Trao giải cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện":

Toả sáng những câu chuyện về tình hữu nghị “mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”

12:34 | 13/12/2022

Ban Tổ chức cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện" đã trao 28 giải thưởng cho các tác giả/nhóm tác giả trong tổng số hơn 6.200 bài dự thi. Hơn cả một cuộc thi, “Kỷ vật kể chuyện” góp phần vun đắp, nuôi dưỡng tình cảm hữu nghị nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
50 năm sưu tầm chứng tích tình yêu với đất nước Lào 50 năm sưu tầm chứng tích tình yêu với đất nước Lào
Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” thu hút hơn 6.200 tác phẩm dự thi Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” thu hút hơn 6.200 tác phẩm dự thi

Đông đảo nhân dân hai nước tham gia

Ngày 13/12/2022 tại Hà Nội, tạp chí Thời Đại (cơ quan của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Hội hữu nghị Lào - Việt Nam tổ chức Lễ trao giải cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện”.

Dự Lễ trao giải, đại biểu Việt Nam có: bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương; bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng.

Trao giải cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện"
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Sẻng Phết Hùng Bun Nhuông (ngoài cùng bên trái) và ông Trần Văn Túy, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào (ngoài cùng bên phải) trao chứng nhận và kỷ niệm chương cho hai tác giả đạt giải Nhất: Tráng Lao Lử và Khamkeo Vôngphila (Ảnh: Thu Hà).

Đại biểu nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào có: ông Sẻng Phết Hùng Bun Nhuông, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam; ông Chăn Tha Phon Khăm Ma Ni Chăn, Tham tán - Phó Đại sứ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam; ông Sài Khoỏng Sài Nà Sỉn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam.

Đại biểu Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam - Lào có: Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi; ông Trần Văn Túy, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào; ông Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào; ông Lê Văn Hân, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào.

Toả sáng những câu chuyện về tình hữu nghị “mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”
Bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (ngoài cùng, bên trái) và bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương (ngoài cùng, bên phải) trao chứng nhận và kỷ niệm chương cho các tác giả đạt giải Nhì (Ảnh: Thu Hà).

Tại chương trình, Ban Tổ chức cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện" đã công bố quyết định trao giải thưởng cho các tác giả/nhóm tác giả, gồm: 02 giải Nhất, 04 giải Nhì, 07 giải Ba, 10 giải Khuyến khích và 05 giải Ấn tượng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Sẻng Phết Hùng Bun Nhuông, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa của cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện”, dù diễn ra trong thời gian không dài nhưng đã thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân hai nước tham gia, thể hiện nghĩa tình sâu nặng giữa hai dân tộc.

"Từ Thủ đô Viêng Chăn đến chiến khu kháng chiến Hủa Phăn, từ tỉnh cực bắc Phongsaly đến các tỉnh Nam Lào, từ những cựu binh đã từng tham gia kháng chiến đến các thế hệ thanh thiếu niên trẻ tuổi đều đón nhận Cuộc thi với tất cả tấm lòng. Nhiều bài thi được đầu tư công phu, có nội dung phong phú, hình thức đa dạng, nhiều câu chuyện xúc động gây ấn tượng sâu sắc đối với người đọc. Hơn cả một cuộc thi, “Kỷ vật kể chuyện” đã góp phần vun đắp, nuôi dưỡng tình cảm hữu nghị nhân dân hai nước Việt Nam - Lào”, ông Sẻng Phết Hùng Bun Nhuông nhận xét.

Trao giải cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện"
Ông Lê Văn Hân, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào (ngoài cùng bên trái) và ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (ngoài cùng bên phải) trao chứng nhận và kỷ niệm chương cho các tác giả đạt giải Ba (Ảnh: Thu Hà).

Tiếp nối trang sử hữu nghị Việt Nam - Lào

Chúc mừng các tác giả được tôn vinh tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết, thành công của cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện" là một đóng góp có ý nghĩa vào Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022. Những câu chuyện được nghe hôm nay càng thôi thúc chúng ta nỗ lực nhiều hơn nữa để trao truyền cho thế hệ mai sau về truyền thống đoàn kết, hữu nghị của các thế hệ cha ông, để các thế hệ hôm nay và mai sau viết tiếp những trang mới vẻ vang của tình hữu nghị Việt Nam - Lào.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga tin tưởng sẽ có nhiều hơn nữa các câu chuyện xúc động và cũng sẽ có thêm nhiều cách làm hay để tôn vinh, nhân rộng những tấm gương của các cá nhân, tập thể, địa phương có nhiều đóng góp vào việc phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, góp phần vào việc vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước “mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông” như lời Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn và “sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trao giải cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện"
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu tại Lễ trao giải (Ảnh: Thu Hà).

Thay mặt Ban tổ chức Cuộc thi, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đánh giá: “Kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2022); 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022), với vai trò nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, trong đó có Chương trình truyền thông đặc biệt “60 năm hữu nghị Việt Nam - Lào: Chung dãy Trường Sơn”.

Triển khai thực hiện chương trình này, tạp chí Thời Đại (cơ quan của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) đã phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào và Hội hữu nghị Lào - Việt Nam tổ chức Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện".

Toả sáng những câu chuyện về tình hữu nghị “mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”
Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng (thứ ba từ trái sang) và ông Chăn Tha Phon Khăm Ma Ni Chăn, Tham tán - Phó Đại sứ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam (ngoài cùng bên phải) trao chứng nhận và kỷ niệm chương cho các tác giả đạt giải Khuyến khích (Ảnh: Thu Hà).
Từ khi phát động đến ngày 15/9/2022 (ngày kết thúc nhận bài tham gia Cuộc thi), Ban Tổ chức đã tiếp nhận 6.215 bài viết, với sự tham gia của 48 đơn vị, hàng chục địa phương và hàng ngàn tác giả cá nhân ở Việt Nam và Lào.

Chính thức phát động từ ngày 09/5/2022, cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” đã đạt được các mục tiêu Ban Tổ chức đề ra. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân hai nước; là diễn đàn ôn lại những tháng ngày gian khổ, hào hùng, cùng chia ngọt sẻ bùi giữa những người anh em Việt - Lào trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác. Những kỷ vật vô giá khiến chúng ta hết sức xúc động, tự hào; thôi thúc chúng ta cùng suy nghĩ, hành động hướng tới tương lai quan hệ Việt - Lào ngày càng phát triển”.

Toả sáng những câu chuyện về tình hữu nghị “mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”
Ông Sài Khoỏng Sài Nà Sỉn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam (ngoài cùng bên trái) và Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào (ngoài cùng bên phải) trao chứng nhận và kỷ niệm chương cho các tác giả đạt giải Ấn tượng (Ảnh: Thu Hà).

Phía Việt Nam, toàn bộ hệ thống Hội hữu nghị Việt Nam - Lào từ cấp Trung ương đến huyện, xã, Hội Cựu chiến binh, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Gần 20 trường đại học, cao đẳng có khoa tiếng Lào, hệ thống Bộ đội Biên phòng các tỉnh giáp biên, kết nghĩa với Lào; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Công an… Các tập đoàn, tổ chức kinh tế kinh doanh hợp tác với Lào, các văn nghệ sĩ. Phía Lào cũng được phát động và tham gia của các hệ thống tương tự như ở Việt Nam.

Theo Ban tổ chức, tác giả tham gia cuộc thi có 50% là cựu chiến binh; 30% là các lưu học sinh; ngoài ra còn có sự tham gia của quan chức Lào, giới giải trí (nhạc sỹ, ca sỹ, á hậu), nhà báo, sinh viên, người dân. Người trẻ nhất là 18 tuổi, lớn tuổi nhất là 100 tuổi. Đa số bài thi của các tác giả từ 60 đến 80 tuổi. Kỷ vật chủ yếu được trao tặng trong thời kỳ kháng chiến. Người tham gia thi trẻ tuổi kỷ vật thường gắn với quà tặng trong học tập, khen thưởng và đồ dùng phòng chống dịch Covid-19.

Trao giải cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện"
Ban Tổ chức cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện" và đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các tác giả đạt giải (Ảnh: Thu Hà).

Thông qua cuộc thi, ông Khăm Keo Vong Phi La, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Viêng Chăn, Lào - người từng được tặng Huy chương hữu nghị của Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào đã tìm được bố mẹ nuôi người Việt Nam. Đó là cụ Trần Văn Túc và cụ Dương Thị Mai (xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).

Em Sard Yang (sinh năm 2008, tại Xiêng Khoảng, Lào) từng là bệnh nhân ung thư sang Việt Nam chữa bệnh. Em được nhiều người Việt Nam ủng hộ, hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm. Đến nay, sau 5 năm, nhờ cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện”, gia đình Sard Yang đã được kết nối trở lại thông qua Hội người Việt tại Xiêng Khoảng. Sard Yang hiện tại đã có sức khỏe ổn định và đang có cơ hội gặp lại những ân nhân Việt Nam.

Nhiều tác giả sau khi gửi bài thi đã đến trao kỷ vật cho Ban Tổ chức. Điển hình là ngày 30/7/2022, ông Lê Reo (80 tuổi, Triệu Sơn, Thanh Hóa) tặng cho Ban Tổ chức khoảng 60 kỷ vật. Các kỷ vật có được trong giai đoạn những năm 1965 - 1967, chủ yếu đến từ khu vực Xiêng Khoảng, Sầm Nưa, Hủa Phăn, Viêng Chăn; Tác giả Dương Mạnh Việt (Thái Nguyên) gửi tặng 10 kỷ vật...

Danh sách tác phẩm, tác giả đạt giải thưởng cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện"

Giải nhất

1. Những kỷ vật gợi nhớ tới lãnh tụ cách mạng Lào. Tác giả: Tráng Lao Lử, Bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

2. Bức ảnh cùng gia đình bố mẹ nuôi năm 1969. Tác giả: Khamkeo Vôngphila - nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Viêng Chăn (Lào), ở Bản Kơn Nưa, huyện Thurakhôm, tỉnh Viêng Chăn.

Giải nhì

1. Trái ngọt tình gia đình. Tác giả: Trần Văn Túc, ở khu 3 xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

2. Bức họa chân dung công chúa Lào. Tác giả: Đinh Thế Đoan, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

3. Con dao găm - Người bạn của người chiến sĩ Việt Nam trong cuộc kháng chiến. Tác giả: Đào Văn Tiến, cựu chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, ở ngõ Hòa Bình 6, phố Minh Khai, Hà Nội.

4. Báu vật tình yêu Việt - Lào. Tác giả: Tiến sĩ Bountheng Souksavatd, nguyên Viện trưởng, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào, ở bản Sisavạt, mường Chăn tha bu li; thủ đô Viêng Chăn, Lào.

Giải ba:

1. Giấy chứng nhận hộ nghèo - Chia gánh nặng, cùng Sard Yang vượt qua cửa tử. Tác giả: Tua Yang, ở bản Phonsavanhxay, huyện Pạch, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào.

2. Chiếc xe đạp của bố nuôi bộ đội biên phòng. Tác giả: Hồ Thị Nghin, ở bản La Lay A Sói, Lào.

3. Những huân huy chương sờn màu của người lính lái xe Đoàn 959. Tác giả: Đỗ Trường Hùng, ở phố Cù Chính Lan, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

4. Đôi thùng chứa nước gò bằng vỏ ống pháo sáng. Tác giả: Vũ Trình Tường - Hội Trường Sơn Việt Nam.

5. Chuyến đi tuổi trẻ và bài hát Cô gái Viêng Chăn. Tác giả: Ca sĩ, nhạc sĩ Bùi Tuấn Ngọc - Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Mai Dịch, Hà Nội.

6. Bằng khen tác phẩm âm nhạc xuất sắc nhất của Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch Lào. Tác giả: Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, ở đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

7. Tấm phiếu học tập của người bạn Lào. Tác giả: Tập thể lãnh đạo Trường Đại học Công đoàn.

Giải khuyến khích:

1. Ca khúc “Em gái Viêng Chăn - Cô gái nước Lào”. Tác giả: Nguyễn Văn Thà, ở phố Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

2. Chiếc nỏ vô giá của người cha Kẹo MaLaIn. Tác giả: Đặng Hùng Kế, ở ngõ 65, đường Lê Viết Thuật, Vinh, Nghệ An.

3. Tấm bằng khen ở trong lòng. Tác giả: Vũ Trình Tường - Hội Trường Sơn Việt Nam.

4. Chiếc bát ăn làm bằng tre đỏ linh thiêng và hành trình tìm đồng đội trên đất nước Triệu Voi. Tác giả: Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Phạm Minh Giám, ở tổ 25, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình)

5. Chiếc âu màu vàng. Tác giả: Lò Quỳnh Hiếu (Đoàn Thanh niên Sơn La)

6. Những kỷ vật vô giá thời sinh viên tại Việt Nam của tôi. Tác giả: Tiến sĩ Bountheng Souksavatd, nguyên Viện trưởng, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào.

7. Tấm ảnh chân dung Bác Hồ - động lực để tôi cố gắng học tập, tu dưỡng. Tác giả: Anousay Savat, ở bản Mương Nga, thành phố Luông Prabang, tỉnh Luông Prabang.

8. Típ xôi của người mẹ Lào nặng lòng với bộ đội Việt. Tác giả: Đại tá Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Bình.

9. Chiếc áo HUST - động lực giúp nghiên cứu sinh Lào vượt khó khăn trong học tập. Tác giả: Luangoudom Sonxay (Lào).

10. Thư của người đồng chí, người bạn Việt Nam. Tác giả: Hán-sạ-nạ sý-sán, ở bản Nong-Tha-Tảy, mường Chăn-Thạ-Bu-Ly, thủ đô Viêng Chăn.

Giải ấn tượng

1. Đơn vị có nhiều người tham gia Cuộc thi nhất. Tác giả: Trường Hữu nghị 80.

2. Người cao tuổi nhất tham gia Cuộc thi. Tác giả: Huỳnh Thúc Cẩn, 94 tuổi, Đại tá quân đội, cựu chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào.

3. Người trẻ tuổi nhất tham gia Cuộc thi. Tác giả: Hồ Thị Nghin, ở bản La Lay A Sói (Lào).

4. Người nhiều kỷ vật nhất. Tác giả: Lê Reo (78 tuổi, cựu quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào, ở xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoa.

5. Tác phẩm dự thi kỳ công nhất. Tác giả: Hồ Thị Khánh Vi, cán bộ Công an tỉnh Kon Tum.

Phò Thít Tha, người dẫn đường trong vòng sinh tử Phò Thít Tha, người dẫn đường trong vòng sinh tử
Cuộc thi Kỷ vật kể chuyện: Nhiều câu chuyện xúc động về tình nghĩa Việt - Lào Cuộc thi Kỷ vật kể chuyện: Nhiều câu chuyện xúc động về tình nghĩa Việt - Lào

Thành Luân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/toa-sang-nhung-cau-chuyen-ve-tinh-huu-nghi-mai-mai-vung-ben-hon-nui-hon-song-179853.html

In bài viết