Chuyến tuần tra đầu năm mới của những người lính giữ bình yên biên cương Tổ quốc

13:21 | 23/01/2023

Không khí xuân đã hiện diện đâu đó nơi vùng biên A Lưới (Thừa Thiên Huế), nhưng những người lính Biên phòng vẫn vững tin gác lại hạnh phúc riêng để chắc tay súng, bảo vệ bình yên cho nhân dân nơi đây.
Quảng Bình: Ấm áp nghĩa tình Xuân biên giới Quảng Bình: Ấm áp nghĩa tình Xuân biên giới
Ấm tình nơi biên cương Tổ quốc Ấm tình nơi biên cương Tổ quốc

Tiếng còi vừa vang lên trên mảnh đất biên cương, Tổ tuần tra Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt (Bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế) đã tập trung hàng ngũ chỉnh tề trước sân đơn vị.

Ngay sau đó, Trung tá Nguyễn Đình Phúc, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt (Bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế) đã truyền lệnh cho các cán bộ, chiến sĩ bắt đầu chuyến tuần tra biên giới vào những ngày đầu năm mới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt trên đường tuần tra biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt trên đường tuần tra biên giới.

Đầu năm mới, tiết trời vùng cao biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đổi thay rõ nét. Giữa bốn bề núi non trùng điệp, những đám mây nhỏ bay sát những ngọn cây. Mây như đùa nghịch cùng những hạt mưa xuân, hòa quyện cùng cảm giác se se lạnh tạo nên một bức tranh mùa xuân rất nên thơ.

Dọc theo con đường tuần tra, những cây hoa mua tím đang khoe sắc dưới những lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc được người dân treo hai bên đường.

Trung tá Phúc cho biết: “Điểm khác biệt ở miền biên giới này, điểm báo mùa xuân đến không phải là những bông hoa cúc, hoa đào mà thay vào đó là những bông hoa lau, hoa mua tím”.

Được hành quân tuần tra cùng cán bộ và chiến sĩ, tôi mới trải nghiệm được hết nỗi gian lao, vất vả và hiểu thêm về nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của người lính biên phòng nơi đây. Thời tiết cuối năm lạnh giá, cái rét như cứa vào da thịt. Nhưng chỉ đi được 30 phút, gương mặt của nhiều chiến sĩ đã lấm tấm những giọt mồ hôi.

Chuyến tuần tra đầu năm mới của những người lính giữ bình yên biên cương Tổ quốc
Vượt đồi núi cao, các chiến sĩ chắc tay súng bảo vệ bình yên nơi "phên dậu" Tổ quốc.

“Điểm đầu tiên mà tổ tuần tra cần hướng đến là cột mốc 667. Đây được xem là mốc gần và dễ đi đến nhất so với các mốc mà đơn vị quản lý. Chỉ cần qua khe suối này, đi qua hai quả đồi nữa là đến. Nếu đi nhanh thì khoảng 1 tiếng nữa sẽ đến nơi. Còn một số mốc khác nếu đường thuận lợi, không mưa thì cũng phải mất cả ngày đi đường”, Trung tá Nguyễn Đình Phúc cho hay.

Có lẽ các chiến sĩ đã quen với địa hình biên giới nơi đây, nên những bước chân vẫn nối tiếp nhau, chắc chắn, đều đặn trên tuyến đường tuần tra. Còn đối với tôi, người đầu tiên được trải nghiệm thì thực sự vất vả.

Mới qua được đoạn khe đá cheo leo lại đến những đoạn đường dốc núi, tôi phải bám chặt vào những cây bên rừng để có thể nhấc từng bước chân bám theo đội hình tuần tra. Phải có một tình yêu lớn dành cho biên giới, một lời thề sắc son để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia thì những chiến sĩ biên phòng đây mới có động lực để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc.

Đưa tay giúp tôi vượt qua con dốc, Trung úy Nguyễn Thành Đạt, cán bộ vận động quần chúng (Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt), bộc bạch: “Mọi người thường nghĩ, lính biên phòng tuần tra bằng ngựa, như những hình ảnh trên những biểu tượng của người lính biên phòng. Tuy nhiên, nếu đường tuần tra mà đi được bằng ngựa thì có thể chúng tôi đã không phải vất vả như thế này. Chúng tôi vẫn xem việc chinh phục những chặng đường tuần tra, đến với những cột mốc biên giới là thước đo lòng can đảm và tình yêu với biên cương của Tổ quốc của mỗi cán bộ, chiến sĩ”.

Thời gian dần trôi theo những bước chân không mỏi của những chiến sĩ biên phòng. Mọi người kể những câu chuyện thú vị về công việc hàng ngày khiến tôi chú ý và quên đi cảm giác mệt mỏi mà cột mốc 667 hiện ra trước mắt lúc nào không hay.

Bên cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.
Các chiến sĩ dừng chân bên cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.

Giữa mây trời, đồi núi trùng điệp, cột mốc 667 sừng sững hiên ngang giữa đất trời. Vừa đặt chân đến nơi, các chiến sĩ biên phòng thực hiện nghi lễ chào cột mốc, một hình ảnh thiêng liêng và tự hào của người lính biên phòng. Xong rồi, mọi người lại tản ra, mỗi người mỗi việc. Người lau chùi cột mốc, người phát quang xung quanh. Sau khi xong hết mọi việc, mọi người ngồi nghỉ giải lao, cùng nhau kể về những kỷ niệm trên những chuyến tuần tra biên giới.

Sau giờ nghỉ giải lao, các chiến sĩ lại tiếp tục những bước chân trên chặng đường tuần tra, đến với những cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.

“Đối với những người lính biên phòng luôn xác định đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt. Nên với chúng tôi, dù không về quê đón Tết với gia đình thì vẫn có niềm vui lớn khi nhìn thấy mùa xuân an lành về khắp bản làng biên giới, cùng đồng bào nơi đóng quân chào đón mùa xuân mới”, Trung tá Nguyễn Đình Phúc tâm sự.

Có lẽ đúng như vậy, với trách nhiệm với nhân dân và tình yêu với biên giới, những chiến sĩ biên phòng nơi đây luôn chắc tay súng, ngày đêm canh gác, bảo vệ bình yên cho biên cương và cho cả người dân nơi đây.

Xuân biên cương, Tết hải đảo diễn ra sôi nổi trên các tỉnh thành Xuân biên cương, Tết hải đảo diễn ra sôi nổi trên các tỉnh thành
Nhiều hoạt động sôi nổi tri ân người lính, bà con khó khăn tại vùng biên giới, hải đảo diễn ra trên các tỉnh thành cả nước.
"Xuân biên cương" với gia đình quân nhân huyện đảo Trường Sa
Tại thành phố Cam Ranh, đã tổ chức Chương trình “ Xuân biên cương - sẻ chia cùng hậu phương Trường Sa”.

Đông Phong

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chuyen-tuan-tra-dau-nam-moi-cua-nhung-nguoi-linh-giu-binh-yen-bien-cuong-to-quoc-181477.html

In bài viết