THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 84/NQ-CP NGÀY 29/5/2020 CỦA CHÍNH PHỦ

Đánh giá cao nỗ lực của Chính Phủ, doanh nghiệp FDI của Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam

09:06 | 20/11/2021

Nhờ những chính sách phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả của Chính phủ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vẫn có thể phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp này cam kết sẽ mở rộng đầu tư trong thời gian tới.

Vẫn có thể mở rộng kinh doanh, bất chấp dịch COVID-19

Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát. Do đó, hầu hết doanh nghiệp FDI của Nhật Bản đã có thể trở lại hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, điểm khiến các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản đánh giá cao hơn cả là các chính sách hiệu quả của Chính phủ Việt Nam. Đại diện các doanh nghiệp này cho rằng, chính điều đó đã giúp họ phát triển bất chấp dịch bệnh.

Trao đổi với báo chí, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty AEON Việt Nam, cho biết thời gian tới, tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số và tăng tốc mở rộng hệ thống kinh doanh trên toàn quốc, trong đó tập trung vào lĩnh vực cửa hàng chuyên doanh, siêu thị vừa & nhỏ AEON MaxValu và thương mại điện tử. Ngoài ra, sẽ chú trọng phát triển các sản phẩm Nhãn hàng riêng của AEON như: TOPVALU, HÓME CÓORDY, innerCasual.

Aeon là một trong những doanh nghiệp FDI cam kết mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Aeon là một trong những doanh nghiệp FDI cam kết mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Một tập đoàn bán lẻ sừng sỏ trong lĩnh vực thời trang của Nhật là Fast Retailing Group cũng đã chính thức xác lập sự hiện hữu tại Việt Nam thông qua chuỗi cửa hàng UniQlo. Chưa đầy 2 năm kể từ khi cửa hàng đầu tiên khai trương đi vào hoạt động (tháng 12/2019), mặc cho kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ gặp nhiều sóng gió qua 4 đợt dịch COVID-19 bùng phát, UniQlo đã có 9 cửa hàng quy mô lớn tại những vị trí đắc địa tại TP.HCM, Hà Nội.

Trong đó, năm 2021 dù đợt dịch gây tác động nặng nề nhưng nhà bán lẻ Nhật Bản vẫn đưa thêm 3 cửa hàng UniQlo vào hoạt động; đồng thời tăng cường bán hàng online nhằm thích ứng với giai đoạn bình thường mới.

Ông Tadashi Yanai, Chủ tịch kiêm CEO của Fast Retailing Group, xác định Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất, cũng là cơ sở sản xuất quan trọng hàng đầu của hãng.

Cùng với đó, ông Tadashi Yanai nhấn mạnh, thương hiệu này sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc khai trương cửa hàng mới theo hình thức và quy mô mới, nhằm phủ rộng hơn nữa các nhóm đối tượng khách hàng và khu vực dân cư, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Việt Nam là môi trường đầu tư lý tưởng

Ông Shimuzu Akira, Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc hình thành chuỗi cung ứng nên họ lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư chiến lược trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Có thể kể đến hai trong số các yếu tố thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản là nguồn nhân lực với chất lượng cao và chi phí lao động cạnh tranh. Vì vậy, ông Akira cho rằng nhu cầu đầu tư và phát triển dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam không bị ảnh hưởng dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Nhà đầu tư của Nhật Bản tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam.
Nhà đầu tư của Nhật Bản tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đánh giá hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước đã có bước phát triển vượt bậc.

Trong 2 năm (2020-2021), dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng ông Nakajima Takeo nhấn mạnh dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục chảy vào Việt Nam.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 10/2021, Nhật Bản đứng thứ 2 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam với 4.765 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 63,94 tỉ USD. Quy mô dự án bình quân của Nhật Bản là 13,4 triệu USD/dự án, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 11,7 triệu USD/dự án.

Trong dòng vồn FDI mà Nhật đầu tư vào Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được "rót" vốn nhiều nhất với trên 1.800 dự án đang có hiệu lực, tổng vốn của ngành khoảng trên 39,4 tỉ USD. Tiếp đó là hoạt động kinh doanh bất động sản với trên 6,8 tỉ USD; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa trên 6 tỉ USD...

Hiện nay, Thanh Hóa là địa phương có tổng vốn đầu tư của Nhật Bản lớn nhất với trên 12,5 tỉ USD. Tại Hà Nội, Nhật Bản đầu tư vào hơn 1.300 dự án, với tổng số vốn trên 10 tỉ USD. TP HCM cũng thu hút được trên 4,6 tỉ USD nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản với hơn 1.400 dự án đang có hiệu lực. Các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành tại Việt Nam.

Những năm gần đây, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy cũng được các nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt quan tâm khi có trên 665 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trên 1,6 tỉ USD.

Đồng Nai: Người lao động được tiêm vaccine COVID-19, doanh nghiệp FDI vững tâm sản xuất Đồng Nai: Người lao động được tiêm vaccine COVID-19, doanh nghiệp FDI vững tâm sản xuất
Tại Đồng Nai, hầu hết người lao động trong các doanh nghiệp FDI đều đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đây là giải pháp cần được ưu tiên, cực kỳ cần thiết để các doanh nghiệp FDI yên tâm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, doanh nghiệp FDI của Mỹ đánh giá cao sự đồng hành của Chính phủ Việt Nam Vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, doanh nghiệp FDI của Mỹ đánh giá cao sự đồng hành của Chính phủ Việt Nam
Theo đại diện các tổ chức, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Mỹ cho biết đã gần như vượt qua thời điểm khó khăn nhất, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam. Cùng với đó, đại diện các doanh nghiệp FDI này vẫn cho rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong hiện tại và tương lai.
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn phát huy hiệu quả, doanh nghiệp FDI đang dần phục hồi Các giải pháp tháo gỡ khó khăn phát huy hiệu quả, doanh nghiệp FDI đang dần phục hồi
Việt Nam đã bước sang giai đoạn “bình thường mới”, kéo theo đó tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp FDI đang dần phục hồi.

Đông Phong

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/da-nh-gia-cao-no-lu-c-cu-a-chi-nh-phu-doanh-nghie-p-fdi-cu-a-nha-t-ba-n-tie-p-tu-c-mo-ro-ng-da-u-tu-ta-i-vie-t-nam-157754.html

In bài viết