Triển khai Ngoại giao số của Việt Nam: Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị

06:36 | 03/11/2022

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Triển khai Ngoại giao số của Việt Nam: Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị”.
Khai mạc Tuần lễ giao lưu văn hóa, thương mại và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh Khai mạc Tuần lễ giao lưu văn hóa, thương mại và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh
Trà Vinh triển khai 4 nội dung thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em Trà Vinh triển khai 4 nội dung thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em
Triển khai Ngoại giao số của Việt Nam: Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị
Quang cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: Minh Đức/TTXVN).

Đây là hoạt động góp phần thiết thực thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với Bộ Ngoại giao, Tọa đàm giúp triển khai các định hướng quan trọng về ngoại giao số, song hành triển khai cùng Kế hoạch chuyển đổi số tại Bộ Ngoại giao.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhận định, chuyển đổi số đang tạo một sân chơi bình đẳng trên phạm vi toàn cầu, trong đó các nước đều phải đẩy nhanh tiến trình này để không bị tụt hậu. Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, ngoại giao số ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu, là công cụ đắc lực để các nước triển khai chính sách đối ngoại, nâng cao tiếng nói, vai trò và vị thế trên thế giới. Thứ trưởng đề nghị đại biểu tập trung trao đổi về các vấn đề liên quan triển khai ngoại giao số, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, đề xuất biện pháp cụ thể thúc đẩy triển khai ngoại giao số của Việt Nam trong thời gian tới.

Tại tọa đàm, các Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Ấn Độ, Australia, Singapore… đã chia sẻ chính sách, kinh nghiệm và thực tiễn triển khai ngoại giao số ở địa bàn. Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu các chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số; thành tựu của Việt Nam trong xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số bao gồm đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số.

Hầu hết các diễn giả đều nhấn mạnh, thời gian qua, đặc biệt kể từ sau đại dịch COVID-19, ngoại giao số ngày càng khẳng định vai trò là một phương thức hữu hiệu, bổ trợ cho ngoại giao truyền thống, góp phần mang lại mức độ tương tác chưa từng có giữa các nước. Theo đó, các quốc gia có trình độ phát triển khác nhau đều nhanh chóng nắm bắt để có thể triển khai chính sách đối ngoại một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy chuyển đổi số, hợp tác số trở thành một nội hàm ngày càng quan trọng trong quan hệ quốc tế. Công nghệ số hiện nay không còn đơn thuần là một yếu tố kỹ thuật mà là một lĩnh vực hợp tác ngày càng quan trọng giữa các quốc gia, với nhiều quan hệ đối tác số được thiết lập.

Trên cơ sở đó, các diễn giả đã trao đổi những vấn đề đặt ra đối với triển khai ngoại giao số Việt Nam; đồng thời đề xuất nhiều khuyến nghị để phát huy nền tảng số trong công tác đối ngoại bao gồm: đầu tư nguồn lực, cải thiện cơ sở hạ tầng, ra quyết định dựa trên dữ liệu, tăng cường cung cấp các dịch vụ công cho người dân trên nền tảng số, đào tạo đội ngũ các nhà ngoại giao tinh thông công nghệ, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật để triển khai ngoại giao số. Đồng thời, công tác đối ngoại cần đồng hành, hỗ trợ các bộ ngành, địa phương trong tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt là tìm hiểu, tham mưu dự báo xu hướng phát triển của nền kinh tế số toàn cầu, giới thiệu các mô hình công nghệ số của các nước, định hướng cho các bộ ngành địa phương trong tham gia các liên kết số, tận dụng nền tảng số để quảng bá đất nước và đóng vai trò “người bán hàng” đưa các sản phẩm số của Việt Nam đến với người tiêu dùng toàn cầu.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh triển khai ngoại giao phục vụ phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 tháng 12/2021 đã xác định ngoại giao số cũng là một nội hàm ưu tiên thúc đẩy. Trong bối cảnh đó, những nội dung chia sẻ, thảo luận tại Tọa đàm sẽ giúp thúc đẩy việc chuyển đổi số trong triển khai hoạt động đối ngoại của Việt Nam theo hướng bài bản hơn, với chiến lược, định hướng, phương châm, quan điểm cụ thể. Đồng thời, công tác đối ngoại cũng nỗ lực phát huy vai trò tiên phong trong thúc đẩy hội nhập về các nội hàm và lĩnh vực liên quan công nghệ số, tạo thuận lợi cho sự tham gia của Việt Nam trong các liên kết kinh tế số, cùng các nước định hình luật chơi phù hợp với lợi ích của ta, qua đó góp phần tranh thủ nguồn lực phục vụ giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Việt Nam giới thiệu ẩm thực và văn hóa tại Hội chợ ngoại giao Nam Phi Việt Nam giới thiệu ẩm thực và văn hóa tại Hội chợ ngoại giao Nam Phi
Triển lãm số Triển lãm số "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý"

Anh Vũ (T/H)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/trien-khai-ngoai-giao-so-cua-viet-nam-nhung-van-de-dat-ra-va-khuyen-nghi-177858.html

In bài viết