Kết hợp bảo đảm quyền con người trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

09:04 | 22/08/2022

Việc kết hợp giữa cách tiếp cận trừng trị tội phạm của tư pháp hình sự và cách tiếp cận về bảo đảm nhân quyền trong luật nhân quyền quốc tế sẽ giúp làm tăng hiệu quả của cả hai hoạt động ngăn ngừa, xóa bỏ tham nhũng và bảo đảm quyền con người.
Hội đồng Nhân quyền LHQ: Thông qua Nghị quyết về quyền con người do Việt Nam đề xuất Hội đồng Nhân quyền LHQ: Thông qua Nghị quyết về quyền con người do Việt Nam đề xuất
Việt Nam và nỗ lực bảo đảm quyền con người một cách toàn diện Việt Nam và nỗ lực bảo đảm quyền con người một cách toàn diện

Tiếp cận quyền con người trong phòng chống tham nhũng

Phòng, chống tham nhũng là một vấn đề thuộc về tư pháp hình sự. Pháp luật về phòng, chống tham nhũng của nhiều quốc gia thường chỉ tập trung vào việc điều tra, truy tố, xét xử và trừng trị những hành vi tham nhũng với tính chất là những tội phạm thuần túy mà không nhận thấy rằng hành vi tham nhũng không chỉ gây tổn hại tới trật tự quản trị công, mà còn gây ra những vấn đề nghiêm trọng về quyền con người.

Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp năm 1789 khẳng định: “Sự thiếu hiểu biết, hờ hững hoặc coi thường các quyền con người chính là nguyên nhân dẫn đến những tai họa của cộng đồng và dẫn đến sự thối nát của các chính quyền”. Khái niệm “thối nát” ở đây có hàm ý cơ bản về tình trạng tham nhũng - nó cho thấy sự cần thiết phải bảo đảm quyền con người để có thể phòng, chống tham nhũng. Đây cũng là quan điểm của các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc khi khẳng định: “Không quan tâm đến quyền con người khi chống tham nhũng là một sai lầm về đạo đức và chiến lược”.

Thực tế, khi nhận thức rõ tác hại của tham nhũng với quyền con người, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực tiễn áp dụng ở các quốc gia sẽ có sự điều chỉnh để bảo đảm trừng trị nghiêm khắc những hành vi tham nhũng, đặc biệt là không có sự miễn trừ nào với những kẻ tham nhũng và áp dụng các biện pháp bồi thường, khắc phục thiệt hại vật chất trong luật dân sự với những kẻ tham nhũng.

Kết hợp bảo đảm quyền con người trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Tiếp cận quyền con người trong phòng, chống tham nhũng giúptăng hiệu quả của cả hai hoạt động ngăn ngừa, xóa bỏ tham nhũng và bảo đảm quyền con người (Ảnh minh họa).

Theo các chuyên gia, sở dĩ cần áp dụng các biện pháp hình sự nghiêm khắc với tội phạm tham nhũng vì đây là một dạng tội phạm đặc biệt, gây ra tác động tiêu cực về nhiều mặt. Chủ thể của tội phạm tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Với quyền lực như vậy, những kẻ tham nhũng thường tìm cách trốn tránh sự trừng phạt, bao gồm cả việc sử dụng quyền lực để thao túng quá trình điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan công quyền để được miễn trừ hoặc chỉ phải chịu những hình phạt nhẹ hơn so với hành vi phạm tội của họ. Nếu không ngăn chặn được việc này sẽ không thể phòng, chống tham nhũng hiệu quả, đồng nghĩa với việc không thể bảo đảm các quyền con người, trong đó bao gồm quyền bình đẳng trước pháp luật và trước cơ quan tiến hành tố tụng.

Từ góc độ quyền con người, việc thu hồi tài sản do tham nhũng hiệu quả sẽ giúp nhà nước có đủ nguồn lực bảo đảm các quyền con người cơ bản về kinh tế, xã hội, văn hóa, đồng thời bảo vệ quyền của những chủ thể là nạn nhân trực tiếp của hành vi tham nhũng. Đây là cách tiếp cận của Công ước dân sự châu Âu về chống tham nhũng năm 1999, trong đó yêu cầu các quốc gia thành viên phải tính đến cả những thiệt hại và trách nhiệm của các bên liên quan trong quan hệ dân sự khi xảy ra tham nhũng, đặc biệt là tính đến việc bảo vệ người lao động - nạn nhân trong các vụ việc tham nhũng.

Tăng hiệu quả của hai hoạt động

Theo Cao uỷ Nhân quyền Liên hợp quốc: “Một chiến lược phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần dựa trên những nguyên tắc cơ bản của nhân quyền. Một cơ quan tư pháp độc lập, tự do báo chí, tự do biểu đạt, tiếp cận thông tin, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị là những yếu tố cốt yếu cho thành công của cả việc phòng, chống tham nhũng và bảo đảm nhân quyền”.

Việc tiếp cận quyền con người trong phòng, chống tham nhũng không có nghĩa là đòi hỏi sự “khoan dung”, “nương nhẹ” với những hành vi tham nhũng, từ đó gây khó khăn hay loại trừ hoạt động phòng, chống tham nhũng. Thay vào đó, việc này giúp nâng cao tính hiệu quả và tính bền vững của hoạt động phòng, chống tham nhũng.

Thực tế trên thế giới cho thấy, hai hoạt động phòng, chống tham nhũng và bảo đảm nhân quyền nếu kết hợp với nhau sẽ hỗ trợ, củng cố lẫn nhau. Ví dụ, khi các quyền dân sự, chính trị được bảo đảm thì khả năng phòng, chống tham nhũng trong hệ thống chính trị cũng tăng lên. Ngược lại, khi các nguyên tắc của quản trị tốt mà là nền tảng cho phòng, chống tham nhũng như công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình được thực hiện hiệu quả thì sẽ giúp kiềm chế những hành vi vi phạm các quyền con người.

Việc kết hợp bảo đảm quyền con người trong phòng, chống tham nhũng có thuận lợi cơ bản đó là hai hoạt động phòng, chống tham nhũng và bảo đảm nhân quyền cùng sử dụng một số biện pháp chung như tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các chủ thể có liên quan; thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và quyền tiếp cận thông tin do các cơ quan công quyền nắm giữ, tổ chức hệ thống báo cáo vi phạm, thực hiện…

Như vậy, việc sử dụng cách tiếp cận quyền con người trong phòng, chống tham nhũng đòi hỏi các quốc gia không chỉ phải sửa đổi một số qui định có liên quan của pháp luật hình sự và dân sự, mà còn cần phải thay đổi cả tư duy và hành động của các cơ quan và cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng và bảo đảm quyền con người. Trong việc này, cần lồng ghép việc bảo đảm quyền con người vào chiến lược phòng, chống tham nhũng và sử dụng các thiết chế và biện pháp trong cơ chế bảo đảm nhân quyền vào việc phòng, chống tham nhũng. Mặt khác, cũng cần thúc đẩy các yếu tố của quản trị tốt theo hướng không chỉ để phòng, chống tham nhũng mà còn để nâng cao hiệu quả, bảo đảm các quyền con người, đặc biệt là các quyền dân sự, chính trị như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

Hiện một số quốc gia đã có sự kết hợp chính thức giữa hai cơ chế bảo đảm quyền con người và phòng, chống tham nhũng, xét cả trong pháp luật và thực tế. Ở cấp độ khu vực, Hội đồng châu Âu đang tiên phong trong vấn đề này khi thành lập Nhóm các quốc gia phòng, chống tham nhũng, để thực hiện Công ước Luật dân sự châu Âu về chống tham nhũng năm 1999 và mời Cao uỷ Nhân quyền châu Âu chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn về việc áp dụng cách tiếp cận nhân quyền trong phòng, chống tham nhũng.

Mặc dù cách thức kết hợp giữa bảo đảm quyền con người và phòng, chống tham nhũng hiện vẫn chưa cụ thể và chưa thống nhất giữa các quốc gia, song đã có một số kinh nghiệm tốt ở một số quốc gia và khu vực mà Việt Nam có thể tham khảo.

Cụ thể như một số câu hỏi gợi ý của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong vấn đề này: “Làm thế nào để các cơ quan phòng, chống tham nhũng có thể nâng cao hiệu quả hoạt động của mình bằng cách lồng ghép cách tiếp cận nhân quyền? Làm thế nào để các cơ quan bảo đảm nhân quyền có thể thúc đẩy hoạt động của mình bằng cách xem xét hậu quả của tham nhũng với nhân quyền? Làm thế nào để kết hợp hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng và cơ quan bảo đảm nhân quyền của quốc gia một cách thực chất, toàn diện và hệ thống?”.

Việt Nam cũng có thể tham khảo ý kiến của Uỷ ban tư vấn trong đó khuyến nghị sử dụng các thiết chế và thủ tục về bảo đảm quyền con người, ở tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế, để xem xét các khía cạnh về nhân quyền trong các vụ việc tham nhũng, trên cơ sở phối hợp với các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng ở từng cấp độ.

Liên hợp quốc đánh giá cao nỗ lực bảo đảm quyền con người mạnh mẽ và minh bạch của Việt Nam Liên hợp quốc đánh giá cao nỗ lực bảo đảm quyền con người mạnh mẽ và minh bạch của Việt Nam
Việt Nam lồng ghép giáo dục về quyền con người trong sách giáo khoa Việt Nam lồng ghép giáo dục về quyền con người trong sách giáo khoa

Thùy Dương

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ket-hop-bao-dam-quyen-con-nguoi-trong-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-176282.html

In bài viết