Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái

13:27 | 16/06/2022

Sáng 16/06, tại tòa nhà Xanh Một Liên Hợp Quốc, Hà Nội đã diễn ra tọa đàm "Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái".
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta phải luôn luôn hành động vì trẻ em Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta phải luôn luôn hành động vì trẻ em
GNI lan tỏa thông điệp “Hãy để trẻ em được là trẻ em” GNI lan tỏa thông điệp “Hãy để trẻ em được là trẻ em”
Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm “Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái”

Chương trình nhằm thúc đẩy sự tham gia của báo chí trong giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19 do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Tạp chí Ngày Nay đồng tổ chức.

Tham dự toạ đàm có Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Christian Manhart; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO - Tổng Biên tập tạp chí Ngày Nay, nhà báo Trần Văn Mạnh; Tổng thư ký Hội nữ trí thức Việt Nam - Chủ trì hội thảo,TS. Phan Thị Thùy Trâm; cùng hơn 50 nhà báo, chuyên gia truyền thông và nhà hoạt động xã hội vì cộng đồng dân tộc thiểu số đã tham dự tọa đàm.

Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái
Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Christian Manhart phát biểu tại buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc toạ đàm, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: Đại dịch COVID-19 đã khiến cho các trường học đóng cửa và gây ra sự gián đoạn học tập lớn nhất trong lịch sử. Chỉ riêng tại Việt Nam, đại dịch đã làm gián đoạn việc học tập của khoảng 21 triệu trẻ em. Tác động này còn nghiêm trọng hơn ở những trẻ em gái – những người mà việc học tập đối với họ còn mang nhiều nghĩa hơn chứ không chỉ là chiếc chìa khóa duy nhất để mở cánh cửa tương lai tốt đẹp hơn của mình.

Chiến dịch “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” được Liên minh Giáo dục toàn cầu UNESCO phát động và được triển khai trên toàn cầu từ năm 2020, nhằm kêu gọi gìn giữ những tiến bộ đã đạt được trong giáo dục cho trẻ em gái, đảm bảo việc tính liên tục trong học tập của họ, đồng thời thúc đẩy trẻ em gái trở lại trường một cách an toàn khi trường học mở cửa trở lại.

Trong năm 2021 và 2022, chiến dịch “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” được triển khai tại Việt Nam trong dự án “Chúng tôi CÓ THỂ - Hướng tới Mức sống và Giáo dục tốt hơn”, thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái ở các vùng dân tộc thiểu số. Dự án được triển khai trong khuôn khổ hợp tác giữa UNESCO và Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, với sự hỗ trợ tài chính từ tập đoàn CJ của Hàn Quốc, nhằm thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số ở ba tỉnh là Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng.

Trong công cuộc thúc đẩy giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, chúng tôi ghi nhận sức mạnh không thể phủ nhận của báo chí trong việc tạo ra ảnh hưởng tới công chúng và kêu gọi các bên liên quan thực hiện các hành động cần thiết. UNESCO tin tưởng báo chí trong việc khắc họa những hình ảnh đa chiều tích cực về phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, đồng thời kêu gọi các bên liên quan thúc đẩy nền giáo dục công bằng, an toàn và không phân biệt đối xử cho trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái.

Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái
Diễn giả Đinh Đức Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO (Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam) chia sẻ góc nhìn về vai trò can thiệp của báo chí trong vấn đề giáo dục của trẻ em gái dân tộc thiểu số

Tại hội thảo, Tổng thư ký Hội nữ trí thức Việt Nam TS. Phan Thị Thùy Trâm đã cùng với các diễn giả trình bày nhiều góc nhìn chân thật, sinh động về cuộc sống thực tế, những giải pháp và sự tham gia của báo chí trong việc giáo dục, xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn cho trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Diễn giả Đinh Đức Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO (Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam) mang đến tọa đàm góc nhìn về vai trò can thiệp của báo chí trong vấn đề giáo dục của trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Đạo diễn, nhà báo Nguyễn Bông Mai - Tạp chí Ngày Nay đã chia sẻ những khám phá của mình về câu chuyện giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số thu thập từ Hành trình 99 ngày xuyên Việt đến với các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Sau phần trình bày của các diễn giả, các đại biểu tham dự cùng thảo luận về những hình ảnh khắc họa thường thấy ở báo chí khi đưa tin về người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời, đưa ra cách tiếp cận tích cực để xây dựng lối hành văn thể hiện sức mạnh của họ. Tọa đàm cũng tập trung trả lời câu hỏi “Báo chí có thể làm gì hơn nữa bên cạnh việc phản ánh thông tin khách quan” để có thể khai thác những cách tiếp cận bền vững hơn giúp phát huy nội lực của trẻ em gái dân tộc thiểu số.

“Trong kỷ nguyên Internet dư thừa thông tin, làm thế nào để thu hút được sự chú ý của cộng đồng và kêu gọi các bên hành động nhằm thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số là thách thức với mỗi nhà báo. Nhưng tôi tin rằng chỉ cần có thực tâm, chúng ta sẽ tìm được những phương cách đủ sáng tạo, tinh tế, để kiến tạo một xã hội bình đẳng, và tạo ra một bức tranh tương lai tươi sáng cho trẻ em gái dân tộc thiểu số, giống như tên của tọa đàm. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều nhà báo cùng chung tay với sứ mệnh này và những nhà báo đang hiện diện ở đây là sẽ là những ngòi bút tiên phong thực hiện sứ mệnh đó” – Tổng Biên tập tạp chí Ngày Nay chia sẻ.

Tọa đàm diễn ra hướng tới kỷ niệm Ngày Nhà báo Việt Nam 21/6 như một lời khẳng định sức mạnh của báo chí trong việc tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội, trong đó có việc thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái
Tranh vẽ "Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái"

Dự án “Chúng tôi Có thể - Hướng tới Mức sống và Giáo dục tốt hơn” do Quỹ Malala của UNESCO về Quyền học tập của trẻ em gái cấp kinh phí, với sự hỗ trợ từ tập đoàn CJ của Hàn Quốc.

Dự án tiếp cận khoảng 16.000 người, gồm học sinh dân tộc thiểu số tại 24 trường trung học cơ sở, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ giáo dục, cha mẹ học sinh và người dân cộng đồng tại Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng. Trong số đó, hơn 9.000 người là, trong đó có 6.000 trẻ em gái trong độ tuổi từ 11 tới 14 thuộc 24 trường trung học cơ sở.

Dự án được triển khai từ năm 2019, tập trung vào 04 lĩnh vực là Giáo dục - Bạo lực giới trong trường học - Việc làm - Tăng quyền năng.

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em: mang cơm có thịt, rau sạch đến với trẻ em vùng cao Tổ chức Cứu trợ Trẻ em: mang cơm có thịt, rau sạch đến với trẻ em vùng cao
Phát động cuộc thi vẽ tranh trực tuyến hướng đến trẻ em khuyết tật Phát động cuộc thi vẽ tranh trực tuyến hướng đến trẻ em khuyết tật

Vân Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bao-chi-vi-buc-tranh-tuong-lai-co-tre-em-gai-170424.html

In bài viết