Hành trình lan tỏa văn hóa Việt đến châu Phi của chàng trai Việt Nam

08:05 | 16/08/2022

Xây nhà, sửa trường, tặng gạo, tặng áo dài… cho người dân nghèo châu Phi - những việc làm thiết thực, giản dị đó của chàng trai Việt Nam Phạm Quang Linh và nhóm bạn đã lan tỏa tinh thần tương thân tương ái cùng những nét đẹp của văn hóa Việt Nam đến với vùng đất châu Phi.
Trại hè Việt Nam 2022: Lan tỏa tình yêu tiếng Việt qua cuộc thi kể chuyện Trại hè Việt Nam 2022: Lan tỏa tình yêu tiếng Việt qua cuộc thi kể chuyện
Lan tỏa tình yêu văn hóa Việt trong thế hệ trẻ kiều bào và bạn bè quốc tế Lan tỏa tình yêu văn hóa Việt trong thế hệ trẻ kiều bào và bạn bè quốc tế

Áo dài Việt dành tặng cô giáo châu Phi

Trong những vlog được Quang Linh chia sẻ, cộng đồng mạng đặc biệt xúc động với hình ảnh những cô giáo châu Phi duyên dáng, rạng ngời trong bộ áo dài truyền thống của Việt Nam. Trong video, các cô giáo châu Phi rất bất ngờ, xúc động với món quà ý nghĩa này. Họ liên tục gửi lời cảm ơn đến Phạm Quang Linh và những nhà hảo tâm, đồng thời không ngớt lời khen tặng những bộ áo dài mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

“Những bộ áo dài vừa vặn, duyên dáng và rất đẹp. Lần đầu tiên chúng tôi được khoác lên mình bộ quần áo đẹp như vậy. Cảm ơn các bạn Việt Nam rất nhiều”, nhiều cô giáo nói.

Hành trình lan tỏa văn hóa Việt đến châu Phi của chàng trai Việt Nam
Cô giáo Angola duyên dáng trong tà áo dài Việt Nam (Ảnh: Công Giáp).

Trong thời gian ở Angola (châu Phi), cùng hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người dân Angola, Phạm Quang Linh và những người bạn đã nỗ lực quảng bá văn hóa Việt. Từ các hoạt động thường nhật như nấu món ăn Việt, dạy các em nhỏ châu Phi tập nói những câu giao tiếp đơn giản, hay tập hát ca khúc Việt đến tổ chức các ngày lễ truyền thống của Việt Nam như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Quang Linh đều lồng ghép giới thiệu các nét văn hóa truyền thống Việt Nam…

Kênh YouTube “Quang Linh Vlogs - Cuộc sống châu Phi” được thực hiện bởi nhóm bạn 9 người, gồm 4 người Việt Nam và 5 người Angola, thường được anh gọi bằng cái tên gần gũi “team châu Phi”. Dù được quay trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, không qua chỉnh sửa hay thêm hiệu ứng nhưng các video lại gây ấn tượng mạnh với khán giả nhờ sự mộc mạc, giản dị.

Nội dung các video ghi lại cuộc sống hàng ngày của “team châu Phi” và những người dân bản địa từ làm việc, vui chơi, khám phá, trải nghiệm đến những dự án cộng đồng mang ý nghĩa nhân văn… qua đó, giúp người xem hiểu rõ thêm về cuộc sống, những nét văn hóa truyền thống độc đáo cùng sự thân thiện, hiếu khách của người dân châu Phi.

Kết quả của nỗ lực đó là ở một quốc gia cách Việt Nam hàng chục nghìn cây số có thể nghe thấy những ca khúc Việt Nam qua giọng hát của những em nhỏ Angola, là những cô giáo người châu Phi duyên dáng thướt tha trong những bộ áo dài. Hơn cả là những ấn tượng của người dân châu Phi về một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, yêu chuộng hòa bình, luôn sẵn sàng sẻ chia, tương trợ.

Đám cưới châu Phi theo phong tục Việt

Năm 2020, Quang Linh và các thành viên trong nhóm giúp Manuel Arlindo (thường gọi là Lindo) – người Angola đã đồng hành cùng nhóm trong suốt hành trình thiện nguyện tổ chức một đám cưới đậm bản sắc Việt.

Đám cưới có lễ bê tráp - nghi lễ mở đầu cho thủ tục ăn hỏi của người Việt, kết cổng cưới bằng lá dừa, đặc biệt là màn rước dâu đậm chất Việt Nam. Kể về ý tưởng tổ chức đám cưới Việt ở Angola, Quang Linh nói: "Biết tin Lindo sắp cưới vợ, nhưng phong tục ở Angola không có nghi lễ bê tráp, tôi đã nghĩ ra ý tưởng tổ chức lễ ăn hỏi theo phong tục Việt Nam để hôn lễ đặc sắc hơn. Lindo cũng là người thích thú và yêu văn hóa Việt nên ý tưởng khiến anh ấy rất hứng thú và ngay lập tức đồng ý. Ý tưởng này cũng được gia đình hai bên ủng hộ.

Thời gian từ khi lên ý tưởng đến triển khai thực hiện khoảng tầm hai tháng. Tôi cùng bạn bè tìm lá dừa để kết cổng cưới. Mọi người cùng nhau chuẩn bị trang phục cô dâu chú rể, các lễ vật làm sính lễ vì bên châu Phi mọi thứ không sẵn có để thuê hay mua giống Việt Nam".

Đám cưới của Lindo được tổ chức theo phong tục Việt Nam (Ảnh cắt từ clip).
Đám cưới của Lindo được tổ chức theo phong tục Việt Nam (Ảnh: Quang Linh).

Quang Linh chia sẻ, mang bản sắc văn hóa Việt Nam đến với người dân châu Phi luôn là tâm nguyện của anh và cả nhóm. “Tôi rất vui khi người dân Angola biết đến văn hóa Việt Nam và muốn lan tỏa văn hóa dân tộc đến với cộng đồng người dân châu Phi nhiều hơn nữa”, anh nói.

Quang Linh Vlogs tên thật là Phạm Quang Linh, sinh năm 1997, quê tại Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp phổ thông vào năm 2016, Quang Linh đi xuất khẩu lao động ở Luanda - thủ đô Angola, một quốc gia ở châu Phi. Thời gian đầu sang đây, chàng trai xứ Nghệ làm nghề xây dựng. Sau một thời gian làm việc, tích lũy được ít vốn, Quang Linh mở một xưởng đá nhỏ để kinh doanh. Đầu năm 2019, anh bắt đầu bén duyên với YouTube bằng việc quay những video ghi lại những hình ảnh chân thực về cuộc sống hàng ngày ở Angola. Sau đó, Quang Linh ghi lại những buổi hoạt động thiện nguyện của mình và các cộng sự tại đây. Đó là clip ghi lại cảnh phát gạo, nhu yếu phẩm cho người dân Angola, xây dựng nhà mới, lắp đặt hệ thống điện, mang nước sạch về cho người dân bản địa, hướng dẫn người dân trồng rau…

Kiều bào - Sứ giả lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt Kiều bào - Sứ giả lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt
Văn hóa Việt Nam theo người lính Văn hóa Việt Nam theo người lính "mũ nồi xanh" đến với bạn bè châu Phi

Thành Luân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/hanh-trinh-lan-toa-van-hoa-viet-den-chau-phi-cua-chang-trai-viet-nam-174216.html

In bài viết