Bài 6: Âm nhạc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với bạn bè quốc tế

12:56 | 27/04/2022

Từ chuyên gia nghiên cứu văn hóa Việt đến du khách, dù đã đến Việt Nam, trực tiếp chứng kiến diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt hoặc xem qua mạng xã hội. Nhưng họ đều có chung cảm nhận về nét đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu từ âm nhạc, đến nội dung diễn xướng…
Giới thiệu Văn hóa tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ tại Liên bang Nga Giới thiệu Văn hóa tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ tại Liên bang Nga
Việt Nam giới thiệu Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Ấn Độ Việt Nam giới thiệu Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Ấn Độ

Hướng đến Chân – Thiện – Mỹ

Âm nhạc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với bạn bè quốc tế
Ông Olam Chanthavilay, Bí thư thứ hai, phòng Văn hóa giáo dục Đại sứ quán CHDCND Lào tại Việt Nam

Là người rất thích tìm hiểu văn hóa, đặc biệt từ khi nhận nhiệm vụ là Bí thư thứ hai, phòng Văn hóa giáo dục đại sứ quán CHDCND Lào tại Việt Nam, tôi càng tích cực tìm hiểu văn hóa của Việt Nam. Tôi rất ấn tượng với văn hóa của Việt Nam, nhất là diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Qua tìm hiểu tôi thấy, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn. Thờ cúng Thánh Mẫu, biểu tượng người mẹ tối linh góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hành lễ hội, lên đồng, hát văn với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa… được thể hiện một cách nghệ thuật.

Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với âm nhạc, nhạc cụ rất độc đáo và hiếm thấy ở các nước khác, những bản văn chầu cổ với những đạo cụ âm nhạc cổ truyền của Việt Nam như đàn nguyệt, cảnh, phách và trống con... tạo sự kết hợp tuyệt vời, rất cuốn hút. Một loại hình âm nhạc đặc thù: loại hình âm nhạc dành riêng cho không gian tâm linh.

Nghệ thuật múa bóng trong tín ngưỡng thờ Mẫu rất ấn tượng, được thể hiện một cách nghệ thuật gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đó cũng là một phương thức nhằm lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt, tạo nên một bức tranh hết sức đa dạng và phong phú của đời sống văn hóa tâm linh mang bản sắc riêng của Việt Nam.

Theo tôi, mỗi quốc gia có nền văn hóa đa dạng khác nhau, nhưng đều có đặc điểm chung là người dân đến chùa, đền… hay tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đều có mục đích đến để cầu an, cầu phúc, cầu bình yên cho gia đình, người thân và hướng đến cái chân, thiện, mỹ.

Đậm nét văn hóa dân tộc Việt Nam

Âm nhạc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với bạn bè quốc tế
Đường Bình, Giảng viên khoa tiếng Trung trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; Trợ lý chuyên ngành tiếng Trung Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (UTM).

Tôi đã may mắn được xem Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt trong một lần lên thăm núi Yên Tử. Lúc đầu, tôi đã bị thu hút bởi trang phục và tiếng nhạc của buổi lễ. Đây là một tập tục rất thú vị. Bởi, tiết tấu âm nhạc của buổi diễn xướng thờ Mẫu rất vui tươi, mang đậm nét riêng của dân tộc Việt Nam. Tôi không hiểu cụ thể hoàn toàn lời của bài hát, nhưng cảm giác rất thần bí, tiết tấu âm nhạc rất có sức truyền cảm, khiến cho người nghe cảm thấy vô cùng vui vẻ và muốn nhảy múa theo.

Các động tác múa rất đẹp, mềm mại nhưng vẫn dứt khoát. Mỗi động tác thoạt nhìn rất đơn giản nhưng khi để ý kỹ hơn lại cảm thấy rất bí ẩn. Tôi nghĩ rằng, nếu không hiểu rõ về lịch sử văn hóa Việt Nam, chúng ta không thể hiểu được ý nghĩa cụ thể hàm chứa trong điệu múa này. Bên cạnh đó, quần áo của họ trông rất lộng lẫy, đồ trang sức thật sự cũng rất đẹp. Nhìn trang phục của họ, tôi cảm nhận khá giống áo dài truyền thống Việt Nam, nhưng phức tạp hơn và lộng lẫy hơn rất nhiều. Đặc biệt là những trang sức trên đầu đều rất đặc sắc.

Bên cạnh đó, đền thờ miếu mạo ở Trung Quốc có rất nhiều, nhưng có lẽ không phổ biến như ở Việt Nam. Như ngay nơi tôi ở (Hà Nội) cũng đã có 2-3 ngôi chùa xung quanh. Trong khi đó, chùa ở Trung Quốc đa phần thường được xây dựng trên những khu núi cao cách xa thành phố, hoặc nằm ở các thành phố trên núi. Ở Trung Quốc cũng có tục lệ thờ cúng các nữ thần, có rất nhiều nữ thần được thờ cúng như Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẫu Tổ, Tống Tử Quan Âm…Và mọi người trong tín ngưỡng đều có một điểm chung, đó là cầu nguyện và biểu đạt ước muốn của mình với các vị thánh, thần. Có người cầu mong gia đình hạnh phúc an khang, có người cầu bình an, có người cầu con cái… Hàng năm luôn có một dịp lễ cố định dành cho mỗi vị thần, để từ đó, con người có thể tổ chức các tục lễ cúng tế khác nhau. Đây không chỉ đơn thuần là việc thờ cúng, mà còn là một cách để tuyên truyền, truyền bá tín ngưỡng, để nhiều người biết tới cũng như tin vào tín ngưỡng này. Vì vậy, tôi nghĩ Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Việt Nam cũng có những điểm chung này với tín ngưỡng thờ nữ thần ở nước tôi.

Âm nhạc rất đặc biệt

Âm nhạc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với bạn bè quốc tế
Anya Starodubova, thạc sĩ Ngôn Ngữ Quốc Gia Moscow (MGLU) (người Nga)

Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần. Lần cuối cùng tôi đến đất nước độc đáo này là vào năm 2019, và chỉ trong chuyến đi này, tôi mới khám phá ra một khía cạnh hoàn toàn mới trong văn hóa của đất nước xinh đẹp này. Đó là, tôi đã tham dự buổi diễn xướng Thực hành tín nguỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Đây là một buổi diễn thú vị và khó quên.

Âm nhạc và nhạc cụ rất đặc biệt! Tôi chưa bao giờ nghe những giai điệu như vậy, và tôi chưa bao giờ nhìn thấy những nhạc cụ đó được sử dụng trong thực tế. Đó là một điều gì đó mới lạ đối với tôi.

Nhìn vào các điệu múa và màn biểu diễn, tôi nhận ra đâu là nét độc đáo của văn hóa Việt Nam, và chính nét độc đáo này đã tạo nên sự khác biệt của Việt Nam với các nước khác. Tất nhiên, trang phục và đồ trang sức là những điểm chính của bất kỳ điệu nhảy nào. Trang phục trên người của người phụ nữ (thanh đồng) nhảy múa với màu sắc sặc sỡ, cùng rất nhiều trang sức nhỏ khác thật thú vị, và tôi sẽ nghiên cứu tìm hiểu thêm về văn hóa Việt.

Chỉ Việt Nam mới có

Âm nhạc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với bạn bè quốc tế
Yulia Manukina – Phòng ngoại quốc trường Đại học Sư phạm Quốc gia Moscow (Nga)

Tôi đã làm việc với các sinh viên Việt Nam trong nhiều năm, tôi đã được hiểu thêm về văn hóa và phong tục của đất nước này từ những món ăn, điệu múa, âm nhạc đến các ngày lễ. Mặc dù chưa đến Việt Nam, nhưng tôi rất thích nghe các bạn sinh viên Việt Nam kể những điều mà ở Nga không có. Diễn xướng Thực hành tín nguỡng thờ Mẫu Tam phủ là một ví dụ điển hình. Ở Nga chúng tôi không có những buổi lễ như vậy, cũng không có âm nhạc, điệu nhảy, trang phục mang đến bầu không khí huyền bí đến mức đó. Nhiều người thường nhầm văn hóa của Việt Nam với Trung Quốc vì có lẽ hai nước có đôi phần giống nhau, nhưng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một nét đẹp nổi bật và khác biệt mà chỉ Việt Nam mới có. Tôi hy vọng rằng bản thân sẽ được xem trực tiếp trong thời gian sắp tới.

Âm nhạc là yếu tố quan trọng trong hầu đồng

Âm nhạc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với bạn bè quốc tế
GS.TS.Bae Yang Soo, Trưởng Khoa tiếng Việt Đại học Ngoại ngữ Busan, Hàn Quốc, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc

Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam, là ca ngợi người mẹ. Mẫu, thực chất là hiện thân của mẹ thiên nhiên (Mẫu Thiên cai quản trời, Mẫu Địa cai quản đất, Mẫu Thoải cai quản vùng sông nước, Mẫu Thượng Ngàn cai quản rừng).

Trong giá hầu đồng của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thì âm nhạc là yếu tố quan trọng nhất. Các giai điệu của hát chầu văn ở đây rất mượt mà, hấp dẫn, khoẻ khoắn vui tươi. Là điều kiện để tạo sự hưng phấn cho thanh đồng nhảy múa và nhập đồng. Trong nghi lễ hát văn hầu đồng của người Việt, các hình thức biểu đạt, động tác múa, âm nhạc và lời hát văn đều mang dấu ấn của lịch sử. Tức là ghi lại sự tích và ca ngợi công đức của những nhân vật lịch sử có công trạng lớn với dân, với nước.

Tôi được biết, trong hát hầu đồng về thanh nhạc, phải có một hoặc hai người hát chầu văn. Về khí nhạc, có: 1 đàn nguyệt, 1 đàn nhị, 1 sáo, 1 trống lớn, 1 trống nhỏ, 1 cảnh đôi, 1 phách. Tùy từng địa phương, tùy hoàn cảnh hành lễ mà người ta có thể thêm bớt nhạc cụ này hoặc nhạc cụ khác, nhưng người ta không thể bớt đi đàn nguyệt, trống nhỏ, cảnh đôi vì đây là những nhạc cụ nòng cốt của dàn nhạc hầu đồng.

Bên cạnh đó, hầu đồng còn có trang phục và trang sức đi kèm. Theo tôi, trang phục của người hát văn hầu đồng ở Việt Nam có quy định riêng ứng với các vị thánh được tôn vinh, thờ phụng. Ví dụ: Miền trời, tượng trưng bằng màu đỏ (Thiên phủ); Miền đất là màu vàng (Địa phủ); Miền sông biển là màu trắng (Thoải phủ); Miền rừng núi là màu xanh (Nhạc phủ). Như vậy thì người ta có thể nhìn vào trang phục mà biết được cô đồng, cậu đồng hoặc nghe cung văn hát thì biết vị thánh nào về nhập đồng. Lối hát chầu văn trong hầu đồng của người Việt tương tự như hình thức múa hát trong Shaman giáo của Hàn Quốc. Tuy nhiên ở Hàn Quốc thì người chơi nhạc là ông đồng, bà đồng. Còn ở Việt Nam thì có ban nhạc riêng và chơi rất chuyên nghiệp. Đây là nét riêng của Việt Nam.

Mong muốn được tham gia vào nghi thức tín ngưỡng này

Âm nhạc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với bạn bè quốc tế
Réka Márkos (người Ireland)

Thú thật, khi xem video về buổi biểu diễn Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, tôi thực sự không hiểu ý nghĩa cho đến khi được người bạn Việt Nam ân cần giải thích. Hiện giờ tôi đã hiểu nội dung phong phú hơn rất nhiều và tôi thực sự đánh giá cao những nghi thức tín ngưỡng này. Đặc biệt, mỗi khi thanh đồng run lên khi một vị thần nhập vào hay rời khỏi người cô ấy. Những lúc các vị thần nhập, thanh đồng uống rượu, hút thuốc… ban lộc bằng tiền, hoa quả,… cho người xem.

Tôi rất ấn tượng với cách thay trang phục của nghệ sĩ. Người ta có thể gỡ bông tai và đồ trang sức để thay đổi phục trang sặc sỡ, nhiều màu sắc và hóa thân cho một vị thần khác ngay tại buổi biểu diễn. Tôi biết rằng, màu đỏ tượng trưng cho bầu trời, màu trắng tượng trưng cho biển, màu xanh lá cây tượng trưng cho rừng.

Âm nhạc của buổi lễ đã cuốn hút tôi rất nhiều, nó làm tôi thích thú, phấn khích. Tôi thực sự muốn được xem một buổi biểu diễn trực tiếp và tham gia vào ghi thức tín ngưỡng này. Bởi vì ngay cả bạn không theo tín ngưỡng, bạn vẫn có thể thưởng thức loại hình âm nhạc đặc sắc này.

Mong du lịch mở cửa trở lại để du khách xem nhiều hơn

Âm nhạc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với bạn bè quốc tế
Ông Glen MacDonald (người Mỹ)

Âm nhạc của nghi thức Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt rất cuốn hút. Nghe rất vui tươi, giống như một bữa tiệc sắp bắt đầu. Tôi may mắn đã được nghe nhạc chầu văn khi đi tỉnh Ninh Bình cách đây không lâu. Những hình ảnh về buổi biểu diễn, nhất là âm nhạc, trang phục, những điệu múa của thanh đồng về tín ngưỡng này là lý do để tôi mong muốn được xem lại nhiều hơn. Đây là một cách thực sự thú vị để tìm hiểu về tôn giáo Việt Nam. Vì vậy, có thể khi du lịch mở cửa trở lại, chúng ta sẽ thấy nhiều du khách tham dự những sự kiện như thế này hơn.

Biểu tượng của lòng từ bi, độ lượng và kết nối các tôn giáo

Âm nhạc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với bạn bè quốc tế
Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện sợi dây kết nối quan trọng để cộng đồng biểu đạt ký ức lịch sử, bản sắc văn hóa, cảm nhận sự đoàn kết và mong muốn tinh thần. Từ góc độ xã hội, với bản chất cởi mở, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thúc đẩy sự bao dung giữa các sắc tộc và tôn giáo. Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ XVI thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử,... Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành.

Tín ngưỡng thờ Mẫu góp phần thúc đẩy sự hiện diện của di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó ở các mức độ khác nhau, dựa trên sự tương đồng về văn hóa của các cộng đồng tham gia tín ngưỡng thờ Mẫu, là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng, là sự kết hợp của Đạo giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác. Các nhóm dân tộc đa dạng ở Việt Nam cùng chia sẻ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, giúp tăng cường đối thoại và thúc đẩy sự tôn trọng đa dạng văn hóa tại địa phương. Đồng thời, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tăng cường khả năng sáng tạo của con người, là một thành phần quan trọng của lễ hội, nơi mà các yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng một vai trò quan trọng.

Tôi nghĩ rằng, mọi hỗ trợ quảng bá di sản trong thời gian tới cần đưa ra lời giới thiệu và giải thích rõ ràng, phù hợp với hồ sơ đề cử (Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại). Việt Nam đã thuyết phục các chuyên gia quốc tế với một hồ sơ mạnh, chứng minh tầm quan trọng của di sản này trong việc kết nối các thành viên của cộng đồng thực hành tín ngưỡng này; cũng như thể hiện giá trị cao đẹp trân trọng phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong xã hội. Đây là những giá trị nhân văn chung của toàn nhân loại. Vì vậy, tôi tin rằng cộng đồng quốc tế cũng sẽ đánh giá cao nếu họ hiểu và có cơ hội trải nghiệm thực tế việc thực hành di sản này. Cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ trân trọng một di sản tồn tại và được lưu truyền một cách sống động trong cộng đồng.

Bài 5: Để chầu văn... vang xa hơn Bài 5: Để chầu văn... vang xa hơn
Bài 4: Nhận diện đúng giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” Bài 4: Nhận diện đúng giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”
Bài 3: Ca từ và vũ đạo trong diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt Bài 3: Ca từ và vũ đạo trong diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
Bài 2: “Thỉnh Thánh”, “Nịnh đồng” và “Dẫn hồn” Bài 2: “Thỉnh Thánh”, “Nịnh đồng” và “Dẫn hồn”
Bài 1: Bản giao hưởng của vũ trụ Bài 1: Bản giao hưởng của vũ trụ

Nhóm phóng viên

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bai-6-am-nhac-trong-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet-voi-ban-be-quoc-te-166998.html

In bài viết