Mong muốn của doanh nghiệp Nhật Bản và cam kết của tỉnh Hải Dương

08:39 | 31/05/2022

Cập nhật các quy định pháp luật, hỗ trợ nguồn nhân lực có chất lượng, tạo điều kiện giữ chân người lao động, đảm bảo nguồn điện ổn định cho sản xuất... là những vấn đề mà doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn lãnh đạo tỉnh Hải Dương quan tâm, được chia sẻ tại sự kiện Gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản 2022 với chủ đề "Hải Dương - Tiềm năng và cơ hội đầu tư FDI" tổ chức ngày 30/5.
Vải thiều Hải Dương cần 'số hóa' để ra thế giới Vải thiều Hải Dương cần 'số hóa' để ra thế giới
Chùm ảnh: Hải Dương khai hội mở vườn vải xuất khẩu Chùm ảnh: Hải Dương khai hội mở vườn vải xuất khẩu

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết, hiện có 60 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại tỉnh Hải Dương với tổng số vốn đầu tư lũy kế đến nay khoảng 1,2 tỷ USD. Hội nghị là cơ hội để tăng cường sự hiểu biết của doanh nghiệp Nhật Bản về tiềm năng phát triển của Hải Dương. Đây là những thông tin quan trọng đối với các doanh nghiệp đang muốn đầu tư vào Việt Nam, trong đó có tỉnh Hải Dương.

Hải Dương thu hút đầu tư của Nhật Bản: điều doanh nghiệp cần...
Khách mời tham gia tọa đàm “Hải Dương - Điểm đến đầu tư FDI”.

Đại sứ Yamada Takio cũng nêu nhiều đề xuất của doanh nghiệp Nhật Bản để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Hải Dương. Trong đó có đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng, hoàn thiện hệ thống nhà ở, trường học, bệnh viện... để thu hút, giữ người lao động; cung cấp ổn định nguồn điện cho các doanh nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp Nhật Bản về pháp luật khi có những thay đổi, điều chỉnh để họ nắm bắt kịp thời, chủ động trong sản xuất, kinh doanh.

Hải Dương thu hút đầu tư của Nhật Bản: điều doanh nghiệp cần...
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio phát biểu tại sự kiện.

Ông Keisuke Kobayyashi, Phó trưởng đại diện Jetro Hà Nội cho biết, khó khăn lớn đối với doanh nghiệp Nhật Bản là vấn đề nhân lực, nhất là trong lĩnh vực sản xuất ô tô, điện tử. Bởi vậy, sự hỗ trợ của tỉnh là cần thiết và quan trọng.

Ông Keisuke Kobayyashi cũng lưu ý những sản phẩm, những lĩnh vực sản xuất tạo ra giá trị cao hơn sẽ là xu hướng đầu tư trong thời gian tới. Vì thế, tỉnh Hải Dương cần thu hút các trường đại học khoa học tự nhiên hay các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp tư nhân; đồng thời phát triển hơn nữa hệ thống kho lạnh để đảm bảo nông sản tươi và an toàn.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) Nagaoka Taketosh chia sẻ, điều các thành viên JCCI tại Hải Dương cần nhất là nhân lực, đảm bảo các điều kiện hạ tầng, điện, nước để vận hành sản xuất của doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, ông Kiyokazu Kurihara, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam cho rằng, tỉnh Hải Dương cần sớm khắc phục hạn chế về nguồn lao động, nhà ở xã hội, cung cấp điện ổn định để các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất.

"Cần cung cấp điều kiện sinh hoạt, ăn ở tốt nhất cho người lao động. Xây dựng hệ thống nhà ở và đảm bảo các phúc lợi như trường học, y tế, văn hóa ở gần các khu công nghiệp", ông Kiyokazu Kurihara nói.

Cam kết của tỉnh Hải Dương

Lắng nghe những ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp Nhật Bản, thay mặt lãnh đạo tỉnh Hải Dương, ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cam kết với các nhà đầu tư sẽ đảm bảo cung cấp điện năng cho sản xuất và ưu tiên số một cho sản xuất công nghiệp.

Mong muốn của doanh nghiệp Nhật Bản và cam kết của tỉnh Hải Dương
Ông Phạm Xuân Thăng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Hải Dương.

Trao đổi với tạp chí Thời Đại, ông Phạm Xuân Thăng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương cho biết, thông điệp tỉnh Hải Dương muốn gửi đến các nhà đầu tư Nhật Bản là tỉnh còn nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư FDI và là địa chỉ đầu tư tin cậy. Đây cũng là dịp để Hải Dương đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn của các nhà đầu tư Nhật Bản đang sản xuất, kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Mục tiêu thứ hai là tỉnh Hải Dương muốn giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của mình so với các địa phương khác. Đó là những lợi thế về kết nối giao thông thuận lợi, dư địa về hạ tầng công nghiệp và nguồn nhân lực khá dồi dào cùng với sự đồng hành mạnh mẽ của chính quyền tỉnh với những cam kết tin cậy.

Sự kiện Gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản 2022 mở đầu cho một chuỗi các hoạt động của tỉnh Hải Dương dành cho các nhà đầu tư, không riêng gì Nhật Bản, nhằm tạo ra sự gần gũi, chia sẻ, hợp tác và hướng tới thành công.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư như trên cũng chính là thời cơ thuận lợi để đưa hình ảnh văn hóa, con người Hải Dương tới các bạn bè quốc tế, thông qua đó bạn bè quốc tế hiểu thêm về Hải Dương, về đất nước và con người Việt Nam.

Ngay tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương đã giao nhiệm vụ cho Sở Công thương cùng Công ty TNHH Điện lực Hải Dương xây dựng kế hoạch cung cấp điện năng cho các khu công nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp FDI cần phải "ưu tiên hàng đầu và có cam kết cụ thể".

Đối với ý kiến về nhà ở, hạ tầng xã hội, ông Trần Văn Quân cho biết, tỉnh Hải Dương đã xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, phương án cụ thể, trong đó những khu công nghiệp mới phải xây dựng nhà ở công nhân, hạ tầng thiết chế văn hóa, khu vực nào thiếu thì tới đây tiếp tục bổ sung, xây dựng các khu dân cư lân cận khu công nghiệp...

Đặc biệt, năm nay Hải Dương đã thành lập Ban chỉ đạo xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Ban chỉ đạo sẽ thường xuyên lắng nghe ý kiến phản hồi cũng như những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ.Trong khuôn khổ sự kiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân cũng đã thông tin về định hướng thu hút đầu tư và sự chuẩn bị của tỉnh để đón dòng vốn Nhật Bản.

Hiện tỉnh Hải Dương đã rà soát để bổ sung quỹ đất cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chuẩn bị nguồn nhân lực thông qua nâng cao hoạt động của các trường nghề tại Hải Dương và liên kết với Tổng cục dạy nghề - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để đào tạo nghề theo đơn hàng của các doanh nghiệp. Chuẩn bị các nguồn cung cấp điện năng phục vụ sản xuất công nghiệp, đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối các tỉnh, thành phố. Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm đầu tư hạ tầng về nhà ở, các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế và các dịch vụ cần thiết… cho chuyên gia, người lao động các doanh nghiệp.

Hải Dương đang tạo cơ chế chính sách thông thoáng, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chức năng phối hợp có trách nhiệm với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn kịp thời. Những dự án đầu tư không ảnh hưởng đến môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, sạch sẽ được tỉnh nhanh chóng cấp giấy phép đầu tư.

Mong muốn của doanh nghiệp Nhật Bản và cam kết của tỉnh Hải Dương
Ông Bùi Khắc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh tư liệu

Ông Bùi Khắc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản: Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước dựa trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau hợp tác làm ăn, giao lưu văn hóa để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thương mại và quan hệ giữa người dân các nước với nhau. Đó là xu hướng tất yếu và ngày càng phát triển, đặc biệt khi Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới của hội nhập cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, trong đó có nhấn mạnh tới vai trò của các doanh nghiệp FDI trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Với quan điểm như vậy, Đảng và Chính phủ rất quan tâm và thể hiện tinh thần chỉ đạo xuyên suốt, từ tầm quốc gia đến các bộ ngành, địa phương. Việc tổ chức hội nghị xúc tiến ở Hải Dương phản ánh rõ chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đang được triển khai mạnh mẽ, đồng thời thể hiện sự thành công trong phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.

Quan hệ của Việt Nam với các nước ngày càng phát triển thực chất, không chỉ về chính trị, ngoại giao mà còn về kinh tế, văn hóa. Chính vì thế, chúng ta nên tổ chức nhiều cuộc xúc tiến hơn nữa, không chỉ cấp nhà nước mà còn là các cuộc xúc tiến phù hợp với đặc điểm riêng của từng địa phương, từng nhóm khách hàng FDI ở các nước, của các doanh nghiệp sản xuất để kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI làm việc tại Việt Nam.

Nhiệm vụ của công tác đối ngoại nhân dân nên có những bước nâng cấp. Các hội hữu nghị có những hội viên là chuyên gia trong rất nhiều lĩnh vực, từ thu hút đầu tư nước ngoài đến hợp tác quốc tế, ngoại giao, kinh tế... Do đó, các hội hữu nghị cần có phương thức linh hoạt, sáng tạo để phối hợp với các địa phương nhằm làm tốt công tác thu hút FDI.

Hải Dương xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà quy mô quốc tế Hải Dương xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà quy mô quốc tế
Hải Dương trong mắt du khách quốc tế Hải Dương trong mắt du khách quốc tế

Thành Luân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/mong-muon-cua-doanh-nghiep-nhat-ban-va-cam-ket-cua-tinh-hai-duong-169388.html

In bài viết