Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ phòng chống lao động cưỡng bức

09:53 | 05/01/2022

Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ công tác phòng, chống, xóa bỏ lao động cưỡng bức; thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm… là những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Kế hoạch thực hiện Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa được ban hành.
Việt Nam nỗ lực đảm bảo tốt hơn quyền của người lao động Việt Nam nỗ lực đảm bảo tốt hơn quyền của người lao động
ILO sát cánh cùng Việt Nam vì 3 mục tiêu chung: quyền con người, quyền công dân và phát triển quan hệ lao động ILO sát cánh cùng Việt Nam vì 3 mục tiêu chung: quyền con người, quyền công dân và phát triển quan hệ lao động

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Quyết định số 2234/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung của Công ước số 105 phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam trong từng giai đoạn; hoàn thiện và tăng cường năng lực của các thiết chế thực thi, cơ chế phối hợp; cơ chế giám sát và xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.

Kế hoạch đã đề ra những công việc cụ thể, lộ trình thực hiện và phân công trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện Công ước số 105.

Theo số liệu ước tính của ILO, có tới 24,9 triệu nạn nhân của lao động cưỡng bức trên thế giới. Trong số đó, 16 triệu người bị bọc lột trong khu vực tư nhân như lao động giúp việc gia đình, ngành xây dựng và nông nghiệp; 4,8 triệu người bị bóc lột lao động tình dục, và 4 triệu người bị cưỡng bức lao động do các cơ quan nhà nước áp đặt. Trong khu vực tư nhân, lao động cưỡng bức tạo ra mức lợi nhuận phi pháp lên tới 150 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Theo đó, hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 105 và các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam tới người lao động, người sử dụng lao động, người dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các yêu cầu của Công ước số 105; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ quan, tổ chức có liên quan để phòng, chống và xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Từ năm 2021-2023, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng tài liệu hướng dẫn cụ thể các nội dung cần thực hiện của Công ước số 105 phù hợp với điều kiện của Việt Nam cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ công tác phòng, chống, xóa bỏ lao động cưỡng bức; xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm triển khai trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan theo đúng quy định của Công ước số 105 sẽ được thực hiện từ năm 2021-2025.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm tăng cường hợp tác với các quốc gia, nhất là các quốc gia có điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội tương đồng, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhằm trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến việc thực hiện Công ước số 105, đến năm 2025 sẽ đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện Công ước số 105 trong giai đoạn 5 năm đầu sau khi gia nhập Công ước, rút kinh nghiệm và bổ sung giải pháp để triển khai có hiệu quả Công ước 105 tại Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo.

Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ phòng chống lao động cưỡng bức
Với quyết định phê chuẩn Công ước số 105, Việt Nam cũng chứng tỏ cam kết mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh chống lại lao động cưỡng bức dưới mọi hình thức. Ảnh minh họa

Trước đó, tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, với tỷ lệ tán thành đạt 94,82%.

Đối tượng hướng đến của Công ước số 105 là người lao động. Vì vậy, việc phê chuẩn Công ước và thực thi có hiệu quả việc xóa bỏ lao động cưỡng bức trên thực tế sẽ góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ lao động, tạo ra môi trường lao động ổn định, hài hòa để người lao động yên tâm làm việc và nâng cao hiệu quả lao động, từ đó, đem lại lợi ích cho cả người sử dụng lao động, Nhà nước và xã hội. Việc xóa bỏ, không có lao động cưỡng bức cũng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường thế giới để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của mình, nhất là thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Đây là lợi ích lớn có được từ việc gia nhập và thực hiện Công ước số 105.

Với quyết định phê chuẩn Công ước số 105, Việt Nam cũng chứng tỏ cam kết mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh chống lại lao động cưỡng bức dưới mọi hình thức. Đồng thời thể hiện chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo đảm thực thi quyền con người, quyền của người lao động.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế ILO, lao động cưỡng bức được hiểu là công việc được thực hiện một cách không tự nguyện, phải làm dưới sự đe dọa của một hình phạt nào đó. Lao động cưỡng bức chỉ những tình huống trong đó con người bị ép buộc phải làm việc thông qua việc sử dụng bạo lực hoặc đe dọa, hoặc bằng những biện pháp tinh vi hơn như thao túng khoản nợ, giữ giấy tờ nhân thân, hoặc đe dọa tố cáo với các cơ quan quản lý di trú. Lao động cưỡng bức làm tổn hại nhân phẩm con người, không cho người lao động khả năng được tìm kiếm sự đầy đủ về vật chất và phát triển tinh thần dựa trên ý chí tự do.
Nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội Việt Nam – Lào Nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội Việt Nam – Lào
12 chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19

Thùy Dương

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/viet-nam-xay-dung-co-so-du-lieu-thong-tin-ho-tro-phong-chong-lao-dong-cuong-buc-160767.html

In bài viết