Quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm

13:57 | 20/07/2021

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 24/2021/QĐ-TTg quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025.
Giảm tiền nước, tặng nhu yếu phẩm cho người nghèo, người lao động ở TP.HCM bị ảnh hưởng bởi Covid-19 Giảm tiền nước, tặng nhu yếu phẩm cho người nghèo, người lao động ở TP.HCM bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Sóc Trăng: Tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc Khmer trên địa  bàn giảm trên 4% Sóc Trăng: Tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc Khmer trên địa bàn giảm trên 4%
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo là phương pháp khảo sát thu thập thông tin của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm phù hợp với chuẩn nghèo theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

Phương pháp xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình là phương pháp xác định thu nhập của hộ gia đình trong vòng 12 tháng trước thời điểm rà soát, không tính khoản trợ cấp hoặc trợ giúp xã hội từ ngân sách nhà nước vào thu nhập của hộ gia đình.

Thời gian rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm như sau:

- Định kỳ mỗi năm 01 lần: Thực hiện từ ngày 01/ 9 đến hết ngày 14/12 của năm;

- Thường xuyên hằng năm: Mỗi tháng 01 lần, thực hiện từ ngày 15 hằng tháng.

Thời gian xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình thực hiện từ ngày 15 hằng tháng.

Quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm gồm: 1- Lập danh sách hộ gia đình cần rà soát; 2- Tổ chức rà soát, phân loại hộ gia đình; 3- Tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát; 4- Niêm yết, thông báo công khai; 5- Báo cáo, xin ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; 6- Công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo.

Trong đó, về tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát, thành phần cuộc họp: Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã, công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn (chủ trì họp), Bí thư Chi bộ thôn, đoàn thể, rà soát viên và một số đại diện hộ gia đình qua rà soát, hộ gia đình khác; mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã giám sát.

Nội dung cuộc họp: Lấy ý kiến thống nhất của ít nhất 50% tổng số người tham dự cuộc họp về kết quả đánh giá, tính điểm đối với các hộ gia đình qua rà soát (chủ yếu tập trung vào các hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo). Trường hợp ý kiến thống nhất dưới 50%, thực hiện rà soát lại theo quy định; kết quả cuộc họp được lập thành 02 biên bản, có chữ ký của chủ trì, thư ký cuộc họp và đại diện của các hộ dân (01 bản lưu ở thôn, 01 bản gửi Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã).

Quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên hằng năm

Về quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên hằng năm, hộ gia đình có giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc giấy đề nghị công nhận hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên theo quy trình quy định, quyết định công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo; cấp Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu rà soát theo quy định. Trường hợp không đủ điều kiện theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Quyết định cũng quy định quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình gồm:

- Hộ gia đình quy định tại Khoản 2 Điều 37 Luật Cư trú làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp và diêm nghiệp có giấy đề nghị xác nhận hộ có mức sống trung bình, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổ chức xác định thu nhập của hộ gia đình; niêm yết, thông báo công khai kết quả tại trụ sở xã trong thời gian 05 ngày làm việc, tổ chức phúc tra trong thời gian 03 ngày làm việc (nếu có khiếu nại) và quyết định công nhận hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu rà soát theo quy định. Trường hợp không đủ điều kiện theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cũng liên quan tới công tác xóa đói giảm nghèo, tại Công văn số 4850/VPCP-KGVX ngày 19/7/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ hoàn thiện Tờ trình, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Báo cáo tiếp thu, giải trình kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung; ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình (Báo cáo đề xuất chủ trương, Báo cáo tiếp thu, giải trình kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kèm theo), gửi Quốc hội theo quy định và báo cáo tại phiên họp toàn thể.

Sau khi Quốc hội thông qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện các thủ tục thẩm định theo quy định đối với báo cáo khả thi của Chương trình trong đó có 2 tiểu dự án hỗ trợ về nhà ở và cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Kỳ tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam

Việt Nam đã tạo ra kỳ tích về xóa đói giảm nghèo khi tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh từ 58% năm 1993 xuống còn hơn 2%. Năm 2006, Việt Nam tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm. Với kết quả đó, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

Giữa mùa dịch bệnh, ấm lòng với bếp cơm từ thiện cho người nghèo, bệnh nhân nghèo ở xứ Nẫu Giữa mùa dịch bệnh, ấm lòng với bếp cơm từ thiện cho người nghèo, bệnh nhân nghèo ở xứ Nẫu
Mỗi ngày, hàng ngàn suất cơm được nấu ra và gửi tới các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện ở Phú Yên giữa thời điểm dịch bệnh căng thẳng.
Mô hình ‘Dê giống khởi nghiệp’ giúp dân thoát nghèo Mô hình ‘Dê giống khởi nghiệp’ giúp dân thoát nghèo
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (BPCKQT) La Lay (Quảng Trị) phối hợp với chính quyền các xã khu vực biên giới triển khai nhiều mô hình giúp dân thoát nghèo. Mới đây, mô hình "Dê giống khởi nghiệp" đã và đang phát huy hiệu quả.
UNDP hoan nghênh Việt Nam đã kịp thời công bố số liệu thống kê về nghèo đa chiều trong đại dịch COVID-19 UNDP hoan nghênh Việt Nam đã kịp thời công bố số liệu thống kê về nghèo đa chiều trong đại dịch COVID-19
Giáo sư, Tiến sỹ Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP đã hoan nghênh Tổng cục Thống kê đã kịp thời công bố số liệu thống kê về nghèo đa chiều, rất quan trọng cho việc hoạch định chính sách, đặc biệt trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng do đại dịch COVID-19 như hiện nay.

PV

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/quy-trinh-ra-soat-ho-ngheo-ho-can-ngheo-hang-nam-145327.html

In bài viết