Khuyến nghị của Đan Mạch tại Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021

06:11 | 03/06/2022

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen nhấn mạnh, hành động trong ngành năng lượng là hết sức quan trọng đối với quá trình chuyển dịch xanh nền kinh tế.
Singapore và New Zealand hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu Singapore và New Zealand hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu
Lợi thế của Việt Nam khi chuyển đổi sang tăng trưởng xanh Lợi thế của Việt Nam khi chuyển đổi sang tăng trưởng xanh

Ngày 2/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen đã đồng chủ trì Lễ công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 (EOR21). Báo cáo đã đề xuất một số kịch bản phát triển để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050.

Đây là ấn phẩm thứ ba trong chuỗi các ẩn phẩm Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam do Chương trình Đối tác năng lượng Đan Mạch – Việt Nam xây dựng.

Ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam. Ảnh: moit.gov.vn
Ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam. Ảnh: moit.gov.vn

Theo Đại sứ Kim Højlund Christensen, tại hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, đây cũng là mục tiêu của Đan Mạch. Cam kết mạnh mẽ này đã gửi đi một thông điệp quan trọng đến thế giới cho thấy định hướng và quyết tâm của Việt Nam theo hướng phát triển xanh và phát thải carbon thấp.

Cho rằng gần 70% phát thải khí nhà kính tại Việt Nam đến từ hoạt động sản xuất và tiêu thụ năng lượng, Đại sứ Kim Højlund Christensen cũng nhấn mạnh hành động trong ngành năng lượng là hết sức quan trọng đối với quá trình chuyển dịch xanh nền kinh tế.

Ông chia sẻ: "Đan Mạch là một quốc gia nhỏ, nhưng chúng tôi đã thực hiện quá trình chuyển dịch xanh trong nhiều thập kỷ và tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như các giải pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu. Hơn 30 năm qua, phát thải khí nhà kính tại Đan Mạch đã giảm 36% nhờ khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, hiện tại chiếm hơn 80% công suất phát điện. Theo các chuyên gia, Đan Mạch có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không ngay từ năm 2040 căn cứ vào kết quả các nỗ lực hiện tại, sớm hơn 10 năm so với kế hoạch đề ra".

Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm vào khoảng 7% và nền kinh tế đang phát triển dẫn đến gia tăng đáng kể mức tiêu thụ năng lượng cũng như lượng khí thải cacbon. Điều quan trọng đối với quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam và toàn cầu là với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam có thể tách rời tiêu thụ năng lượng và phát triển kinh tế, đồng thời chuyển đổi hệ thống năng lượng của mình thành một hệ thống năng lượng xanh và bền vững hơn bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ tiết kiệm năng lượng.

“Việt Nam là một đối tác quan trọng của Đan Mạch trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Chúng tôi rất vui mừng được chia sẻ với các đối tác Việt Nam trong các giải pháp, bí quyết và thực tiễn tốt nhất mà Đan Mạch đã có được trong suốt 30 năm qua để hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng to lớn về chuyển đổi xanh và cam kết chống biến đổi khí hậu cũng như đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 một cách hiệu quả và công bằng nhất”, Đại sứ Kim Højlund Christensen phát biểu tại buổi lễ công bố.

Lễ công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021
Các đại biểu tham dự Lễ công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021. Ảnh: moit.gov.vn

Ông Kristoffer Bottzauw - Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng đan mạch (DEA) cho biết: Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong quá trình chuyển đổi xanh, như được thể hiện qua cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26. Thông qua báo cáo EOR 21 được xây dựng trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi mong muốn chia sẻ làm thế nào để đạt được mục tiêu này đúng thời hạn với chi phí thấp nhất có thể vì lợi ích đất nước, người dân và đặc biệt là khí hậu toàn cầu.

Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 đưa ra góc nhìn trung và dài hạn về các kịch bản phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2050, cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và gợi mở các thảo luận về quá trình chuyển đổi xanh.

Đặc biệt Báo cáo đã xem xét kịch bản để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông, chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu điện phân và tăng cường phương thức vận tải bằng đường sắt điện khí hóa sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải cacbon và ô nhiễm không khí. Báo cáo cũng cung cấp một số thông tin đầu vào cho việc thực hiện Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Chiến lược biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng như các kế hoạch và chiến lược khác của Chính phủ.

JICA hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng JICA hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng "0"
Doanh nghiệp Đan Mạch quan tâm lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp ở Việt Nam Doanh nghiệp Đan Mạch quan tâm lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp ở Việt Nam

Minh Thái

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/khuyen-nghi-cua-dan-mach-tai-bao-cao-trien-vong-nang-luong-viet-nam-2021-169612.html

In bài viết