Bài 4: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của ngành

08:28 | 01/12/2023

Một số Việt kiều cho rằng, trong 5-10 năm tới, Việt Nam cần có các công ty nội địa trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn có chỗ đứng ở thị trường thế giới. Các công ty Việt Nam nên sản xuất con chip riêng có thế mạnh cạnh tranh với các công ty lớn trên thế giới.
Việt kiều hiến kế phát triển vi mạch bán dẫn - Bài 1: Thời cơ
Bài 2: Tìm lối đi riêng
Bài 3: Xây dựng nguồn nhân lực

Khuyến khích khởi nghiệp

GS Đặng Lương Mô cho rằng, ngoài việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, thì Việt Nam cần có các chính sách về đấu thầu, vay tài chính, bảo hiểm, truyền thông... ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa có những sản phẩm ứng dụng vi mạch Việt tham gia vào các dự án sử dụng ngân sách của Nhà nước…

Đối với những dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến yếu tố như an toàn an ninh thông tin, an toàn năng lượng nên từng bước ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật cho các thiết bị và tiêu chí bắt buộc ứng dụng các sản phẩm vi mạch Việt.

Ngoài ra, chúng cần thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước cần hợp tác nghiên cứu với nhau.

Ông nói, Nhật Bản, ngoài thành tích là nước đầu tiên phát triển được công nghệ sản xuất đại trà chíp với quy mô siêu lớn, còn phát triển được tất cả những công nghệ liên quan đến những khâu khác, từ vật liệu đầu vào cho đến các thiết bị chế biến, kiểm tra và đóng gói. Thành tựu này của Nhật Bản bắt nguồn từ một kế hoạch quốc gia kéo dài 4 năm (1976-1980), thường được gọi là Dự án VL (Tổ hợp Nghiên cứu công nghệ vi mạch siêu quy mô). Dự án quy tụ 5 công ty máy tính lớn chủ chốt của Nhật Bản là Fujitsu, Hitachi, Mitsubishi, NEC, Toshiba và sự tham gia của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Công nghệ Điện tử, Viện Kỹ thuật Công nghiệp. Đây là kế hoạch duy nhất và đầu tiên của Nhật Bản kết hợp nhiều công ty khổng lồ vốn là địch thủ cạnh tranh ác liệt với nhau, khiến họ phải cùng nhau góp sức cho mục đích chung. 5 công ty thành viên mỗi công ty cung cấp 20 người, tất cả đều là những nhà nghiên cứu giỏi, được đánh giá cao không chỉ về chuyên môn mà cả về nhân cách. VLSI mới chỉ xuất hiện khoảng 30 năm nay nhưng đã góp phần quan trọng làm nên cuộc cách mạng công nghệ này.

Bài 4: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của ngành
Dòng Chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn thiết kế. Ảnh: Viettel

Ông Nguyễn Thanh Yên, Quản trị Cộng đồng vi mạch Việt Nam cho rằng để khuyến khích khởi nghiệp, cần tặng giấy chứng nhận Doanh nghiệp công nghệ cao cho các công ty Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để các doanh nghiệp có ưu đãi về thuế.

Anh Phạm Trung Kiên, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Anh chia sẻ, anh là 1 trong 300 người được sang Anh theo visa khởi nghiệp. Là những người sang khởi nghiệp, anh được phép đưa cả gia đình sang Anh sinh sống. Hàng tuần, tôi nhận được thông tin gói hỗ trợ của Trung tâm đổi mới sáng tạo (Bộ công thương Anh) gửi đến qua một đường link.

“Tôi mở tài khoản, nộp một ý tưởng hàng tuần. Nếu được đánh giá, trung tâm xuống cơ sở hoặc gọi điện phỏng vấn. Nếu ý tưởng đạt sẽ được giải ngân, lập bộ phận giám sát. Đây cũng là kinh nghiệm rất hay để Việt Nam có thể thu hút nhân tài khắp thế giới đến”, anh Trung Kiên nói.

Sản xuất chip trong nông nghiệp công nghệ cao

Ông Đinh Văn Dũng (Việt kiều Mỹ) cho rằng, Việt Nam hiện nay khó có thể cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu thế giới… với các dòng chip cao cấp như máy tính, điện thoại thông minh, ti vi thông minh...

Việt Nam nên tập trung vào những sản phẩm vừa sức, có vòng đời sử dụng dài, đáp ứng các nhu cầu cần thiết của xã hội và có thị trường ứng dụng cao.

“Chúng ta có thể xem xét sản xuất các sản phẩm vi mạch điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Ví dụ, điều khiển tự động trong tưới tiêu hay nuôi trồng thủy sản... truy xuất nguồn gốc thực phẩm, quản lý, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xu hướng đô thị thông minh, giao thông thông minh, điện lực, chiếu sáng, viễn thông... Điều này có nghĩa, Việt Nam nên sáng tạo những sản phẩm nội địa để tự dùng, không cần mua từ bên ngoài. Nếu chất lượng tốt và rẻ thì có thể bán qua thị trường lân cận như Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan hay những nước châu Phi…

Đặc biệt, khi sáng chế ra các loại chip, Việt Nam cần phải đẩy mạnh truyền thông để các nước, các tập đoàn công ty biết được thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

7 yếu tố Hàn Quốc vươn tầm thế giới trong vi mạch bán dẫn

Hàn Quốc thành công trong sự nghiệp xây dựng nền công nghiệp bán dẫn vi mạch được tóm tắt bằng 7 yếu tố: nguồn nhân lực trình độ cao, chi phí nhân công thấp; thị trường quốc nội có sẵn; có những nhà đầu tư lớn trong nước biết dấn thân; biết tự lượng sức để lựa chọn quy mô kinh doanh hợp với khả năng; dám đầu tư mạnh đúng lúc, đúng chỗ; các doanh nghiệp biết hợp tác nghiên cứu với nhau; nhà nước tích cực hỗ trợ bằng tiền và cơ chế.

GS Đặng Lương Mô

7 nhiệm vụ trọng tâm của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 7 nhiệm vụ trọng tâm của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024
Kiều bào tự hào về truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của người Việt Kiều bào tự hào về truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của người Việt

Phạm Lý - Hải Doan

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bai-4-phat-trien-he-sinh-thai-khoi-nghiep-cua-nganh-193828.html

In bài viết