Dư âm đẹp của Ngày Việt Nam ở nước ngoài

18:51 | 08/10/2022

Ngày Việt Nam tại Áo mở màn thành công cho chuỗi hoạt động đặc sắc của Ngày Việt Nam ở nước ngoài năm 2022 được Bộ Ngoại giao tổ chức từ nay đến cuối năm, để lại dư âm tốt đẹp trong lòng công chúng và cộng đồng người Việt tại Áo.
Chương trình “Những ngày Việt Nam tại Anh”: góp phần thắt chặt tình hữu nghị hai nước Chương trình “Những ngày Việt Nam tại Anh”: góp phần thắt chặt tình hữu nghị hai nước
Ngày Việt Nam ở nước ngoài Ngày Việt Nam ở nước ngoài
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự sự kiện Ngày Việt Nam ở Áo. (Nguồn: Ban tổ chức)
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự sự kiện Ngày Việt Nam ở Áo. (Nguồn: Ban tổ chức)

Diễn ra vào ngày 28-29/9 tại Vienna (Áo), Ngày Việt Nam tại Áo góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai quốc gia, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và giới thiệu văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Cùng với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhân chuyến thăm chính thức đến Áo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên, sự kiện thu hút quan tâm của các chính trị gia, doanh nghiệp và người dân tại Áo như Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Áo Peter Launsky-Tieffenthal, Phó Chủ tịch Phòng Kinh tế Áo Amelie Gross…

Với ba điểm nhấn nổi bật là Không gian Văn hóa Việt Nam, Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Diễn đàn Doanh nghiệp, Ngày Việt Nam tại Áo đã mang đến cái nhìn tổng quan về quan hệ hợp tác, hữu nghị 50 năm giữa hai nước.

Việt Nam giàu bản sắc

Diễn ra tại cung điện Palffy Palais tại Vienna, Không gian Văn hóa Việt Nam mang đến cho công chúng cơ hội tìm hiểu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển quan hệ hai nước thông qua triển lãm 34 bức ảnh về các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai bên. Bên cạnh đó, triển lãm Sức sống Việt Nam cũng trưng bày nhiều hình ảnh sinh động về vẻ đẹp của các điểm đến tại Việt Nam.

Cũng tại không gian này, công chúng được tham gia trải nghiệm các loại hình nghệ thuật đặc sắc như: nghệ thuật trà Việt, nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ, biểu diễn nghệ thuật tranh sơn mài, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trình diễn áo dài truyền thống Việt Nam… Các hoạt động thu hút nhiều lượt khách tham dự, trong đó có các bạn bè quốc tế, kiều bào tại Áo và một số nước lân cận.

Không gian văn hóa Việt Nam hấp dẫn khách mời bởi các hoạt động tương tác sôi nổi của các nghệ sĩ và nghệ nhân. Lần đầu tiên được giới thiệu và trải nghiệm trực tiếp, nhiều người dân Áo tỏ ra vô cùng thích thú, không ít bạn trẻ đã ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt này và chia sẻ trên mạng xã hội.

Tại nơi trưng bày và thưởng thức nghệ thuật uống trà Việt Nam, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn đã trình diễn pha trà và thưởng trà mang đậm phong cách mộc mạc, giản dị và tinh tế của người Việt.

Người xem cũng thích thú trực tiếp trải nghiệm các công đoạn khắc tranh Đông Hồ từ nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm cùng với những tác phẩm tiêu biểu của dòng tranh độc đáo này. Tại đây, ông hướng dẫn người tham dự cách in tranh từ các bản khắc tranh gia truyền đã được lưu giữ và truyền lại từ nhiều thế hệ trong gia đình nghệ nhân.

Đặc biệt, lần đầu tiên nghệ thuật sơn mài truyền thống được đến gần và trực quan hơn với bạn bè quốc tế dưới sự hướng dẫn của họa sĩ, giảng viên khoa sơn mài tại trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Trần Anh Tuấn. Không chỉ vậy, không gian của sự kiện thêm phần sống động với màn biểu diễn lúc sâu lắng, khi rộn ràng của các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn nhị, đàn tỳ bà, đàn T’rưng và đàn K’rong put do các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)biểu diễn.

Một điểm nhấn khác là sự tham gia của nhà thiết kế thời trang gốc Việt La Hồng và hai nhà thiết kế người Áo Anita Stolnberger - Oimtrocht và Markus Spatzier. Bộ sưu tập thời trang được trình diễn tại đây là sự kết hợp đầy cảm xúc giữa áo dài Việt Nam và trang phục dân tộc của Áo, đem đến cái nhìn mới mẻ về áo dài và gửi đi thông điệp kết nối văn hóa không biên giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại sự kiện Ngày Việt Nam ở Áo. (Nguồn: Ban tổ chức)
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại sự kiện Ngày Việt Nam ở Áo. (Nguồn: Ban tổ chức)

Giao hưởng của sự kết nối

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Áo, khách mời đã tham dự Lễ thượng cờ và cử Quốc ca hai nước theo phong cách opera, đồng thời thưởng thức các tác phẩm âm nhạc tiêu biểu của hai nước do dàn nhạc giao hưởng thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các nghệ sĩ Áo trình diễn.

Chương trình được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Mozart, (Vienna) giới thiệu đến công chúng Áo và kiều bào Việt Nam những tác phẩm đặc sắc thể loại giao hưởng-thính phòng của Áo và dân ca của Việt Nam như: Die Forelle của nhà soạn nhạc Franz Schubert, đoạn trích vở nhạc kịch Cây sáo thần của nhà soạn nhạc Mozart và Trống cơm, Trở về đất mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương….

Trong buổi tiếp xúc giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Áo Peter Launsky - Tieffenthal Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, văn hóa và âm nhạc cổ điển đã góp phần kết nối và đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước. Thứ trưởng cũng thông tin về kế hoạch hợp tác giữa Bộ và Trường Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật biểu diễn Áo, dự kiến khởi động trong năm 2023. Ngoài ra, thông qua kênh hợp tác ASEA Uninet, nhiều chuyên gia của Áo đã sang giảng dạy, giao lưu học thuật và biểu diễn tại Việt Nam.

Chia sẻ tại đây, Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Áo Peter Launsky-Tieffenthal đánh giá cao Việt Nam cử đoàn nghệ thuật giao hưởng sang biểu diễn nhân dịp kỷ niệm dấu mốc đặc biệt trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước; bày tỏ sự kỳ vọng và tin tưởng vào thành công trong kế hoạch hợp tác sắp tới giữa các cơ sở đào tạo nghệ thuật của hai nước.

Ông Peter Launsky-Tieffenthal còn phấn khởi chia sẻ về trải nghiệm du lịch bằng đường bộ dọc chiều dài đất nước Việt Nam và khẳng định tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, con người và văn hóa sẽ giúp du lịch Việt Nam ngày càng phát triển.

Khán phòng hoà nhạc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo. (Nguồn: Ban tổ chức)
Khán phòng hoà nhạc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo. (Nguồn: Ban tổ chức)

Nhiều cơ hội hợp tác kinh tế

Không chỉ nhấn mạnh hợp tác văn hóa, tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Na - Áo, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Tổng Thư ký Peter Launsky-Tieffenthal đã điểm lại bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế giữa hai nước trong thời gian qua. Việt Nam khẳng định Áo nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 gần 3,5 tỷ USD.

Khẳng định này tiếp tục được Bộ trưởng nêu bật tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Áo do Bộ Ngoại giao phối hợp với Phòng kinh tế Áo (WKO) tổ chức, thu hút gần 50 đại diện doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp hai nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự quan tâm, tham dự tích cực của doanh nghiệp hai nước trên nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp chế tạo, xuất nhập khẩu, đầu tư... thể hiện nguyện vọng thúc đẩy thực chất quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Áo, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

Bộ trưởng đề nghị, thời gian tới, doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và tiềm năng hợp tác như công nghệ cao, năng lượng sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo nghề, chuyển đổi số, dược phẩm, du lịch và thương mại nông sản.

Tại diễn đàn lần này, nhiều doanh nghiệp Áo đã chia sẻ tiềm năng và kinh nghiệm hợp tác tại Việt Nam. Giám đốc khu vực châu Á của KWO Christine Schoessen nhận định, Việt Nam là quốc gia đang tăng trưởng nhanh và ổn định, có các điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp Áo đầu tư.

Có thể nói, Diễn đàn là sự kiện khép lại Ngày Việt Nam tại Áo nhưng lại mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Trước đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã làm việc với WKO và đề nghị tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế thông qua các hoạt động đào tạo nghề, khuyến khích doanh nghiệp Áo sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác, thúc đẩy Quốc hội Áo sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Bộ trưởng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy cải cách, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà doanh nghiệp nước ngoài và luôn chào đón các doanh nghiệp Áo đến Việt Nam.

Ngày Việt Nam ở nước ngoài là chương trình quảng bá quốc gia thường niên được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức từ năm 2010.

Chương trình thường diễn ra bên lề các chuyến thăm chính thức của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới các nước đối tác và nhận được sự tham gia, hưởng ứng rộng rãi của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ngày Việt Nam tại Ấn Độ năm 2022 dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 3-4/11 tại thủ đô New Delhi, chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ.

Chương trình Ngày Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2022 sẽ diễn ra từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12.

“Bảo tàng số” - Phương thức mới quảng bá văn hóa Việt “Bảo tàng số” - Phương thức mới quảng bá văn hóa Việt
Muôn sắc quảng bá văn hóa Việt Muôn sắc quảng bá văn hóa Việt

Theo An Lê/Báo Thế giới & Việt Nam

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/du-am-dep-cua-ngay-viet-nam-o-nuoc-ngoai-176583.html

In bài viết