Đóng góp của đối ngoại nhân dân trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris

09:23 | 28/01/2023

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là một mốc son sáng chói trong lịch sử ngoại giao Việt Nam và lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Đối ngoại nhân dân đã có đóng góp rất quan trọng vào thành công đó.
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân
Hội nghị Paris về Việt Nam: đối ngoại nhân dân tiên phong, phát huy tối đa thế mạnh Hội nghị Paris về Việt Nam: đối ngoại nhân dân tiên phong, phát huy tối đa thế mạnh
Bạn bè quốc tế mít-tinh ủng hộ Việt Nam.
Bạn bè quốc tế mít-tinh ủng hộ Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của nhân dân, về đoàn kết quốc tế và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, về vai trò của đối ngoại nhân dân và chiến tranh nhân dân đã được phát triển thành đường lối của Đảng ta, được vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn cách mạng nước ta, mà đỉnh cao là trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, trở thành một nhân tố quyết định trong thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta tại Hội nghị Paris.

Chinh phục bằng đạo lý

Sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ là kết quả của quá trình vận động, đấu tranh trên mặt trận đối ngoại nhân dân ngay từ sau khi đất nước ta giành được độc lập, với việc thành lập các tổ chức hữu nghị song phương và đa phương đầu tiên ngay từ năm 1945 (với tổ chức đầu tiên là Hội Việt - Mỹ) và trong suốt các thập kỷ 1950, 1960.

Ngay từ những năm 1947-1948, theo chỉ đạo của Bác Hồ, các đoàn cán bộ của ta đã được cử ra nước ngoài để tuyên truyền về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới và tiếp cận với phong trào hòa bình và đoàn kết của cách mạng thế giới.

Năm 1950, Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam được thành lập, tham gia sáng lập Hội đồng hòa bình thế giới, gắn cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân ta với phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Thực hiện sáng tạo truyền thống ngoại giao tâm công của cha ông ta “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn” và lời dặn của Bác Hồ: “Đường lối tấn công vào lòng người, chinh phục bằng đạo lý, chuyển hóa bằng nhân tình, thuyết phục lòng người để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa”, đối ngoại nhân dân đã tìm ra những điểm tương đồng, khai thác mọi khả năng để tập hợp lực lượng, hình thành mặt trận đoàn kết ủng hộ Việt Nam theo nhiều tầng, nấc, với ưu tiên hàng đầu là làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ về Việt Nam, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, lấy đó làm nền tảng để thu hút sự ủng hộ của quốc tế.

Từ năm 1960, với sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đã hình thành một mũi tiến công mới với nòng cốt là ngoại giao nhân dân, tích cực thực hiện chủ trương của Đảng về phối hợp vận động quốc tế, nâng cao vị trí của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH), tranh thủ sự công nhận và ủng hộ quốc tế đối với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLT).

Sau khi ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đoàn đại biểu chính phủ ta tại Hội nghị Paris về Việt Nam đã tổ chức chiêu đãi cảm ơn các bạn Pháp do Đảng Cộng sản Pháp cử đến hỗ trợ đoàn.
Sau khi ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Đoàn đại biểu chính phủ ta tại Hội nghị Paris về Việt Nam đã tổ chức chiêu đãi cảm ơn các bạn Pháp do Đảng Cộng sản Pháp cử đến hỗ trợ đoàn.

Các tổ chức đoàn thể nhân dân của hai miền Nam - Bắc đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, phối hợp chặt chẽ và tích cực tổ chức, triển khai nhiều hoạt động ngoại giao song phương và đa phương hết sức hiệu quả.

Hàng trăm đoàn của Mặt trận và các tổ chức thành viên đã đi hàng chục nước châu Á, châu Âu, châu Phi, Mỹ La-tinh và Bắc Mỹ, đến cả nhiều nước đồng minh và sân sau của Mỹ, tận dụng mọi cơ hội mở rộng tiếp xúc, gặp gỡ các tổ chức quốc gia và quốc tế, tham gia rộng rãi các hội nghị, đại hội, diễn đàn và tòa án quốc tế, phối hợp với lực lượng nòng cốt là nhân dân Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và các Đảng cộng sản, cánh tả, các lực lượng tiến bộ ở các nước tư bản và các nước mới giành độc lập dân tộc trên khắp các châu lục tại mọi diễn đàn, tham gia vào các cơ chế lãnh đạo và các hoạt động của các tổ chức dân chủ quốc tế.

Qua đó, các đoàn đã cung cấp thông tin, nhân chứng, tư liệu về tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giới thiệu đường lối, chính sách của Mặt trận và CPCMLT cùng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, đồng thời bày tỏ đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thông điệp Việt Nam đưa ra trong các tiếp xúc trên kênh nhân dân rất rõ ràng và nhất quán. Đó là vạch trần bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, khẳng định ý chí kiên cường quyết tâm chiến đấu hy sinh của hai miền Nam, Bắc vì độc lập tự do, thống nhất đất nước và thiện chí sẵn sàng đàm phán, tìm giải pháp mang lại hoà bình.

Trong suốt quá trình diễn ra Hội nghị Paris, Đoàn đàm phán của ta đặc biệt chú trọng khai thác kênh đối ngoại nhân dân, đã tổ chức hàng ngàn cuộc họp báo, tiếp xúc, trả lời phỏng vấn để thông tin tới dư luận, làm sáng tỏ lập trường chính nghĩa của ta và bác bỏ những thông tin xuyên tạc.

Cô Raymonde Dien xin chữ ký ông Xuân Thủy
Cô Raymonde Dien xin chữ ký ông Xuân Thủy.

Hai mũi giáp công

Hoạt động đối ngoại nhân dân của ta đã mang lại những kết quả rất quan trọng. Các phong trào và tổ chức đoàn kết ủng hộ Việt Nam ra đời tại nhiều nước và lan rộng trên toàn thế giới. Nhiều Hội nghị ủng hộ nhân dân Việt Nam trong đấu tranh thống nhất đất nước được Hội đồng Hòa bình thế giới, Hội Liên hiệp Sinh viên quốc tế, Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới, Liên Hiệp Công đoàn thế giới, Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế, Ủy ban Luật gia quốc tế, Ủy ban đoàn kết châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh tổ chức.

Nhiều Tòa án quốc tế quốc tế họp tại Thụy Điển, Nhật Bản, Đan Mạch, Pháp, Đức, Toà án Bertrand Russel xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam mạnh mẽ lên án chiến tranh xâm lược, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Các cuộc biểu tình, bãi công phản đối chiến tranh, những ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam, các hoạt động quyên góp, hiến máu tình nguyện, ủng hộ Việt Nam được tổ chức ở nhiều nước trên khắp thế giới. Với những hoạt động rất phong phú lôi cuốn hàng triệu người tham gia, phong trào đoàn kết, ủng hộ Việt Nam đã tạo thành sức mạnh to lớn, tác động mạnh mẽ đến chính sách của nhiều chính phủ trên thế giới.

Đặc biệt, đối ngoại nhân dân đã chú trọng công tác vận động, tuyên truyền nhân dân Mỹ, hình thành hai mũi giáp công theo đúng định hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân dân Mỹ đánh từ trong đánh ra, nhân dân ta đánh từ ngoài đánh vào. Hai bên giáp công mạnh mẽ thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt - Mỹ nhất định sẽ thắng.

Đó sẽ là thắng lợi vẻ vang của mặt trận thống nhất nhân dân hai nước; mà cũng là thắng lợi chung của nhân dân yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa”. Quán triệt tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” của Bác Hồ, ta phân biệt rõ ràng: “đế quốc Mỹ là kẻ thù và nhân dân Mỹ là người bạn của nhân dân Việt Nam”, chia sẻ nỗi đau mất mát với người dân Mỹ.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Ta cũng đã chủ động tiếp cận với các nhà hoạt động hòa bình, dân chủ Mỹ để thông tin về tình hình Việt Nam. Năm 1968, cuộc gặp lịch sử giữa nhân dân Việt Nam - Mỹ đã được tổ chức tại Bratislava (Tiệp Khắc), đánh dấu sự phối hợp trên quy mô lớn và trực tiếp giữa phong trào phản chiến ở Mỹ và cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý của nhân dân Việt Nam.

Phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam hình thành và phát triển ngay trong lòng nước Mỹ, thu hút hàng triệu người Mỹ thuộc đủ mọi thành phần tham gia.

Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân tiến bộ Mỹ ra đời tháng 07/1968 với nhiệm vụ làm đầu mối quan hệ với tất cả các tổ chức cá nhân trong phong trào phản chiến ở Mỹ đã đón hàng trăm lượt bạn bè Mỹ, trong đó có các nhà báo, luật sư, các nghệ sĩ nổi tiếng như Jane Fonda, Joan Baez sang thăm miền Bắc.

Được tận mắt chứng kiến tội ác của quân đội Mỹ và cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta, những người bạn Mỹ đã lên tiếng mạnh mẽ, viết bài, phát biểu tại các diễn đàn tại Mỹ và quốc tế đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Với tinh thần thiện chí và nhằm ủng hộ, đề cao vai trò của phong trào phản chiến ở Mỹ, qua kênh đối ngoại nhân dân ta đã tổ chức nhiều đợt trao trả phi công Mỹ bị bắt cho các đại diện của phong trào.

Cuộc kháng chiến anh dũng và thắng lợi của quân và dân ta, sự nhân đạo, khoan dung của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với ngay cả những kẻ thù đã tàn phá, gây nên bao đau thương, chết chóc đối với đất nước mình đã lay động trái tim, thức tỉnh lương tri nhân loại, trong đó có nhân dân Mỹ.

Nhiều cuộc biểu tình phản chiến đã nổ ra với quy mô lớn với sự tham gia của hàng triệu người từ tất cả các tầng lớp, phụ nữ, thanh niên, các tôn giáo, đã làm rung chuyển thủ đô Washington và nhiều thành phố lớn của Mỹ. Đối ngoại nhân dân đã góp phần thúc đẩy việc “đưa chiến tranh Việt Nam vào trong lòng nước Mỹ”.

Với việc phong trào của nhân dân Mỹ đòi sớm chất dứt chiến tranh ngày càng mạnh và những thất bại nặng nề trên chiến trường, đặc biệt là trong cuộc chiến ở Thành cổ Quảng Trị mùa Hè 1972 và cuộc chiến “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris vào tháng 01/1973 với các điều khoản ghi nhận cam kết của Mỹ tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quy định việc Mỹ rút hết quân khỏi Việt Nam và Đông Dương trong khi quân đội của miền Bắc Việt Nam vẫn tiếp tục ở lại miền Nam Việt Nam.

Chúng ta đã thực hiện được chủ trương của Đảng và Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam vào tháng 04/1975 và thống nhất đất nước.

Đúng như lời của đồng chí Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao của CPCMLT: “Trong lịch sử thế giới chưa từng có phong trào đoàn kết quốc tế nào rộng lớn, sâu sắc, bền bỉ suốt hai thập kỷ như phong trào đoàn kết quốc tế với nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước”.

Sự ủng hộ hết lòng của bạn bè quốc tế đã gây sức ép lớn lên chính quyền Mỹ và cũng là nguồn sức mạnh cổ vũ cho đoàn đàm phán Hiệp định Paris, cho nhân dân ta ở cả hai miền kiên cường chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng.

Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam, chúng ta tưởng nhớ và tri ân công ơn của những người bạn quốc tế ở khắp mọi nơi trên thế giới đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và phẩm giá con người, trong đó có những người bạn đã tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ.

Đối ngoại nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là trong giai đoạn đàm phán tại Hội nghị Paris, đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu, có giá trị cho tới hôm nay. Trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, khó dự báo, hòa bình, ổn định và phát triển đang đứng trước nhiều thách thức gay gắt, đối ngoại nhân dân, với tư cách là một trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện và hiện đại, cần phát huy thế mạnh của mình, gắn kết và phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước làm tốt vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài để xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam và tích cực đóng góp vào phong trào của nhân dân tiến bộ trên thế giới vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.

Hiệp định Paris: Chiến thắng vĩ đại của Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới Hiệp định Paris: Chiến thắng vĩ đại của Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới
Tuyên truyền cho nhân dân thế giới hiểu về tính chất chính nghĩa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam; tập hợp nhu yếu phẩm, hàng viện trợ; tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam, tích cực vận động dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, đấu tranh cho các chính sách hỗ trợ nạn nhân chiến tranh… Đó là một số những giải pháp được bạn bè quốc tế triển khai để ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam. Sự ủng hộ đó đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Hiệp định Paris 50 năm trước và thiết thực vun đắp cho quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước hôm nay.
VUFO năm 2023:  Đối ngoại nhân dân chú trọng phát triển kinh tế - xã hội VUFO năm 2023: Đối ngoại nhân dân chú trọng phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2023, chủ đề công tác trọng tâm của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) là “Đối ngoại nhân dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Đó là khẳng định của Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga trong cuộc trao đổi với báo chí trước thềm năm mới Quý Mão 2023.

Theo Báo Thế giới & Việt Nam

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dong-gop-cua-doi-ngoai-nhan-dan-trong-qua-trinh-dam-phan-va-ky-ket-hiep-dinh-paris-181614-181614.html

In bài viết