Mô hình, cách làm mới thúc đẩy tình hữu nghị Việt - Trung

07:00 | 12/12/2023

Tổ chức giao lưu văn hóa, giáo dục như thi hùng biện tiếng Trung, giao lưu thanh niên hai nước; kết nghĩa các cụm dân cư hai bên biên giới... Đây là kinh nghiệm của một số địa phương của Việt Nam nhằm củng cố, thúc đẩy tình hữu nghị, hợp tác với các địa phương của Trung Quốc.
Hữu nghị - hợp tác là dòng chủ lưu trong quan hệ Việt-Trung
Hợp tác địa phương - bộ phận cấu thành quan trọng của quan hệ Việt-Trung

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng:

Tạo sân chơi cho sinh viên và những người yêu thích tiếng Trung

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc thành phố Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước nhằm góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc tại Đà Nẵng.

Nổi bật là Vòng Chung kết Cuộc thi Hùng biện tiếng Trung toàn quốc được tổ chức vào các năm 2018, 2019, 2022 và 2023. Quy mô cuộc thi ngày càng mở rộng, thu hút sự hưởng ứng và tham gia của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, các trường đại học, học viện, trung tâm Hán ngữ của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với số lượng bài dự thi liên tục tăng, công tác tổ chức và hình thức thi luôn được đổi mới, sáng tạo.

Vòng Chung kết Cuộc thi Hùng biện tiếng Trung toàn quốc - Đà Nẵng 2023
Vòng Chung kết Cuộc thi Hùng biện tiếng Trung toàn quốc - Đà Nẵng 2023 thu hút đông đảo thanh niên, sinh viên, những người yêu thích tiếng Trung tham gia. (Ảnh: KT)

Vòng Chung kết Cuộc thi Hùng biện tiếng Trung toàn quốc - Đà Nẵng 2023, Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 bài dự thi đến từ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc và 43 trường đại học, học viện, trung tâm Hán ngữ lớn thuộc 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hoạt động tạo sân chơi bổ ích và cơ hội giao lưu văn hóa, giáo dục cho thanh niên, sinh viên, những người yêu thích tiếng Trung trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó đề cao vị trí, vai trò của thanh niên trong tiến trình Việt Nam hội nhập quốc tế; tạo cơ hội cho thanh niên thấy được trọng trách của mình để không ngừng nghiên cứu, học tập, nâng cao tri thức; tích cực, chủ động tham gia vào quá trình hợp tác quốc tế, giải quyết các vấn đề toàn cầu, tham gia thực hiện tốt hoạt động đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Ông Bế Thanh Tịnh, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc tỉnh Cao Bằng:

Phát huy hiệu quả mô hình kết nghĩa các cụm dân cư hai bên biên giới

Cao Bằng có trên 333km đường biên giới đất liền Việt - Trung tiếp giáp với 4 huyện biên giới thuộc thành phố Sùng Tả và thành phố Bách Sắc, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc với nhiều cặp cửa khẩu cấp quốc gia, cửa khẩu địa phương, các cặp chợ biên giới và các điểm giao dịch trên biên giới thuận lợi cho nhân dân hai bên giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...

Đội viên Việt Nam, Trung Quốc đeo khăn quàng đỏ cho nhau trong chương trình Giao lưu hữu nghị Thanh thiếu niên biên giới Việt - Trung.
Đội viên Việt Nam, Trung Quốc đeo khăn quàng đỏ cho nhau trong một chương trình giao lưu hữu nghị thanh thiếu niên biên giới Việt - Trung. (Ảnh: Báo Cao Bằng)

Mô hình kết nghĩa các cụm dân cư hai bên biên giới tại Cao Bằng được thúc đẩy. Đến nay đã có 2 huyện biên giới đã ký kết Ý định thư về kết nghĩa hữu nghị huyện - huyện là huyện Quảng Hòa (Cao Bằng, Việt Nam) và Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), Trùng Khánh (Cao Bằng, Việt Nam) và Tịnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc) và một số xóm, xã hai bên biên giới kết nghĩa hữu nghị như: xóm Lũng Om, xã Đại Sơn, Phục Hòa (Cao Bằng, Việt Nam) - xóm Nà Cọn, Thủy Khẩu, Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc); xóm Pò Peo, xã Ngọc Côn, Trùng Khánh (Cao Bằng, Việt Nam) - phố Nhạc Vu, trấn Nhạc Vu, Tịnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc); xóm Bản Đâu, xã Thái Đức, Hạ Lang (Cao Bằng, Việt Nam) - xóm Lũng Hán, hương Vũ Đức, Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc); xóm Lũng Piao, xã Khánh Xuân, Bảo Lạc (Cao Bằng, Việt Nam) - xóm Lũng Diềm, thôn Lũng Bủng, hương Bách Nam, Nà Po (Quảng Tây, Trung Quốc); xóm Bản Mới, xã Đức Long, Thạch An (Cao Bằng, Việt Nam) - xóm Bó Cục, trấn Hạ Đống, Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc).

Năm 2018, chính quyền huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã hỗ trợ kinh phí 1,7 tỷ đồng và phía huyện Quảng Hòa đối ứng 1,3 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa xóm Nà Chào, Nà Thắm, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa (Việt Nam).

Mô hình kết nghĩa các cụm dân cư đã góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai đảng, hai nhà nước và hai địa phương, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Ông Bùi Quang Huy, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc tỉnh Đồng Nai:

Phát huy vai trò của chi hội cơ sở

Tỉnh Đồng Nai đã thiết lập, xây dựng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với tỉnh Giang Tô, tỉnh Nam Kinh, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Trường Đại học Đồng Nai và Đại học Lạc Hồng đã ký kết biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác đào tạo quốc tế trên lĩnh vực giáo dục đào tạo với 5 trường Đại học tỉnh Quảng Tây và Quế Lâm, Trung Quốc. Trên lĩnh vực kinh tế, đến nay tỉnh Đồng Nai có 162 doanh nghiệp Trung Quốc và 272 doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 7,4 tỷ USD đang hoạt động sản xuất kinh doanh, trên 3.000 chuyên gia và người lao động có quốc tịch Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đang làm việc tại Đồng Nai. Đặc biệt, Đồng Nai là một trong những tỉnh có đông đồng bào Hoa sinh sống (trên 130.000 người).

Từ đặc thù riêng của tỉnh Đồng Nai, Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc tỉnh có nhiều hoạt động sáng tạo hướng về chi hội cơ sở, lấy chi hội là trung tâm triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân, phát huy thế mạnh của từng chi hội và hội viên. Qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, góp phần thúc đẩy giáo dục, kinh tế, xã hội.

Chi hội hữu nghị Trường Đại học Lạc Hồng đã tham mưu cho lãnh đạo trường đàm phán và ký kết bản hợp tác MOU với 4 trường đại học tại Trung Quốc gồm: Đại học Sư phạm Quảng Tây, Đại học Sư phạm Mẫn Nam, Đại học Khoa học kỹ thuật Quảng Tây, Đại học Bách Khoa Quế Lâm, góp phần tổ chức các hoạt động giao lưu giáo dục, giao lưu nhân dân giữa sinh viên hai nước. Bên cạnh đó, Ban chấp hành Chi hội đã trao đổi hợp tác với Đại học Sư phạm Hoa Đông giới thiệu sinh viên học online tiếng Trung do nhà trường tổ chức.

Hàng năm, Hội tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa hội viên với công dân Trung Quốc đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các cuộc thi hùng biện tiếng Trung, hội thi tìm kiếm tài năng có sự phối hợp của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc và tham gia của hàng trăm doanh nghiệp Trung Quốc tại các tỉnh phía Nam; các hoạt động trao đổi sinh viên hội viên với các trường học tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Hội phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao và tuyển dụng nhân lực giữa sinh viên với doanh nghiệp Trung Quốc; tổ chức cho sinh viên tham quan doanh nghiệp và phỏng vấn việc làm tại Đồng Nai và các tỉnh lân cận.

Những hoạt động trên không chỉ góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và tự tin của hội viên mà còn huy động được hàng trăm suất học bổng cho sinh viên, hội viên của Hội trong những gia đình khó khăn, với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. 100 hội viên đang theo học ngành ngôn ngữ tiếng Trung tại trường Đại học Lạc Hồng đều được các doanh nghiệp đến tận trường tuyển dụng.

Trao học bổng hữu nghị Việt - Trung cho sinh viên ngoại giao Trao học bổng hữu nghị Việt - Trung cho sinh viên ngoại giao
Giao lưu nhân dân góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt - Trung Giao lưu nhân dân góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt - Trung

Thành Luân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/mo-hinh-cach-lam-moi-thuc-day-tinh-huu-nghi-viet-trung-194269.html

In bài viết