Nhiều tỉnh, thành lên phương án chuẩn bị đón học sinh trở lại trường

11:37 | 28/09/2021

Trước tình hình nhiều nơi kiểm soát tốt dịch Covid-19, lãnh đạo Sở GD&ĐT tại nhiều tỉnh, thành đã nghiên cứu những tiêu chí nhằm đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch để chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại trường học tập khi điều kiện cho phép.
Hà Nội lên 4 kịch bản chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học Hà Nội lên 4 kịch bản chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học
Tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội đang có xu hướng giảm, theo đó Sở GDĐT Hà Nội đã lên kịch bản để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.
Hà Nội: Các trường học phải khử khuẩn trước khi đón học sinh trở lại Hà Nội: Các trường học phải khử khuẩn trước khi đón học sinh trở lại
Đây là một trong những nội dung trong dự thảo hướng dẫn phòng, chống dịch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhằm chuẩn bị đón học sinh trở lại sau thời gian nghỉ vì dịch COVID-19.

Hai năm học qua, khoảng 22 triệu học sinh cả nước đã trải qua nhiều lần gián đoạn học tập, phải chuyển sang học online do ảnh hưởng của Covid-19. Năm học 2021-2022, dịch bùng phát mạnh mẽ hơn với gần 700.000 ca nhiễm tính từ cuối tháng 4, hơn 17.000 người chết, kế hoạch học tập bị đảo lộn.

Thống kê ngày 19/9 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hầu hết tỉnh, thành cho toàn bộ học sinh tới trường là ở miền Bắc, nơi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều ngày qua không phát hiện ca mới. Nhà trường phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, có phương án chi tiết để ứng phó với từng trường hợp.

Cụ thể, cả nước có 25 tỉnh, thành dạy học trực tiếp. Đây là những địa phương ít ảnh hưởng của dịch Covid-19 hoặc đã khống chế được dịch bệnh.

Trong khi đó, các địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương… đều đang tổ chức dạy học trực tuyến. Có 14 tỉnh, thành đang kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình.

Nhiều tỉnh, thành lên phương án chuẩn bị đón học sinh trở lại trường
Năm học 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường đã phải tổ chức Lễ khai giảng trực tuyến cho học sinh.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh tới trường, nhà trường phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, có phương án chi tiết để ứng phó với từng trường hợp.

Như tại Vĩnh Phúc, các trường học phải thường xuyên vệ sinh khuôn viên, tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa, sử dụng quạt thay vì điều hòa. Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, các trường phải quản lý, giám sát theo phương châm "lớp giãn cách lớp và lớp tự bảo vệ lớp", hạn chế tiếp xúc học sinh giữa các lớp với nhau, đặc biệt trong giờ ra chơi.

Các trường cũng phân luồng học sinh, kiểm tra thân nhiệt, không tổ chức hoạt động tập thể quy mô lớn để đảm bảo giãn cách, kiểm soát chặt chẽ người ra vào trường... Nhờ quy định cụ thể, các trường học ở Vĩnh Phúc đang giảng dạy trực tiếp bình thường. Việc phân luồng khi học sinh đến trường và ra về hay yêu cầu đeo khẩu trang trong lớp ở nhiều trường được làm tốt, phụ huynh hợp tác.

Trong nhóm tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình chỉ có Hà Nội và Hưng Yên, còn lại là các tỉnh, thành phía Nam.

Hà Nội dự thảo 15 tiêu chí cho phương án đón học sinh trở lại trường

Để chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại trường học tập khi điều kiện cho phép, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội dự thảo 15 tiêu chí nhằm đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong trường học.

Trong đó, có các quy định trước khi học sinh đến trường, trong thời gian học sinh học tập tại trường và kết thúc buổi học.

Các nhóm công việc được lưu ý thể hiện bằng các tiêu chí gồm: Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế trường học; thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập, phương tiện đưa đón học sinh theo đúng hướng dẫn của y tế; có nhân viên y tế trường học, có phòng cách ly, phòng y tế theo quy định; các trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế và thực tiễn dịch bệnh của địa phương; có phương án xử trí khi có trường hợp ho, sốt, khó thở nghi mắc COVID-19 trong trường học.

Các tiêu chí quy định cả trước, trong và kết thúc buổi học là 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi đến trường, đo thân nhiệt tại cổng trường; thực hiện vệ sinh các bề mặt tiếp xúc, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến trường, trong thời gian học tập và khi ở trường về nhà.

Việc giao nhận học sinh mầm non, tiểu học diễn ra trước và sau buổi học tại cổng trường. Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện giãn cách tại phòng học, phòng làm việc, phòng sinh hoạt và các khu vực trong trường học.

Nhiều tỉnh, thành lên phương án chuẩn bị đón học sinh trở lại trường

Học sinh trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh, dự lễ khai giảng năm học mới hôm 5/9. (Ảnh: VNE)

Quảng Ngãi dự kiến cho học sinh đến trường ngày 4/10

Trước tình hình nhiều nơi kiểm soát tốt dịch Covid-19, lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Ngãi xem xét cho học sinh toàn tỉnh đến trường học tập từ ngày 4/10.

Trước đó, ngày 27/9, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tổ chức giáo viên dạy học trực tiếp cho học sinh ở các địa phương là “vùng xanh”, gồm: Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long và huyện Lý Sơn. 50% xã ở huyện Mộ Đức có học sinh học trực tiếp, còn lại vẫn học trực tuyến.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi: "Đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 nên học sinh có thể trực tiếp đến trường học tập từ ngày 4/10 tới. Riêng TP Quảng Ngãi còn nguy cơ nên chúng tôi cân nhắc khu vực nào phong tỏa thì vẫn cho học sinh học trực tuyến".

Để chuẩn bị dạy học trực tiếp trong điều kiện bình thường mới, các trường học ở Quảng Ngãi đã phối hợp ngành y tế tăng tốc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho đội ngũ giáo viên trước khi trở lại trường. Nhiều trường ở các huyện miền núi yêu cầu giáo viên ở lại địa phương, không về nhà trong 14 ngày qua.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhấn mạnh địa phương sẽ thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của trung ương và theo tình hình diễn biến dịch bệnh. Đó là sống chung an toàn với dịch Covid-19, khống chế dịch ở mức ít nhất để bắt đầu mở cửa các trường học, chợ và phục hồi sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp.

Để ứng phó với dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022.

Theo đó, đối với lớp 1 và lớp 2, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện nghiên cứu chương trình môn học, các mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa; từ đó xây dựng các chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt.

Ở môn Tiếng Việt 1, giáo viên được phép căn cứ vào trình độ học sinh để chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học sao cho đảm bảo học sinh đạt được các yêu cầu cần đạt của môn học một cách chắn chắn và không để tình trạng học sinh không biết đọc, không biết viết khi lên lớp 2. Ở một số môn học khác, trong một vài chủ đề học tập, giáo viên phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn các em thực hành yêu cầu cần đạt. Thầy cô cũng được linh hoạt thay đổi kế hoạch dạy học môn học để tổ chức dạy học một số chủ đề tại nhà trường.

Đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các nhà trường tổ chức rà soát lại nội dung chương trình, sách giáo khoa, mức độ cần đạt của từng khối lớp đối với các môn học bắt buộc để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, nhất là những địa bàn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đối với bậc THCS và THPT, Bộ GD-ĐT chỉ đạo chương trình được thực hiện theo nguyên tắc giữ lại yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, không yêu cầu học sinh thực hiện các nội dung học tập nâng cao, trùng lặp giữa các môn học, các nội dung đã quá cũ so với kiến thức khoa học hiện đại. Một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng.

Hơn 6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ Hơn 6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ "Sóng và máy tính" cho hàng triệu học sinh, sinh viên khó khăn
Tối ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Với kinh phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng, được xây dựng và triển khai “thần tốc” theo chỉ đạo của Thủ tướng, đây là chương trình đặc biệt trong một năm học đặc biệt, có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, thiết thực với hàng triệu học sinh, sinh viên, hàng triệu gia đình trên cả nước, giúp các em học tập hôm nay vì tương lai đất nước.
Cần Thơ trao 17 phần quà hỗ trợ du học sinh Campuchia bị kẹt lại Việt Nam do dịch Covid-19 Cần Thơ trao 17 phần quà hỗ trợ du học sinh Campuchia bị kẹt lại Việt Nam do dịch Covid-19
Chiều 8/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ (Liên hiệp Cần Thơ), Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP và Chương trình Hành trình kết nối yêu thương của Thành đoàn Cần Thơ đã tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà hỗ trợ cho sinh viên Campuchia học tập tại các trường đại học trên địa bàn TP Cần Thơ.
Các trường học huyện Phù Ninh sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới 2021 - 2022 Các trường học huyện Phù Ninh sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới 2021 - 2022
Đến thời điểm này, các trường học trong huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cũng như các phương án phòng, chống dịch Covid – 19, sẵn sàng đón các em học sinh bước vào năm học mới 2021 – 2022.

Khánh An

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhieu-tinh-thanh-len-phuong-an-chuan-bi-don-hoc-sinh-tro-lai-truong-152058.html

In bài viết