Tìm kiếm giải pháp ứng phó sụt lún đất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

17:46 | 16/03/2022

Theo kết quả đo đạc được thu thập ở 287 mốc quan trắc khác nhau của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong hơn 10 năm gần đây, tốc độ sụt lún đất trung bình là 0,96 cm/năm, trong khi nước biển dâng chỉ 0,35 cm/năm. Như vậy, tốc độ sụt lún đất nhanh hơn gấp 3 lần so với mực nước biển dâng.
JICA nghiên cứu mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long JICA nghiên cứu mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng nêu 28 “chữ vàng” để Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên phát triển mạnh mẽ Thủ tướng nêu 28 “chữ vàng” để Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên phát triển mạnh mẽ
Tìm kiếm giải pháp ứng phó sụt lún đất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
Sụt lún đất tác động xấu đến sản xuất, đời sống người dân (Ảnh minh họa)

Nguy cơ từ sụt lún đất

Riêng kết quả quan trắc sụt lún tại các mốc chuẩn độ cao tại 4 địa phương gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre trong hơn 10 năm gần đây cho thấy, tốc độ sụt lún trung bình là hơn 10 cm, trong đó Cần Thơ sụt lún nghiêm trọng nhất (15,49 cm), với tốc độ trung bình 1,31 cm/năm, thấp nhất là Bến Tre (0,55 cm/năm).

Ở hầu hết các đô thị trong vùng, sụt lún đất gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển vào mùa khô, ngập lụt vào mùa mưa. Toàn vùng có 562 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 786 km, trong đó có 42 điểm sạt lở nguy hiểm với chiều dài gần 150 km. Chỉ riêng tỉnh Cà Mau mỗi năm sạt lở làm mất hơn 500 ha đất. Tương tự, TP. Cần Thơ, tỉnh Ðồng Tháp mỗi năm mất hàng chục ha đất ở các cù lao, bãi bồi trên sông Tiền, sông Hậu, chưa kể khiến hàng trăm ngôi nhà của người dân bị thiệt hại. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới vào năm 2019, ngập lụt đô thị Cần Thơ gây thiệt hại gần 650 USD/gia đình/năm, tương đương 11% thu nhập trung bình của hộ gia đình.

Tốc độ sụt lún đất vùng ĐBSCL cũng ngày càng nhanh hơn. Năm 2019, các kết quả khảo sát ghi nhận, tốc độ sụt lún ở một số nơi lên đến 5,74 cm/năm, cao từ 3-4 lần, có nơi hơn 10 lần mực nước biển dâng. Có thể thấy, tác động của nước biển dâng rất ít, ĐBSCL chìm dần chủ yếu cho sụt lún đất. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, phần lớn diện tích của ĐBSCL sẽ nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ 21.

Theo nghiên cứu, sụt lún ở ĐBSCL có nhiều nguyên nhân, cả tự nhiên và nhân tạo: Khai thác nước ngầm quá mức; nguồn nước ngầm nhiễm mặn ngày càng gia tăng; chặn dòng ở thượng nguồn sông Mekong khiến lượng phù sa bồi lắng quá nhỏ so với tốc độ sụt lún; khai thác cát sông thiếu kiểm soát...

Tác nhân chính

Trong các tác nhân do con người gây ra sụt lún ở ĐBSCL, việc khai thác nước ngầm quá mức được xem là nguyên nhân chính.

Thống kê của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, ĐBSCL hiện khai thác hơn 2,5 triệu m3/ngày, trong đó 40% phục vụ cho sinh hoạt, 40% phục vụ sản xuất nông nghiệp và 20% phục vụ sản xuất công nghiệp. Cả vùng có khoảng 2 triệu giếng khoan, với 550 nghìn giếng khai thác nước tập trung, khoảng 80% số người dân nông thôn sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt kết hợp sản xuất.

Ở một số đô thị ven biển, có nhiều giếng khoan tập trung khai thác công suất lớn, làm nguồn nước dần cạn kiệt, chất lượng suy giảm. Mực nước ngầm ở hầu hết các tầng chứa nước đều giảm trung bình từ 20-40 cm/năm và hiện mực nước ngầm vùng ĐBSCL giảm từ 12-15 m so với năm 1995. Ðiều này làm tốc độ sụt lún đất toàn vùng diễn ra nhanh hơn, phức tạp hơn.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu sinh thái độc lập ĐBSCL, để hạn chế tình trạng này, trước mắt cần phải quản lý việc khai thác nước ngầm, sử dụng nước hiệu quả để hạn chế tình trạng sụt lún đất. Về lâu dài, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tăng cường sử dụng nước mặt ở các sông, kênh rạch để thay thế sử dụng nước ngầm.

Ðể làm được điều này cần nhanh chóng chuyển hướng nền sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, giảm thâm canh, lúa vụ ba, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch, an toàn, chú trọng chất lượng hơn số lượng để giảm bớt phân bón, thuốc trừ sâu thải vào nguồn nước nhằm khôi phục dần chất lượng nguồn nước mặt ở các sông để người dân có thể sử dụng cho sinh hoạt, sản xuất như hàng chục năm trước.

Về phía địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải kiến nghị: trên cơ sở quy hoạch cấp nước cho toàn vùng, Chính phủ, các bộ, ngành cần ưu tiên đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp nước sử dụng nguồn nước mặt các sông lớn nhằm hạn chế khai thác nước ngầm, giảm tình trạng sụt lún, sạt lở đất. Bên cạnh xây dựng các nhà máy nước tập trung, cần đầu tư các nhà máy nước phân tán ở các đô thị nhằm giảm chi phí và bảo đảm an ninh nguồn nước đề phòng khi có sự cố xảy ra.

Đóng góp ý kiến từ góc nhìn chuyên môn, PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ đề xuất: Các địa phương cần có kế hoạch sử dụng tài nguyên nước ngọt một cách hợp lý; thực hiện việc trữ nước ngọt vào mùa mưa tại vùng trũng như ở vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Ðồng Tháp Mười để sử dụng vào mùa khô nhằm hạn chế sử dụng nước ngầm chứ không nên xả nguồn nước ngọt này (ngày càng ít) ra biển để kiểm soát lũ vì điều kiện tự nhiên đã thay đổi.

Mặt khác, cần đánh giá lại tính hiệu quả về kinh tế-xã hội các dự án thủy lợi trữ ngọt, ngăn mặn đang triển khai trong vùng vì nó trái với điều kiện tự nhiên, dễ gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá khoa học trữ lượng, chất lượng nước ngầm của vùng để có kế hoạch bảo vệ, sử dụng hiệu quả. Không nên phát triển công nghiệp sử dụng nhiều đến nguồn nước như: nhiệt điện, sản xuất thép, chế tạo giấy… sẽ làm cạn kiệt, suy giảm chất lượng nguồn nước.

Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thành thương hiệu quốc tế về du lịch sinh thái Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thành thương hiệu quốc tế về du lịch sinh thái
Phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu.
WWF-Việt Nam hỗ trợ quản lý, khai thác cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long WWF-Việt Nam hỗ trợ quản lý, khai thác cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 3/3, tại TP Cần Thơ, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo khởi động gói tư vấn xây dựng Ngân hàng cát và kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hoàng Nam

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tim-kiem-giai-phap-ung-pho-sut-lun-dat-o-vung-dong-bang-song-cuu-long-164753.html

In bài viết