Định)

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương trong thời gian tới. Đặc biệt là hỗ trợ tỉnh Bình Định trong các hoạt động xúc tiến đầu tư; giúp đỡ tỉnh trong việc tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tại Hội nghị, UBND tỉnh Bình Định đã ký kết hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2024 - 2025 với Bộ Thông tin và Truyền thông; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác hàng không năm 2024 với các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Vietravel Airlines.

UBND tỉnh Bình Định trao quyết định chấp thuận chủ trương và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn 1.059 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng trao bản ghi nhớ tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư 17 dự án đầu tư trên 4 lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực; phát triển dịch vụ thương mại, du lịch, đầu tư.

Mê mẩn món mắt cá ngừ đại dương om tiêu xanh Quy Nhơn, Bình Định Mê mẩn món mắt cá ngừ đại dương om tiêu xanh Quy Nhơn, Bình Định
Hoàng tráng, sống động Lễ khai mạc Tuần lễ Thể thao, văn hóa và du lịch Bình Định 2024 Hoàng tráng, sống động Lễ khai mạc Tuần lễ Thể thao, văn hóa và du lịch Bình Định 2024

Minh Thái

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dua-binh-dinh-den-gan-hon-voi-nha-dau-tu-doanh-nghiep-198274.html

In bài viết