Vĩnh Long: Tăng cường xóa bỏ cây cần sa
Công an nhổ bỏ, tiêu hủy cây cần sa.
Năm 2014, lực lượng công an các cấp tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện và triệt xóa 18 vụ trồng cây cần sa trong vườn nhà, tổ chức; thiêu hủy gần 300kg cần sa, ra quyết định khởi tố 2 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 10 trường hợp, đồng thời giao cho các địa phương có người trồng cây cần sa giáo dục những trường hợp gieo trồng loại cây này.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015, lực lượng công an các cấp trong tỉnh tiếp tục phát hiện và xử lý 6 vụ trồng cây cần sa và một đối tượng mua bán cần sa bị khởi tố về hành vi “mua bán trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 194, Bộ luật Hình sự.
Theo cơ quan công an, bên cạnh không ít người vì thiếu hiểu biết nên đã mua bán và gieo trồng cây cần sa, cũng có nhiều trường hợp biết cây cần sa là loại cây có chứa chất ma túy, bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vẫn lén lút trồng với nhiều mục đích khác nhau. Một số người dân đã nghe theo tin đồn, cho rằng cần sa có thể phòng ngừa, chữa trị dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, dẫn đến việc người dân lén lút trồng cây cần sa trái pháp luật trong vườn nhà.
Ngoài ra, hiện nay, chế tài xử lý đối với hành vi trồng cây có chứa chất ma tuý nói chung và cây cần sa nói riêng còn nhẹ. Theo Điều 192, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “Người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý, đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách nhân đạo của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội.
Để làm tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với vấn nạn ma túy và những trường hợp gieo trồng các loại cây có chứa chất ma túy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long yêu cầu rà soát, lập danh sách số đối tượng là người nghiện chất ma túy, các địa bàn trọng điểm thường xuyên trồng cây có chứa chất ma túy để có biện pháp xử lý, không để bùng phát, đồng thời phải kiên quyết xử lý nghiêm những hộ, cá nhân cố tình tái trồng cây có chứa chất ma túy.
Đặc biệt chú trọng nhất là tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân để mọi người hiểu rõ tác hại của cây cần sa và có ý thức không trồng, không sử dụng, cũng như kịp thời tố giác khi phát hiện có sự hiện diện của cần sa ở địa phương mình.
Hoàng Anh