Ngoại giao xử lý thỏa đáng nhiều vấn đề phức tạp
Công tác đối ngoại đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tạo điều kiện cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội nghị
Đóng góp vào công tác đối ngoại chung của đất nước, trong những năm qua, đối ngoại quốc phòng cũng đạt được một số thành tựu quan trọng như bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, tăng cường củng cố lòng tin, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với hơn 80 nước và tổ chức quốc tế.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch mong muốn Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao thường xuyên tham vấn, chia sẻ thông tin về các vấn đề quốc tế, hoạch định chiến lược với các đối tác; tăng cường quản lý biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng mong muốn Bộ Ngoại giao hỗ trợ trong việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác đối ngoại, đặc biệt là kỹ năng nghiên cứu các vấn đề quốc tế, vấn đề biên giới, lãnh thổ.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân cho rằng từ Hội nghị lần thứ 28 đến nay, công tác đối ngoại được đánh giá là đạt được nhiều thành tựu quan trọng và nổi bật. Đó là động lực lớn và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những người làm công tác đối ngoại nước nhà.
Kết quả công tác đối ngoại khẳng định tính đúng đắn, sáng suốt của đường lối đối ngoại, là thực tiễn sinh động về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước với đối ngoại nhân dân, là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp tích cực và nỗ lực hiệu quả trên các lĩnh vực, binh chủng làm công tác đối ngoại, trong đó, ngành ngoại giao là lực lượng chủ công đóng vai trò hết sức quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến khó dự đoán, nhiều thách thức trên các phương diện an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong nước cũng gặp những thách thức về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh thì ngoại giao đã trở thành một phương thức đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và tồn tại của quốc gia.
Trước bối cảnh trên, công tác đối ngoại Việt Nam, trong đó ngành ngoại giao làm nòng cốt, đã hết sức nỗ lực, phục vụ hiệu quả việc triển khai đường lối chính sách đối ngoại của Đảng, giúp đất nước duy trì trạng thái cân bằng chiến lược, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tăng cường mở rộng và làm sâu sắc thêm các quan hệ quốc tế trên hầu hết các lĩnh vực, phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh đến sự phối hợp giữa ngành ngoại giao và ngành công an: "Công tác ngoại giao và công tác công an luôn hướng tới mục tiêu chung là kiến tạo, bảo đảm môi trường , điều kiện thuận lợi cho quá trình vận động phát triển bền vững của đất nước. Trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều diễn biến, biến động khó lường, phức tạp như hiện nay, 2 lĩnh vực này càng phải tăng cường phối hợp, đồng hành".
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu tin tưởng với trí tuệ thông thái và bản lĩnh của đội ngũ làm công tác đối ngoại, tại Hội nghị lần này, các đại sứ, tổng lãnh sự, các cán bộ ngoại giao của nước ta trong và ngoài nước sẽ thảo luận và đề ra những biện pháp hữu hiệu, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta lên một tầm cao mới.
Theo ông Giàu, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ tích cực cho ngoại giao Nhà nước và bổ sung cho ngoại giao nhân dân, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Cho đến nay, Quốc hội Việt Nam đã có quan hệ với 140 nghị viện các nước và thành viên của nhiều tổ chức, liên nghị viện khu vực và trên thế giới. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội nước ta với Quốc hội các nước ngày càng được mở rộng hiệu quả và thực chất hơn, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại chung và nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước.
Theo Báo Chính phủ